Nhớ sông!

Những ngày này, cả nước hướng về đồng bào Bắc bộ, Bắc Trung Bộ bị thiệt hại nặng nề do thiên tai lũ lụt, tôi bỗng đau đáu nhớ những dòng sông đã từng đi qua! Trên những triền sông đang trong cơn khát khao mong được trả lại sự bình yên, tôi tình cờ gặp những con người yêu sông như yêu chính cuộc đời mình đang hồi nhớ 'con sông quê hương'.

Những ngày này, cả nước hướng về đồng bào Bắc bộ, Bắc Trung Bộ bị thiệt hại nặng nề do thiên tai lũ lụt, tôi bỗng đau đáu nhớ những dòng sông đã từng đi qua! Trên những triền sông đang trong cơn khát khao mong được trả lại sự bình yên, tôi tình cờ gặp những con người yêu sông như yêu chính cuộc đời mình đang hồi nhớ "con sông quê hương". Nỗi nhớ ấy sao mà thương đến lạ!

Mưu sinh trên sông Trà Khúc. 

Có những nỗi nhớ lạ lắm, không thể cắt nghĩa được! Ngay như khi đang ngồi trên sông mà lại quay quắt nhớ sông... Hôm đó, đang đứng trên kè đá dọc triền sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đoạn vắt qua thôn Tân Long (xã Tịnh Long, trước thuộc H.Sơn Tịnh, nay thuộc TP Quảng Ngãi) chờ đò chở ra giữa sông hỏi chuyện những người đi cào don, thì thuyền ông cập bến. Thấy ông lọm khọm ôm mấy bó cỏ voi chuẩn bị bước lên bờ, tôi chạy lại đỡ giúp. "Già rồi, đi đâu giữa trưa, cực vậy ông?"-tôi ái ngại hỏi. Lau vội mồ hôi chảy ròng trên má, ông nheo mắt nhìn tôi cười: "Cực nhọc chi đâu con. Qua sông cắt cỏ về cho bò ăn. Còn sức khỏe, còn làm được thì làm. Chứ ở nhà buồn tay, buồn chân lắm!". Ông tên Tâm (70 tuổi), người thôn Tân Long. "Bên đó trồng gì ông, sao con thấy toàn cỏ?"- chỉ tay về doi đất giữa sông Trà Khúc, tôi hỏi. Ông chợt thở dài hồi tưởng: "Hồi xưa, đó là bãi đất bồi giữa sông Trà Khúc, người dân quê ông trồng hoa màu trên đó. Nhà cha ông hồi đó có 4 mẫu, trồng đủ thứ hoa màu...và cấy cỏ cho bò ăn! Hồi xưa đất bãi nhẹ nên chỉ cần thuê thêm người làm là đủ ăn. Hàng đêm cắt người ra trông coi. Mùa này trước đây, bên bãi trồng đầy bắp xanh mướt nhìn đẹp lắm! Bây giờ, sông Trà Khúc thay đổi nhiều quá, đất bãi bên kia không còn phù sa như trước nữa. Người ta bỏ hoang nên giờ nhìn ra vậy đó!". Cũng theo ông cụ, trước đây, hai phần bà con nơi ông ở đều sống nhờ vào đất phù sa ở bên gò bãi này. Thời gian cùng với sự khai thác cạn kiệt dòng sông của con người, gò bãi trôi hết, chỉ còn một ít nhưng đã bạc màu dẫn đến  năng suất canh tác thấp nên bà con bỏ không trồng trọt nhiều trên bãi bồi ấy nữa. Người dân quê ông giờ chỉ còn biết trông chờ vào mấy sào ruộng ở đồng cạn và đi làm thêm. Nhà ông chỉ có một sào ruộng mà thôi...

Ông Tâm kể tiếp: "Hồi xưa, cá tôm trên sông Trà Khúc này nhiều lắm. Hai bên triền sông toàn tre nên ra sông ngồi mát lắm. Nước trong xanh, đứng trên bờ nhìn xuống thấy cá bơi lội tung tăng. Giờ hai bên sông đều kè bê tông, đường sá đẹp thật, nhưng triền sông bị mất, tre ít hơn nên sông không đẹp, không mát như xưa. Rồi người ta châm điện khai thác nguồn lợi từ sông, cá, tôm "điếng" (núp, chết- từ địa phương) hết còn đâu!". Họa lời ông cụ, ông Lê Văn Chín (58 tuổi), có thâm niên cào don gần 40 năm, nuôi 4 người con nên người chia sẻ: "Nước Trà Khúc hồi kia trong veo à, mỗi lần làm trong gò khát chạy ra sông múc nước uống vô tư. Giờ chẳng ai dám uống vì bẩn, ô nhiễm quá...Dòng chảy bây giờ cũng khác xưa nên sông đục hơn. Don ngày xưa ngon, bây giờ...dở thua nhiều. Ngày xưa sông Trà Khúc đẹp có tiếng, tre bao quanh, cá tôm nhiều vô kể. Giờ nước ô nhiễm, nguồn thủy sản trên sông cũng cạn kiệt dần"...

Cũng là nỗi nhớ sông, nhưng nỗi nhớ đàn ông khác nỗi nhớ phụ nữ. Khi tôi cùng cô bạn thân về thôn Đông Yên (xã Bình Dương, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), quê hương nhà thơ Tế Hanh nổi tiếng với bài "Nhớ con sông quê hương", gặp cụ bà tên Bớt (81 tuổi) đang ngồi ngắm sông khi cơn mưa chuyển mùa ập về. Nỗi nhớ con sông quê hương thời thơ ấu với con sông quê thì hiện tại của bà cụ 81 tuổi nghe sao thương lạ! Từ thơ trẻ đến lúc thiếu nữ rồi thành vợ, thành mẹ, thành bà, bà cụ gắn bó mật thiết trên dòng sông Trà Bồng này. Bà bảo, xưa, nơi bà ngồi ngắm sông là bến đò sầm uất người buôn kẻ bán. "Con sông này ngày xưa đẹp lắm! Nước trong vắt, có bãi, có bờ. Từ bãi lội ra giữa sông là một quãng xa, nông sâu hẳn hoi à con. Giờ chẳng hiểu sao mà chỗ nào cũng sâu. Ngày xưa lội bộ ra tắm không sao, giờ thì không biết chỗ nào nông sâu nên đâu dám ra sông tắm..."- bà thở dài tiếc nuối. Nỗi nhớ sông của bà lây sang người phụ nữ tên Bông sống bằng nghề buôn hải sản ở Bình Dương: "Ngày xưa, sông Trà Bồng có bờ bãi cát đẹp lắm. Cá ở đây nhiều khủng khiếp. Ghe thuyền chiều chiều về đây tập kết đông như kẻ chợ. Theo thời gian cùng nhu cầu mưu sinh, con người lấn sông để làm nhà nên sông giờ hẹp hơn". Nhiều người già sống lâu năm ở Bình Dương này cho biết, con đường mà tôi đang đi trước cũng là bãi bờ. Họ còn bảo, ngày xưa, Bình Dương chỉ có 2 thôn Đông Yên và Mỹ Huệ thôi. Giờ cư dân đông đúc nên chia thành 6 thôn...

Làm giá sạch bên sông ở làng Đại Bình (Nông Sơn, Quảng Nam).

Miên man cùng nỗi nhớ "con sông quê hương" trong tâm thức của những người già, bất chợt nhớ đến câu thơ: "Em về ở lại đây thôi/ nghe mùa nước lũ bùn trôi phăng đồng" để rồi thấy thương sao lời than vãn hiền lành của những người sống mật thiết trên dọc triền sông Thu Bồn mà tôi đã đi qua. Họ nói với tôi rằng, thiên tai ngày xưa không như bây giờ. Lũ lớn về thiệt hại thật đấy nhưng vẫn không lấy đi tất cả của người nông dân. Lũ đi qua quét sạch sâu bọ, để lại những lớp phù sa màu mỡ cho mùa màng năm sau được bội thu. Bây giờ, nạn khai thác các khoáng sản cùng các hóa chất độc hại khiến dòng sông cạn kiệt. Mỗi khi lũ phăng qua, chẳng còn thấy phù sa đâu như trước nữa...

Và từ những phận người tôi đã gặp trên dọc triền sông Thu Bồn, như vợ chồng người đàn ông ở thôn Đại Bình (Nông Sơn, Quảng Nam) hơn 40 năm nay, ngày nào cũng thức khuya dậy sớm vác cuốc ra ven sông cuốc đất, ủ hạt đậu làm giá sạch mang sang chợ huyện bán, nuôi 5 đứa con vào đại học..., giúp tôi nhận ra một điều: Như quy luật của sự sinh tồn, những con người yêu sông như yêu chính cuộc sống của họ đã, đang cùng những dòng sông học cách tự thích nghi trước sự tàn phá của con người, để đổi dòng băng băng ra biển lớn...

P.T

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_174006_nho-song-.aspx