Nhớ về chiếc máy bay 'cây nhà lá vườn' cuối cùng của nước Đức

Hơn 20 năm trước, chiếc máy bay phản lực thương mại Fairchild Dornier 728 đã được ra mắt như một mẫu cơ sở cho những gì được hy vọng sẽ trở thành một 'gia đình máy bay' hùng hậu của nước Đức. Tuy nhiên, giấc mơ đó đã không bao giờ trở thành hiện thực.

Fairchild Dornier, dự án máy bay cuối cùng

Pháp và Anh vẫn là những cường quốc chế tạo máy bay, một truyền thống tiếp tục được duy trì sau Thế chiến thứ hai. Song thật đáng tiếc, nước Đức, dù là một quốc gia công nghiệp nặng hàng đầu thế giới, nổi tiếng với những hãng xe hơi trứ danh và vô cùng nổi tiếng với cơ khí chính xác, song lại tụt hậu về ngành chế tạo máy bay.

Chiếc Fairchild Dornier 928JET mãi mãi vẫn chỉ là một mô hình máy bay.

Chỉ có một chiếc máy bay phản lực được phát triển và đưa vào vận hành ở Đức sau Thế chiến thứ hai. Đó là chiếc VFW 614, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 7 năm 1971. Dù là một chiếc máy bay tiên tiến và được cho rằng hết sức sáng tạo vào thời đó, song đây lại là một thất bại về mặt thương mại khi chỉ có 16 chiếc được bán ra. Để rồi, kế hoạch sản xuất máy bay thương mại sớm bị Đức bị hủy bỏ vào năm 1978. Kết quả là, thay vì tự sản xuất máy bay của riêng mình, Đức hướng tới trở thành đối tác trong chương trình máy bay Airbus tại châu Âu.

Thực ra, sau đó Đức vẫn có một nỗ lực lớn khác và cũng là cuối cùng trong việc chế tạo một chiếc máy bay cho riêng mình. Kế hoạch này bắt đầu vào cuối những năm 1990. Nhưng rút cuộc, đây chỉ là một kế hoạch dở dang và đã kết thúc cách đây hơn 20 năm một cách đầy đáng tiếc.

Oberpfaffenhofen - một công ty máy bay ở phía nam Munich - là nhà sản xuất chiếc máy bay dân dụng Dornier Luftfahrt, con đẻ của chiếc Dornier nổi tiếng những năm 1920 và cũng chính là nơi từng chế tạo chiếc thuyền bay Do-X huyền thoại.

Bắt đầu từ năm 1988, nhà sản xuất máy bay Oberpfaffenhofen được điều hành như một công ty con của tập đoàn sản xuất ô tô Daimler Benz, hãng cũng đã tiếp quản Fokker của Hà Lan với mong muốn hợp nhất chúng thành một nhà sản xuất máy bay hàng đầu trong khu vực. Bất kể dự án này sớm thất bại, song viễn cảnh tươi sáng cho ngành sản xuất máy bay thương mại của Đức vẫn đầy hứa hẹn. Đó là khi công ty Fairchild Aviation của Mỹ đồng ý tiếp quản Oberpfaffenhofen vào năm 1996 và đổi tên công ty thành Fairchild Dornier.

Vào thời điểm đó, hầu hết động cơ phản lực Dornier 228 và kẻ kế nhiệm của nó là Dornier 328 được chế tạo tại đây, trong khi công ty Fairchild Dornier cũng nhanh chóng đưa ra phiên bản máy bay 328JET thế hệ thứ hai sau khi tiếp quản.

Khoang hành khách chiếc Fairchild Dornier rõ ràng không hề bắt mắt.

Năm 1998, Fairchild Dornier còn đã tiết lộ một số kế hoạch táo bạo tại triển lãm hàng không ILA ở Berlin. Họ muốn tạo ra một dòng máy bay phản lực cho toàn khu vực. Công ty đã trưng bày một loạt các mẫu máy bay như 428JET, 528JET, 728JET và 928JET.

Bốn năm sau, vào ngày 21/3/2002, Fairchild Dornier có màn ra mắt lớn cho chiếc máy bay 728JET. Khi tấm màn buông xuống, người ta đã nhìn thấy một mô hình máy bay trông hơi mũm mĩm. Mặc dù gây ra tiếng vang nhất định, nhưng đã không có gì thực sự xảy ra sau ngày hôm đó.

"Khi chúng tôi nhấn nút đỏ để lộ chiếc máy bay, tôi biết nó về cơ bản là một chiếc vỏ trống rỗng, nó không thể bay", Nico Buchholz, người khi đó là giám đốc mua sắm tất cả các vụ mua máy bay tại hãng hàng không Lufthansa của Đức, nhớ lại.

Lufthansa rất cần những chiếc máy bay mới thuộc loại 70 chỗ ngồi và đã quyết định đặt mua tới 60 chiếc 728JET. Điều đó đã mang lại cho dự án một sự khích lệ và động lực mạnh mẽ. Nhưng như những gì đã xảy ra, hợp đồng đó không bao giờ được thực hiện.

"Đối với tôi, đây là một sự kiện đáng buồn, vì tôi đã biết điều gì sẽ xảy ra", ông Buchholz nói. Chưa đầy hai tuần sau khi tiết lộ, Fairchild Dornier đã phải đệ đơn xin vỡ nợ, các loại máy bay đang được lên kế hoạch của họ đều chỉ nằm trên giấy hoặc trên mô hình.

Nỗi luyến tiếc và sự thiếu sót của nước Đức

Trước sự sụp đổ, người ta đã đặt nhiều kỳ vọng vào Fairchild Dornier. Vào thời điểm đó, thị trường đang chín muồi và bùng nổ, đã thúc đẩy rất nhiều sự kỳ vọng đối với ngành công nghiệp máy bay của Đức. Thậm chí, công ty Fairchild Dornier đặt mục tiêu doanh số lên đến 500 chiếc 728JET. Họ có một sổ đặt hàng ấn tượng, gồm 60 đơn từ Lufthansa, 50 từ công ty cho thuê GECAS và 164 quyền chọn mua khác. Tổng giá trị các đơn hàng này lên tới 11,7 tỷ USD, một con số vô cùng ấn tượng khi đó.

Thân chiếc Fairchild Dornier 728 nằm ở viện bảo tàng Công nghệ Berlin gợi lên một nỗi luyến tiếc lớn cho ngành sản xuất máy bay của nước Đức.

Ông Buchholz sau này vẫn nhận xét rằng: “Máy bay rất tốt về hiệu suất và khí động học, đặc biệt là các cánh của nó đã đi trước thời đại và vẫn rất tốt cho đến ngày nay. Từ quan điểm của một kỹ sư, chiếc máy bay được thiết kế hoàn hảo. Nhưng mặt khác, từ quan điểm sản xuất, thiết kế của nó thật thảm họa".

728JET có thiết kế khá đơn giản, với vẻ ngoài hơi mũm mĩm của khung máy bay 27 mét và cabin rộng 3,4 mét. Một chiến lược tiếp thị quan trọng đối với công ty là ý tưởng về một “gia đình máy bay”, tức các dòng máy bay gần như chỉ khác nhau về kích cỡ.

Cùng với việc buồng lái được tích hợp các tính năng gần như tương đương, một phi công có thể dễ dàng lái được nhiều loại máy bay của hãng này, từ loại 428JET (44 chỗ), 528JET (55 chỗ), 928JET (95-110 chỗ) cho đến thậm chí cả 1128JET (110-120 chỗ).

Buchholz giải thích: “Fairchild Dornier muốn cung cấp mọi thứ cho mọi người và làm quá nhiều thứ cùng một lúc, dẫn đến việc tiêu hao nguồn lực và sớm phá sản”. Sau khi dự án sụp đổ, các nhà sản xuất máy bay lớn từ khắp nơi trên thế giới đã đến Fairchild Dornier để xem có “vớt vát” được gì không. Nhưng rút cuộc, không ai đưa ra bất kỳ một cam kết cho việc tiếp quản nào.

Để rồi, Oberpfaffenhofen hay Fairchild Dornier đến giờ đã chính thức trở thành dĩ vãng đầy đáng tiếc về một ngành công nghiệp sản xuất máy bay của Đức. "Nếu bạn nhìn vào phần mũi của A220 hoặc Boeing 787, bạn không thể phủ nhận có những điểm tương đồng về mặt hình ảnh với chiếc728JET của chúng tôi khi xưa. Đó là di sản của Fairchild Dornier 728 để lại", Buchholz phát biểu trong nỗi luyến tiếc.

Với người Đức, việc bỏ qua việc sản xuất máy bay không chỉ khiến họ để lại một lỗ hổng lớn trong ngành công nghiệp, mà còn khiến họ tụt hậu trong việc sản xuất máy bay, qua đó không tự chủ được trong cả vấn đề quốc phòng.

Khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, người Đức đã giật mình nhận thấy họ vẫn đang sử dụng những chiếc máy bay chiến đấu cũ kỹ từ hàng chục năm trước, cũng như đang sở hữu một ngành công nghiệp quốc phòng yếu kém. Để rồi, Thủ tướng Olaf Scholz đã đưa ra một quyết định lịch sử khi tăng ngân sách quốc phòng lên tới 100 tỷ euro.

Song do không có ngành công nghiệp sản xuất máy bay, nước Đức cũng chỉ có cách tìm mua những chiếc chiến đấu cơ từ Mỹ, Anh thậm chí cả từ một quốc gia lân cận mà người Đức luôn cho rằng lạc hậu hơn mình là Thổ Nhĩ Kỳ.

Đó rõ ràng là một điều đáng tiếc với một quốc gia có nền công nghiệp và khoa học hàng đầu thế giới, cũng như từng có một đại dự án về ngành sản xuất máy bay chỉ cách đây 30 năm, như nước Đức!

Hải Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nho-ve-chiec-may-bay-cay-nha-la-vuon-cuoi-cung-cua-nuoc-duc-post186656.html