Nhọc nhằn nghề xiếc

Với những màn nhào lộn, đu dây... điêu luyện, biến hóa trên sân khấu được khán giả đón nhận, nhưng sau tấm màn nhung, các nghệ sĩ xiếc phải trải qua quá trình luyện tập dài ngày...

Với những màn nhào lộn, đu dây... điêu luyện, biến hóa trên sân khấu được khán giả đón nhận, nhưng sau tấm màn nhung, các nghệ sĩ xiếc phải trải qua quá trình luyện tập dài ngày, đầy gian nan, thử thách và thu nhập eo hẹp. Theo nhiều nghệ sĩ xiếc, để có tiết mục ấn tượng thì người nghệ sĩ thường xuyên phải đổi mặt với chấn thương, hoặc hơn nữa là mạng sống. Và tất cả quyết không bỏ nghề chỉ bởi lòng đam mê...

Nghệ thuật xiếc ở nước ta vẫn không ngừng phát triển, các nghệ sĩ xiếc vẫn hăng say, bám trụ với nghề. Nhiều năm trở lại đây, xiếc Việt Nam tham gia nhiều liên hoan quốc tế và hầu hết đều có giải cao với những tiết mục độc đáo, cho thấy tài năng xuất chúng của các nghệ sĩ trên sân khấu. Trong khi đó, tại sân khấu Liên đoàn Xiếc Việt Nam (tại Hà Nội), các buổi diễn luôn chật cứng khán giả ở mọi lứa tuổi. Nhưng đó chỉ là bề nổi của xiếc Việt, còn “hậu trường” của người làm xiếc là cả một câu chuyện dài, chứa đựng bao điều đắng cay và cả sự mất mát.

NSƯT Trường Thành (bên trái) trong một tiết mục hề xiếc.

Gần đây nhất, NSƯT Trường Thành (Đoàn Xiếc 1, Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đã qua đời ngay trên sân khấu trong chuyến lưu diễn tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), cho thấy sự khốc liệt và bi thương của nghệ sĩ xiếc nói chung ở nước ta. Khi đang diễn tiết mục hề gõ bát trên sân khấu, đột nhiên NSƯT Trường Thành nằm gục xuống bàn. Lập tức, nghệ sĩ này đã được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã không qua khỏi. Quả thật, nghệ sĩ với nghề xiếc rất mong manh, tai nạn luôn rình rập và đến với các nghệ sĩ bất cứ lúc nào dù vẫn biết NSƯT Trường Thành vốn đã mắc một số bệnh về huyết áp, thần kinh tọa...

Trong lịch sử nghệ thuật xiếc nước ta, từng có không ít nghệ sĩ gặp những tai nạn cả khi tập luyện cũng như khi diễn trước khán giả. Các tai nạn quá nặng buộc các nghệ sĩ phải giã từ sự nghiệp dù đang ở độ chín. Điển hình như trường hợp của nghệ sĩ Lê Hương (Đoàn Xiếc TP.HCM) biểu diễn tiết mục nhào lộn, chị không may bị quật văng gãy xương vai phải bỏ nghề vĩnh viễn. Bên cạnh đó là cố nghệ sĩ Hồng Hạnh với màn biểu diễn “Đế kiếm trên đu”, trong một lần biểu diễn tại nước ngoài nữ nghệ sĩ đã bị mũi kiếm và cả khay lớn đâm trúng ngực một vết lớn. Hoặc nghệ sĩ đu dây Hồng Vân với cú ngã kinh hoàng từ trên đỉnh rạp xuống đất dẫn tới chấn thương đầu, mất trí nhớ trong một thời gian dài và phải từ bỏ nghề. Đến ngay cả NSND Vũ Ngoạn Hợp - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, dù đã có thâm niên và giỏi nghề nhưng ông cũng từng có gần 10 lần bó bột do khi tập luyện, bị gãy tay, chân khi còn là một diễn viên xiếc tung hứng, nhào lộn, ảo thuật.

Cũng phải kể thêm một trường hợp theo nghề xiếc nữa rất tiêu biểu, và chị phải bỏ nghề, đó chính là NSƯT Tuyết Hoàn. Cách đây vài năm, sau một cú ngã trong quá trình tập luyện, NSƯT Tuyết Hoàn đã bị chấn thương và cuộc đời chị từ đó phải ngồi trên chiếc xe lăn. Không chỉ tiếc nuối khi chia tay sự nghiệp biểu diễn, NSƯT Tuyết Hoàn mới gặp tai nạn, chị đã suy sụp tinh thần, nước mắt chảy ròng vì không còn được diễn trên sân khấu phục vụ khán giả, hơn nữa chị vừa lập gia đình nên gánh nặng kinh tế lại càng nặng nề hơn.

Một người trong giới làm xiếc từng chia sẻ, xiếc là ngành nghệ thuật có đặc thù riêng, lao động nặng nhọc cả về trí tuệ và thể lực, đòi hỏi nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, nâng cao kỹ thuật và nghệ thuật. Tuy nhiên, các nghệ sĩ xiếc thường xuyên đối mặt với nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp và điều này đã được chứng minh trong thực tế của người làm nghề. Cùng với đó, tuổi nghề quá ngắn ngủi và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng đã dẫn đến việc tuyển sinh cho nghề xiếc gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các nghệ sĩ xiếc theo đuổi bộ môn nghệ thuật này vì lòng yêu nghề chứ mức thu nhập không đủ để trang trải.

NSND Vũ Ngoạn Hợp từng chia sẻ rằng, khi các học viên trẻ tốt nghiệp Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam, có người may mắn xin được việc thì khó khăn bởi thu nhập từ nghề thấp, nhiều bạn trẻ không xin được việc thì làm công việc khác. NSND Vũ Ngoạn Hợp cho rằng, xiếc không chỉ là nghề có nhiều rủi ro tai nạn mà còn là nghề có nhiều cửa ải chông gai, đòi hỏi người diễn viên lòng yêu nghề, kiên trì và bám đuổi.

Như trường hợp của NSƯT Trường Thành mới đây, ông đã có 43 năm gắn bó với nghề, chỉ còn 1 năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn muốn được biểu diễn, được đứng trên sân khấu để phục vụ khán giả. Theo NSƯT Đỗ Hùng - Trưởng đoàn Xiếc 1 (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), nhiều lần lãnh đạo, anh chị em trong đơn vị ngỏ ý với NSƯT Trường Thành nghỉ ngơi, thế nhưng nghệ sĩ xiếc này “mắng yêu” mọi người: “Đừng bắt tôi ngồi nhà. Sức tôi còn tốt, bây giờ diễn được buổi nào cứ diễn, sang năm nghỉ hưu tôi mới chịu ngồi yên”. Thế nhưng, khi chưa kịp ngồi yên để an hưởng tuổi già, quây quần bên gia đình, NSƯT Trường Thành vì lòng đam mê, yêu nghề đến tận cùng đã ra đi mãi mãi - đây cũng là trường hợp hiếm hoi một nghệ sĩ xiếc qua đời ngay trên sân khấu nên các đồng nghiệp, công chúng không khỏi xót xa, đau đớn.

Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhoc-nhan-nghe-xiec-n124500.html