Nhớ những ngày đầu dạy học ở Cao Bằng

Tôi đã trải qua những ngày đầu tiên dạy học đầy chật vật. Khó khăn lớn nhất là rào cản ngôn ngữ, và những người đi trước tôi đều đã là những tượng đài nên anh giáo non kinh nghiệm không khỏi bỡ ngỡ.

Nhớ những ngày đầu dạy học ở Cao Bằng

NGƯT ĐẶNG ĐÌNH ĐẠI

Thứ Năm, 12-11-2020, 14:16

+ | Print

Tôi đã trải qua những ngày đầu tiên dạy học đầy chật vật. Khó khăn lớn nhất là rào cản ngôn ngữ, và những người đi trước tôi đều đã là những tượng đài nên anh giáo non kinh nghiệm không khỏi bỡ ngỡ.

Kỳ 2: Học từ học trò

(Tiếp theo và hết)

Bài học ngôn ngữ

Anh giáo lên Trường Nà Giàng khi vừa tròn 20 tuổi, hơn học trò chỉ một vài tuổi. Riêng lớp 10 lớn nhất trường có học sinh hơn tuổi thầy. Ở Hà Quảng khi đó, tảo hôn là chuyện bình thường nên một số học sinh đã có vợ, có chồng, vài học sinh nam đã được làm bố. Thế nên để hướng dẫn học sinh cũng là cả một câu chuyện.

Hai thầy dạy Văn ở Nà Giàng trước tôi lại là các thầy dạy giỏi được học trò tín nhiệm, tin yêu đồng thời cũng là hai nhà thơ có tên tuổi: Nguyễn Thái Vận và Vũ Đình Minh. Để tiếp nối hai bậc đàn anh ấy quả không dễ dàng đối với anh giáo vừa mới ra trường. Thêm nữa, người dân và cả học sinh vẫn thường sử dụng tiếng Tày trong giao tiếp, tôi lại mù tịt biết làm sao đây? Vừa tới được vài ngày, tôi được dạy câu “Rườn pả mì lục sao khai bấu?”, theo lời đồng nghiệp là câu hỏi mượn cuốc, suýt chút nữa mang đi thực hành ở nhà bà cụ gần trường. Mãi nhờ học trò tôi mới biết câu tiếng Tày đó là: “Nhà bá có con gái gả chồng không?”. Hầu như chàng nào mới ở miền xuôi lên cũng bị trêu đùa như thế, coi như là một thử thách ngôn ngữ phải vượt qua.

Vậy là tôi bắt đầu tìm hiểu tiếng Tày. Học trò Nà Giàng lớn tuổi nhưng rất tôn trọng thầy, nhiệt tình giúp thầy học. Khi chuẩn bị dạy phần tục ngữ, ca dao, dân ca cho lớp 8, các em lớp 10 đã dạy tôi những câu tục ngữ, thành ngữ tiếng Tày như: Bươn slam lồng chả, bươn hả đăm nà (tháng 3 gieo mạ, tháng 5 đi cấy), Ún bấu quá pỏ vầy, đây bấu quá pỏ mẻ (không gì ấm hơn đống lửa, không gì tốt hơn cha mẹ), Slíp tua mạ gầm tàng bấu tâng lục sao Pỏ Ngàn pây háng (10 con ngựa đi đường không bằng một cô gái Đào Ngạn đi chợ)... Nhờ sự giúp đỡ này mà bài giảng trở nên sinh động, học trò lớp 8 rất thích. Đến lúc dạy “Người mẹ cầm súng” cho lớp 8, học trò lớp 9, 10 lại hướng dẫn tôi đọc tác phẩm đã được dịch sang tiếng Tày “Mẻ gần căm sủng” để dạy hay hơn. Trường gần suối Nà Giằm, các thầy đêm nào cũng đi quăng chài đánh cá. Học trò lại giúp thầy tên các loại cá ở suối bằng tiếng Tày: pja nuầy, pja lẳn, pja liềng, pja thân, pja bả, pja tú, pja mận, pja tất... Cứ như vậy tiếng Tày của anh giáo cũng dần khá lên, rào cản ngôn ngữ không còn khiến tôi e ngại nữa.

Học trò cấp 3 khoảng 100 em, nhiều em ở các xã xa trường vì vậy phải sống trong ký túc xá. Học sinh gần trường chủ yếu học cấp 2 chỉ có một số học cấp 3. Gọi là gần trường nhưng cũng cách trường vài km, hầu hết đi bộ đến trường, vài em gia đình có điều kiện mới có xe đạp để đi học hằng ngày. Trường có em Pằng, người dân tộc Dao đỏ hôm đầu nhập học đã khiến tôi chú ý vì cưỡi ngựa đi học. Nhà Pằng trước kia trên núi cao, giờ đã chuyển xuống định cư ở chân núi, đi học xa, Pằng bảo cưỡi ngựa cho tiện.

Có một năm cô giáo dạy Sinh nghỉ thai sản, thiếu giáo viên, nhà trường phân công anh giáo chỉ biết dạy Văn sang Sinh vật cùng Kỹ thuật nông nghiệp lớp 5 (như lớp 6 hiện nay) trong hai tháng thay cho cô giáo nghỉ sinh. Nhờ các học sinh cấp 3, lần đầu tôi phân biệt được mạ và cỏ. Các em còn cho tôi biết tên tiếng Tày của các loại cây có trong chương trình Sinh vật và KTNN lớp 5 vì học sinh lớp 5 tiếng Kinh chưa sõi. Nhờ thế, các bài giảng của tôi gần với học trò hơn, mà tình cảm thầy trò cũng khăng khít hơn.

Những mùa cốm ấm áp

Dạy học ở miền núi có một “đặc sản” là đến gặp phụ huynh trong bản. Quy định của trường là giáo viên mỗi tháng ít nhất đến nhà bốn học sinh để gặp phụ huynh, tìm hiểu việc học của học trò ở nhà và phải đi cùng một, hai giáo viên khác. Nhưng các bản ở đây xa nhau, đi lại khó khăn, nên thường chúng tôi chọn ngày cuối tuần đi một lần cả lượt chứ không quay đi quay về sẽ bất hợp lý. Thoạt đầu chúng tôi đi các bản gần trường, rồi dần dần đi quen đến các bản xa hơn.

Tôi nhớ nhất là những lần đi Pỏ Ngàn. Mỗi mùa cốm, học trò Pỏ Ngàn thường mời các thầy về bản làm cốm. Để tới nhà học trò Pỏ Ngàn, chiều thứ bảy các anh giáo đi bộ qua suối Nà Giằm leo đèo Khau Cút vượt sang bên kia núi. Pỏ Ngàn là một thung lũng trù phú nằm giữa những dãy núi đá và có cánh đồng rộng, màu mỡ vì vậy gạo nếp ở đây thơm ngon. Gia đình các học trò đều rất vui, niềm nở tiếp đón thầy giáo. Theo phong tục Tày, ngày làm cốm thường mời bạn thân hoặc khách quý cùng nhau làm cốm đến khuya. Anh giáo trẻ khi ở Hà Nội vẫn thường được ăn cốm nhưng lên đây mới được tận mắt chứng kiến các công đoạn để chế biến từ lúa nếp non thành món cốm thơm ngon. Từ cắt lúa nếp, tuốt lúa, rửa thóc nếp cho đến khâu luộc rồi rang thóc trong chảo gang to trên bếp lửa rực hồng đều đòi hỏi kỹ thuật và sự cảm nhận tinh tế của người làm, nếu không cốm sẽ không ngon. Mặc dù gia đình phụ huynh cũng nhiệt tình hướng dẫn tôi cách làm cốm, nhưng vốn đã vụng về, tôi chỉ thỉnh thoảng được động tay vào cái công đoạn đơn giản. Các em học sinh thì làm rất thành thạo vì đã được trải nghiệm nhiều năm, vừa làm các em vừa giải thích cho các thầy vì sao phải làm như vậy. Khâu cuối cùng là khâu giã cốm, tưởng dễ nhưng khi trực tiếp làm mới thấy giã cốm cũng không hề dễ vì phải đều chân, phối hợp nhịp nhàng với người đảo cốm để không bị chày cối nện vào tay. Cốm già được để riêng làm bánh cooc mò, cốm non được gói vào lá chuối đã hơ nóng. Hương vị cốm Cao Bằng khác hương vị cốm Vòng Hà Nội nhưng vẫn rất thơm ngon.

Vào mùa cưới, các thầy liên tục nhận được lời mời dự đám cưới của chính học trò mình. Thiếp mời là một vuông giấy điều có ghi mấy câu thơ bằng tiếng Tày và lời mời bằng tiếng Việt. Lúc đầu anh giáo trẻ rất ngạc nhiên vì nhiều khi cô dâu học hơn chú rể mấy lớp hoặc đám cưới chỉ có mặt cô dâu còn chú rể đang ở rất xa. Sau mới biết, nhà trai muốn có cô dâu đảm đang được việc gia đình nên hay chọn nàng dâu cứng tuổi hơn chú rể. Chú rể đi bộ đội không về được nhưng đám cưới vẫn được hai gia đình tổ chức. Mừng là cô dâu, chú rể học trò sau đám cưới vẫn tung tăng đến trường học mà không bỏ học. Những ngày lễ, Tết của dân tộc Tày, nhất là “đắp nọi” (ngày 30 tháng Giêng), “Kin chất” (rằm tháng 7), các anh giáo cũng thường được gia đình học sinh mời dự. Đó cũng chính là dịp để các anh giáo miền xuôi hiểu thêm nét văn hóa rất riêng của người Tày Cao Bằng. Sau này, những vốn sống đó đã giúp tôi rất nhiều khi trở về xuôi.

Học trò Cao Bằng quý các thầy, thương các thầy sống xa gia đình nên những dịp lễ, Tết các em thường mang các loại bánh tự làm đến trường cho các thầy. Tết Nguyên đán có khẩu si (bánh khảo), thúc théc (bánh bỏng nếp); tháng 2 là pẻng rày (bánh trứng kiến) tháng 3 thanh minh có khẩu nua đăm đeng (xôi nhiều màu); đoan ngọ tháng 5 là pẻng đắng (bánh gio); rằm tháng 7 không thể thiếu pẻng tải (bánh gai); mùa cưới hỏi tháng 9, 10, 11 bao giờ cũng có pẻng dẩy, pẻng xếp... Ngày 20-11 hồi đó bao giờ học trò Nà Giàng cũng kiếm hoa trong vườn nhà và trên đường đi học, mang đến phòng tặng thầy. Cả tuần quanh lễ 20-11, lọ thủy tinh trong phòng thầy giáo luôn có hoa tươi cành ngắn học sinh hái vội đem tặng.

Từ cuối mùa thu, ban đêm ở đây đã lạnh và đến mùa đông thì buốt giá. Học trò lựa rơm nếp bện thành những chiếc nệm thơm mùi rơm nếp mang đến để các thầy trải lên giường nằm cho đỡ lạnh. Mỗi lần vào rừng kiếm củi, các học sinh nam ở KTX lại giúp thầy tìm củi khô rồi dùng dây rừng bó lại để thầy vác về. Những tình cảm đơn giản mộc mạc ấy khiến những ngày xa nhà của tôi không còn hoang mang nữa.

Tôi ở Cao Bằng lâu hơn dự kiến, đến lúc cưới vợ chồng mãi Cao Bằng vợ dưới Hà Nội. Tới cuối năm 1977 tôi mới về miền xuôi. Bảy năm ở Cao Bằng đã trở thành những kỷ niệm không quên trong cuộc đời làm thầy giáo của tôi. Tình cảm đất và người nơi ấy, ngay cả bây giờ mỗi lần tôi quay lại thăm Cao Bằng vẫn thấy vô cùng ấm áp. Thế nên nhớ lại, thấy những vất vả khó khăn đều không đáng kể, ký ức chỉ còn là chuyện vui vẻ, nhờ đó mà mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm và trưởng thành nhiều hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi-phongsu/nho-nhung-ngay-dau-day-hoc-o-cao-bang-624211/