Nhớ thương vị Tết

Với chúng tôi, Tết là mùi thơm của quần áo mới, vị ngọt của bánh mứt và niềm thỏa thuê vui đùa mà không bị người lớn nhắc nhở. Còn Tết của mẹ là những buổi chợ tất tả ngày cuối năm, là chiếc bánh chưng gói vội, là bát cà dầm tương đậm vị chát hay thiêng liêng hơn là mùi của nhang trầm trước bàn thờ gia tiên để tỏ lòng thành kính.

Những ngày cuối tháng Chạp, khi đang nhoài mình với công việc, tôi bất chợt nhận tin nhắn của em trai. Em nhắn tôi thu xếp về quê sớm để cùng đi tảo mộ Tết, để về với mẹ, về với gia đình nhiều thêm mấy ngày. Em trách rằng, mấy năm nay tôi cứ mải miết với công việc và phải đến khi ngày cùng tháng tận mới tấp xe về. Các con chưa về đủ là mẹ lại cứ ngóng trông nơi đầu ngõ. Mẹ buồn. Mấy dòng đơn giản em gửi mà khiến tim tôi se sắt. Tết mà, có lẽ ai cũng muốn ở gần thêm với những người ruột thịt. Bận rộn có thể cả năm nhưng ngày Tết là phải dành cho nhau. Biết vậy nhưng tôi lại không làm được vẹn tròn.

Ảnh Đinh Luyện.

Tôi sinh ra ở một làng chiêm trũng thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Qua những biến thiên của thời gian, giờ làng trở thành ngoại thành của Hà Nội. Làng tôi nghèo, kinh tế chỉ trông vào cây lúa, củ khoai. Người làng làm lụng, chăn nuôi cả năm cũng chỉ đủ mua sắm thênh thang cho mấy ngày Tết. Làng nghèo và nhà tôi cũng nghèo. Đận ấy, bố tôi vào Nam đeo đuổi ước mơ làm nghề dạy học. Ở nhà, mẹ một mình “cắp nách” ba đứa con dại. Bố đi Nam vài tháng thì ông tôi bị tai biến và phải nằm liệt một chỗ. Cảnh nhà chưa yên thì bà nội tôi cũng phát bệnh bị ung thư. Nghèo lại có người bệnh nên nghèo lại thêm nghèo.

Tưởng chừng như mọi thứ không thể gắng gượng thì mẹ tôi một mình quán xuyến tất cả mọi việc. Để lo cơm ăn, áo mặc cho đàn con đang tuổi trứng gà trứng vịt mẹ chẳng nề hà việc gì. Ai thuê gì mẹ cũng làm. Có hôm trời trở gió, tôi vẫn thấy mẹ tất tả rời nhà khi trời chưa kịp sáng để ra đồng tranh thủ làm cỏ cho mấy sào ruộng cằn. Trời sáng rõ mặt người đã thấy mẹ về thổi cơm sáng cho lũ chúng tôi kịp có thứ lót bụng trước khi đi học. Rồi mẹ chăm ông, chăm bà, lo thuốc thang, vườn tược, tranh thủ giã thêm mẻ gạo đem ra chợ chiều.

Trời như nhìn tỏ tấm lòng của mẹ, bệnh tình của ông bà nội tôi dần tốt hơn, mấy anh em tôi cũng dần lớn và đỡ đần được mẹ. Nhiều lúc tôi hỏi mẹ, làm sao để bản thân vượt qua bao ngày chất đầy những khó khăn như vậy. Chẳng đáp lại, mẹ chỉ cười. Nhìn nụ cười của mẹ, tôi chợt nghĩ, có lẽ là trời thương. Cũng có khi số phận thấy đọa đầy mẹ chừng đó là đủ nên buông tha. Hoặc chân thực hơn, mẹ cũng như bao người phụ nữ trên dải đất hình chữ S này, đều ăm ắp sự bao dung, chịu khó và tần tảo.

Tuổi thơ chúng tôi còn gắn liền với những cái Tết đầy háo hức. Mẹ vẫn hay bảo "Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết", thế nên cứ Tết đến là lũ trẻ chúng tôi lại thỏa thuê vui chơi, được làm những gì mình thích và còn được chiều chuộng. Tết trong sâu thẳm ký ức của tôi, đó chẳng phải là những mâm cao cỗ đầy, có khi đơn thuần chỉ là món ăn dân dã nhưng vẫn đong đầy biết bao kỷ niệm. Cho đến giờ, dù được đi nhiều nơi, ghé nhiều chỗ và thử qua không ít đặc sản vùng miền nhưng bản thân tôi vẫn nhớ mãi dư vị mặn chát, thơm dịu của món cà dầm tương.

Cà quê tôi chẳng thiếu. Thời ấy nhà nào cũng trồng. Quả cà có màu trắng ngà, to như cái chén nhỏ. Thứ quả này chẳng bán được cho ai, thế nên nhà trồng ra chỉ cố mà ăn cho hết. Để rụng thì phí, mẹ tiếc của nên nghĩ ra đủ cách chế biến thành món ăn cho gia đình. Cà dầm tương là món mẹ hay làm hơn cả. Phần vì để được lâu, phần khác vì để nếm ngày Tết cho lạ miệng. Mẹ bảo, chọn cà phải là loại quả to, bánh tẻ và không có lỗ sâu đục. Cà hái về, mẹ thường để hai ngày cho se cuống rồi mới bảo tôi và em trai tách núm, mang đi rửa sạch.

Mẹ để cà ráo nước rồi bốc một nắm muối lên núm cà. Cà được muối như vậy tầm hai tuần. Tôi nhìn đã thấy mặn chát, mẹ thì bảo làm vậy cà mới không hỏng. Xong xuôi, cà được dàn đều ra chiếc bàn gỗ rồi đặt tấm phên to lên trên. Tôi và em lại được mẹ giao nhiệm vụ vần chiếc cối đá và mấy vật nặng đặt bốn góc và chính giữa bàn. Trọng lượng nặng ép xuống, tôi chợt hiểu rằng mẹ "đục lỗ" cho cà là để nước được ép hết ra ngoài. Khi cà được nén kiệt nước, mẹ tôi lấy chiếc màn xô lau sạch và thả chìm trong vại tương. Tương được mẹ mua của bà lão tốt bụng tên là Tòm ở kế bên. Mỗi lần mua tương, bà lại cố đong thêm cho chúng tôi chút ít. Bà bảo vì thương mẹ và thương chúng tôi.

Vị tương dùng để ngâm cà khi ấy tôi vẫn nhớ nó có độ mặn hơn những loại tương ở siêu thị bây giờ. Tương sánh, để lâu vẫn thơm mà không bị mốc. Cứ thế, cà được ngâm trong vại tương, được ủ trong sáu, bảy tháng là có thể vớt ra ăn dần được. Dĩ nhiên, cà ngâm càng lâu thì càng đậm vị và quả cũng phình ra, tròn trịa, đẹp mắt hơn.

Khi thưởng thức, cà được thái mỏng, trộn ăn cùng với giấm, đường, tỏi... Độ giòn của cà, vị mặn mòi của muối, vị ngọt hậu của tương hòa quyện vào nhau. Cả nhà khi ấy xong bữa có khi chỉ hết hai quả cà vì vị lên men mặn chát. Mẹ thì bảo ngon, còn tôi và em thì chỉ gẩy đũa, chúng tôi nhắm mắt nhắm mũi, cố sao để ăn cho hết bát cơm. Những khi ấy mẹ tôi chỉ cười, bảo đây là đặc sản. Đặc sản có thơ hẳn hoi: "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương".

Giờ, tuổi thơ đã đi qua, tuổi chạm ngõ trung niên tôi vẫn luôn nhớ về món ăn đặc sản của mẹ. Tôi nghiệm ra rằng, cuộc sống bây giờ dù có đủ đầy và tiện nghi nhưng niềm hạnh phúc lại không bắt nguồn từ những thứ vật chất hào nhoáng đó. Yêu thương đôi khi được khởi nguồn từ những điều giản dị.

Bỏ lại sau lưng phố xá ồn ã ngày cuối năm, tôi ngược về bên mẹ. Thấy tôi, mẹ chẳng nói và chỉ cười hiền. Nhưng tôi biết mẹ vui. Tết năm nay, bên chái bếp treo lỉnh kỉnh nồi niêu, xoong chảo của mẹ tôi chợt thấy một chum cà dầm tương đặt gọn trong một góc. Khóe mắt chợt cay cay, nếm vị cà tôi như thấy quện ở đó là vị của quê hương, tình thân và cả những tháng ngày gian khó. Vượt qua tất thảy những vật chất, hư vinh, có lẽ Tết được sum vầy và đầm ấm bên gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng, đáng trân trọng.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nho-thuong-vi-tet-165307.html