Nhớ phong vị Tết Cố đô

Ngày nay, nhiều nơi chuyện ăn Tết và chơi Tết có lẽ không còn quá đỗi háo hức như xưa. Thế nhưng ở Huế, nơi mà nền nếp gia phong và mọi lễ nghi truyền thống vẫn được gìn giữ một cách nghiêm cẩn, thì phong vị Tết ở Cố đô dường như vẫn giữ được vẹn nguyên như trước.

Cũng giống như các địa phương khác, từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, không khí đón Tết Nguyên đán ở Huế cũng đã bắt đầu chộn rộn. Các chợ hoa Tết trước Phu Văn Lâu, Thương Bạc, Nhà văn hóa Trung tâm bắt đầu rực rỡ sắc mai vàng, thược dược, cúc đại đóa… Những năm gần đây lại có thêm cả sắc đào hồng phương Bắc, nên không khí Tết cũng hồng nhuận hơn.

Các khu chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc, chợ Xép… bông chuối, vàng mã và hàng Tết không thiếu thứ gì, kẻ bán người mua tấp nập vui không kể xiết. Mấy lò bánh chưng ở đường Nhật Lệ cũng đỏ lửa suốt ngày đêm. Nhưng vui nhất có lẽ là lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Không giống như ngoài Bắc người ta thường mua cá chép đỏ để cúng phóng sinh, dân Huế lại bày cỗ cúng rất chu đáo. Nhà nào cũng biện ba mâm cỗ cúng, lớn nhỏ tùy vào gia cảnh, một mâm trong ban thờ để dâng gia tiên, một mâm ở bếp để cúng ông Táo và một mâm bày ngoài trời để cúng cho những vong hồn không nơi hương khói thờ phụng. Vì vậy, vào ngày ấy khắp các nẻo đường ở Huế đâu đâu cũng ngát thơm mùi nhang trầm và đỏ rực ánh lửa hóa vàng ở trước cổng của mỗi ngôi nhà.

Chơi Bài vụ, trò chơi cung đình ngày xuân. Ảnh: Thanh Hòa

Càng gần đến ngày Tết, người Huế đi chợ sắm Tết càng đông. Mạ (mẹ) tôi năm nào cũng vậy, cứ tầm 25 tới 27 tháng Chạp dù có bận gì cũng lo thu vén đi mua mấy nải chuối, vài cân gừng tươi, chục ký nếp thơm, dăm mớ kiệu, đôi ký thịt heo, thịt bò và cả một con gà.

Ngày nay bánh mứt, hoa quả luôn sẵn có nhưng mạ tôi và hầu hết các bà các chị ở Huế vẫn chọn cách tự làm. Ngày 28 hoặc 29 Tết, ba tôi lo nồi bánh chưng bánh tét, mạ tôi ngào mứt, cô em út của tôi thì lo cắm bông lên mấy bàn thờ, còn tôi phận trưởng được giao dọn dẹp các bàn thờ trong ngoài phải tươm tất. Buổi tối, bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng, mạ tôi cẩn thận bắc cái lò than để ngào mứt. Có năm trời mưa lạnh, mấy anh em tôi ngồi co ro bên bếp lửa ngó mạ ngào mứt mà nhớ mãi cái mùi củi cháy thơm nồng, mùi mứt gừng thơm ngào ngạt và cả cái mùi áo len ngai ngái, thơm thơm mùi dầu tràm của mạ quện lấy nhau ấm áp, gần gụi đến khó quên.

Cái sự cúng kiếng ba ngày Tết của người Huế cũng thực sự cầu kì và nghiêm cẩn. Không nói đâu xa, ngay như nhà tôi, tuy đã giản lược đi nhiều nhưng trong ba ngày Tết, từ mùng Một đến mùng Ba, ngày nào cũng ba bữa cúng. Lễ không cần nhiều, có gì cúng nấy, sáng cúng, trưa cúng, chiều cúng. Mỗi lần cúng ba tôi lại cẩn thận khăn đóng áo dài, rửa tay, súc miệng, kính cẩn dâng hương, rót rượu, rót trà. Mỗi lúc như thế ông thường bắt anh em chúng tôi đứng cạnh để nghe ông hướng dẫn, giảng giải, nhiều lần rồi cũng biết thêm đôi chút về tục xưa.

Tết ở dân gian đã đành là vậy, Huế còn có cả lệ Tết trong cung đình. Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng tổ chức nhiều nghi lễ Tết hoàng cung, phần để phục vụ du khách, phần phục vụ cho công tác phục dựng bảo tồn các nghi lễ xưa trong cung cấm vốn đã bị mai một từ lâu. Cái nghi lễ được phục dựng, tổ chức rất công phu và bài bản trong Đại Nội nên thu hút rất đông người đến xem.

Trong số các lễ ấy có lễ Thướng tiêu trong cung. Ngay từ tờ mờ sáng khi sương còn giăng kín mặt thành, ngoài cửa Hiển Nhơn mọi người đã tề tựu đông đủ. Phía trước là đội nhạc lễ trống chiêng tề chỉnh, tiếp theo sau có mấy viên quan mình mặc áo thụng xanh đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn. Sau cùng là hàng lính cấm vệ quân mặc áo chẽn vàng đỏ, đầu đội nón dấu, chân quấn xà cạp cùng nhau vác một cây tre to dài áng chừng hơn cả chục thước, đầu ngọn tre còn để nguyên túm lá có buộc cái lồng đèn bánh ú và lá cờ nhỏ hình tam giác.

Áng chừng đến giờ tốt, chiêng trống nổi lên, đoàn rước cây nêu tiến vô Đại Nội, khí thế rất trang nghiêm, hùng dũng. Đoàn đi mãi một lúc lâu thì vô tới Thế Miếu, nơi thờ các vị vua nhà Nguyễn. Nơi bãi cỏ trước sân Thế Miếu một hương án đã bày sẵn, khói hương nghi ngút. Bên hương án, các vị chức sắc mình vận áo lễ kính cẩn dân hương. Lễ xong thì đến giờ thướng tiêu. Cả chục người hò reo, kẻ đẩy người kéo một lúc sau thì dựng được cây nêu đứng thẳng giữa sân. Khi ngọn nêu cất cao tung bay trong gió ai nấy đều tỏ ra hân hoan phấn khởi. Vậy là Tết đã chính thức về nơi cung cấm.

Nghi lễ mùa xuân độc đáo khác còn có lễ đổi gác và tuần hành bảo vệ cấm cung. Ngay trước cửa Ngọ Môn, đội cấm vệ quân hàng ngũ chỉnh tề, gươm giáo tuốt trần, khí thế hùng dũng. Đi cùng với đó bao giờ cũng có đội nhạc lễ lo việc cử hành những bản nhạc lễ náo nhiệt. Đến giờ đổi gác, viên quản đội mình khoác cẩm bào, tay cầm kiếm tuốt trần chỉ thẳng lên trời cao hô to một tiếng: “Nhập nội”. Sau tiếng hô, đoàn lính rầm rập tiến vào thành qua lối cổng hông, vì cổng giữa chỉ dành cho vua. Nhìn đoàn cấm vệ quân hùng dũng tiến qua cổng thành cờ xí ngợp trời, chiêng trống lừng vang, ai nấy đứng xem đều tỏ vẻ thích thú xen lẫn kinh ngạc, nhất là mấy vị khách người ngoại quốc.

Cửa Hiển Nhơn trước giờ hành lễ Thướng tiêu. Ảnh: Thanh Hòa

Đoàn lính cứ thế diễu đi quanh điện Thái Hòa, vừa để cho khách tham quan, vừa ý chừng như đang diễn lại cái cảnh lính cấm vệ quân đang tuần hành bảo vệ thiên tử vui xuân như cách đây mấy trăm năm về trước.

Theo sử sách và người xưa kể lại thì nghi lễ ngày xuân trong cung cấm triều Nguyễn còn rất nhiều chuyện lạ. TS. Phan Thanh Hải - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết thời Nguyễn các hoạt động lễ tiết trước và sau Tết Nguyên đán luôn được tổ chức rất trang trọng và chu đáo. Các nghi lễ thường có những đặc trưng riêng, được nâng lên thành điển lệ, nên thường nặng về phần lễ mà nhẹ về phần hội. Đây là điều khác với nghi lễ mùa xuân ở ngoài dân gian, thường chú trọng phần hội hơn phần lễ vì cốt để cho dân chúng có dịp được thỏa thích vui chơi sau một năm làm ăn vất vả.

Ngoài các nghi lễ, yến tiệc ngày xuân trong cung vua cũng rất xa hoa, cầu kỳ. Nguyên vật liệu ẩm thực trong hoàng cung được cung cấp từ 3 nguồn chính, đó là mua từ chợ ở kinh đô hay các vùng lân cận, do các địa phương cống nạp và mua từ nước ngoài.

Ngày xuân nói đến phong vị Tết truyền thống của người Huế và nhắc lại đôi chút chuyện Tết hoàng cung triều Nguyễn vừa để gợi lại cái không khí Tết truyền thống của Cố đô nay vẫn còn giữ được, vừa để tỏ cái đạo chăn dân của các bậc vua chúa xưa. Nhắc chuyện xưa, ngẫm chuyện nay, ai cũng muốn người làm quan thời nào cũng phải biết “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Ấy mới là phúc ấm của muôn dân.

Bài, ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nho-phong-vi-tet-co-do-post282386.html