Nhọc nhằn đời phu tràm

Giữa cái nắng nóng tới 40 độ của đất trời phương Nam, những người người thợ thu hoạch tràm (phu tràm) vẫn lặng lẽ, cần mẫn với công việc cực nhọc của mình, vác những cây tràm dài hơn chục mét từ dưới bến lên xe tải. Nhưng đó chỉ là một công đoạn 'nhẹ nhàng' trong công việc hàng ngày của họ bởi đưa được những cây tràm từ trong rừng trũng thấp ra tới lộ là điều gian nan nhất.

Thu hoạch tràm, nghề vất vả và cực nhọc. Ảnh: Đoàn Xá.

Chuyện đời của một “đầu cưa”

Những ngày này, miền Tây Nam bộ bước vào mùa thu hoạch cừ tràm, chủ yếu được trồng ở khu vực huyện Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thanh… (tỉnh Long An) hay Châu Thành, Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) hay những cánh rừng bán hoang dã ở Kiên Giang, Cà Mau...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thu hoạch tràm ở đây diễn ra quanh năm nhưng chủ yếu vào những tháng mùa khô. Khi mùa mưa tới, việc thu hoạch sẽ khó khăn hơn, tiền công mà các chủ vựa phải trả cho các phu tràm sẽ nhiều hơn.

Ngồi nghỉ ngơi ở quán cà phê võng ngay ngã ba đường tỉnh 867 và quốc lộ 62, một nhóm thợ làm nghề chặt tràm cho biết các anh thường đi 5 người cùng nhau. “Nghề cưa tràm này vất vả lắm, bởi cây tràm là loại cây mọc ngập trong nước. Mùa khô như hiện nay, nhiều ruộng tràm hết nước nhưng nhiều ruộng ở sâu trong đồng phía Thuận Bình, Bình Phong Thạnh… vẫn ngập nước nên thu hoạch rất khó khăn.

Nhưng cũng có nhiều ruộng tràm nằm gần lộ, rất dễ. Mấy anh em tôi đều ở trọ trên Bến Lức cả. Khi nào nhận được ruộng tràm thì mình tới cưa. Có ruộng cưa cả tuần chưa hết vì tràm thường trồng nhiều lắm. Ít ai trồng tràm lẻ tẻ đâu”, anh Đặng Vũ, 34 tuổi, một thợ cưa chia sẻ.

Theo anh Vũ, trong nhóm thu hoạch tràm như anh có 2 người được gọi là “đầu cưa”, là người có tay nghề nhất vì cũng như nhiều loại cây gỗ khác, để cưa chuẩn xác những cây tràm là công việc không hề dễ dàng. Những người còn lại thường chỉ cần có sức khỏe, chăm chỉ là làm được.

“Công việc của chúng tôi cũng đơn giản lắm. Bắt đầu thì “đầu cưa” sẽ lựa cách để chặt hạ một cây tràm. Sau đó người còn lại sẽ lấy rựa chặt những nhánh, cành nhỏ ở gần gốc cây để tạo khoảng trống tầm nhìn cũng như không bị vướng, văng vào người. Sau đó “đầu cưa” bắt đầu công việc, kèm theo đó người còn lại sẽ lấy móc để kéo cây về hướng ngược lại cho chúng đổ xuống. Hầu hết tràm ở đây là trồng, tuổi đời chỉ 3 - 7 năm nên cũng chỉ mất 2-3 phút là cưa đổ một cây.

Nhưng đó chưa phải là hoàn thành. Sau khi cây đổ xuống thì sẽ chặt hết lá, cành và “đầu cưa” bắt đầu phân cây ra theo từng đoạn. Lúc này thì tùy theo hợp đồng với chủ ruộng mà sẽ cưa cây. Có chủ mong muốn cây chia thành đoạn dài 5 mét, có chủ lại muốn chỉ còn 3 mét nhưng cũng có người để cả cây dài chục mét vậy", anh Vũ cho biết thêm.

Anh Vũ quê ở trên Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) nhưng gần chục năm trước xuống Long An làm công nhân xây dựng. Mới vào nghề phu tràm khoảng 4-5 năm nay nhưng anh Vũ nhanh chóng được “lên chức” thành “đầu cưa”. So với thợ vác cây, chặt cành thì “đầu cưa” có thu nhập cao hơn chút đỉnh.

“Tôi từ bé đã chặt cây đốn cành ở quê với ba mẹ rồi nhưng khi làm nghề “đầu cưa” này mới biết nó cực nhọc và vất vả. Mùa này anh em tôi đều phải đi làm ban đêm phần nhiều vì ban ngày rất nóng không thể làm được. Mình làm việc trong rừng cây vậy nhưng khi chặt cây xong thì không còn bóng mát nữa. Vì vậy mấy anh em thường cưa ban đêm. Từ đêm tới sáng rồi ra ngoài lộ ăn, uống nước nghỉ ngơi tới chiều lại vào cưa tiếp. Ruộng tràm này chắc phải 2 tuần anh em tôi mới làm xong”, anh Vũ kể.

Không chỉ vất vả cực nhọc, công việc của những phu tràm còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường. Bởi họ làm việc trong những cánh rừng, dù là rừng trồng nhưng cũng rất nhiều rắn rết, bò sát, các loại ong… luôn chực chờ tấn công những phu tràm bất cứ lúc nào bởi gián tiếp, họ đang phá vỡ môi trường sống tự nhiên của những sinh vật này. Và hầu hết các phu tràm khi làm việc đều mặc những bộ quần áo dày, có khi 2 lớp và bó sát người.

Tuy nhiên trên người họ, nhất là cánh tay cũng chi chít các dấu vết của bò sát tấn công.

Để đưa được cây tràm ra được đường lớn, những người phu tràm phải thực hiện nhiều công đoạn.

Sống trong rừng, ngủ trong lều

Trong khi đó, một người thợ phu tràm khác là chú Sáu Đen, 63 tuổi, cùng nhóm với anh Vũ cho biết từ tháng trước nhóm của chú đã nhận được các hợp đồng chặt tràm cho các chủ ruộng ở khu vực Thạnh Hóa, Mộc Hóa này.

Khi nhận được hợp đồng, nhóm người của chú Sáu sẽ mang dụng cụ để dựng lều ở tạm trong thời gian thu hoạch tràm. Tùy từng diện tích hoặc năm tuổi của tràm mà nhóm sẽ thỏa thuận tiền công với chủ.

Ngoài ra, việc vận chuyển từ ruộng ra ngoài lộ cũng ảnh hưởng nhiều tới tiền công. “Chúng tôi thỏa thuận tiền công của cả ruộng, sau khi xong việc thì mấy anh em chia nhau. Tối với cậu Vũ là “đầu cưa” thì tiền công mười phần, anh em làm công việc còn lại chỉ được bảy phần. Vì “đầu cưa” vất vả hơn, lại có phần nguy hiểm nữa. Như tôi bây giờ tay cũng yếu rồi, cầm cưa nhiều khi không chắc nữa. Có thằng Hạnh kia là cháu vợ tôi, tôi đang tập cho nó làm “đầu cưa”, chắc cuối năm là chắc tay rồi”, chú Sáu Đen cho biết.

Theo chú Sáu, phần lớn thời gian của những phu tràm đều gắn bó với ruộng tràm vì các chủ ruộng đều mong muốn thu hoạch càng nhanh càng tốt. Nhiều khi họ trả giá cao hơn một chút để có thể rút ngắn thời gian thu hoạch. Tất nhiên, những lúc đó công việc của các phu tràm sẽ vất vả, cực nhọc hơn rất nhiều. Những người sức khỏe yếu sẽ không thể đeo đuổi được công việc này.

“Mỗi tuần anh em tôi có khi thu được 4-5 triệu đồng nếu có ruộng tràm nhưng không phải ai cũng làm được công việc này đâu. Bây giờ mùa khô nóng, thường làm việc ban đêm, ban ngày nắng thì tranh thủ ngủ một chút. Ngoài chặt tràm thì còn phải bốc vác, vận chuyển ra ngoài lộ.

Có ruộng thì chở bằng xe tải nhưng ở đây phần lớn chở tràm bằng ghe thuyền thôi. Mình cố gắng làm việc chứ hết tháng sau tới mùa mưa là thu hoạch tràm vất vả hơn mà tiền công cũng ít, do lúc đó ruộng tràm thường xuống giống cây con rồi”, chú Sáu Đen kể tiếp.

Theo những người phu tràm này, do công việc đặc thù trong rừng tràm, họ chỉ dành rất ít thời gian, chủ yếu là khi mua đồ ăn, nghỉ ngơi để ra ngoài đường lộ. Còn lại phần lớn thì sống trong rừng, ngủ trong lều dựng tạm ven rừng tràm. Nhưng họ cũng không ở cố định một chỗ mà thường lang thang du mục, tùy theo các chủ ruộng tràm.

Có những lúc ở họ khu vực Mộc Hóa, Thạnh Hóa cả tháng trời, thậm chí cả mùa chặt tràm nhưng có lúc họ lại chạy xuống tận Hồng Ngự, Tân Châu hay xuôi về miệt U Minh “cuối đất cùng trời” để tiếp tục công việc của mình. Có một điều may mắn, với diện tích hàng trăm ngàn héc ta, cây tràm là một trong những loại cây gỗ công nghiệp phổ biến nhất của miền Tây Nam, được quy hoạch ở nhiều địa phương. Điều đó giúp cho những phu tràm nhu nhóm của chú Sáu Đen, anh Vũ có thêm công việc, thu nhập dù đó là công việc vất vả, cực nhọc vô cùng.

Những ngày này, đi dọc các tuyến đường ở khu vực biên giới qua tỉnh Long An, Đồng Tháp… gặp rất nhiều các vựa thu mua tràm của người dân. Hàng chục ngàn cây tràm dài được chặt từ đồng mang tới đây, trước khi chúng được vận chuyển về thành phố, nhà máy ép gỗ ở ven đô thị tiêu thụ.

Cùng với vùng U Minh, nơi đây được coi là vựa tràm lớn nhất ở miền Tây Nam bộ, mang tới nguồn thu lớn cho những người trồng và cả những phu tràm như chúng tôi vừa gặp gỡ.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhoc-nhan-doi-phu-tram-10275918.html