Nhớ người Thượng tướng lừng danh Nguyễn Nam Khánh

Mặc dù đã 10 năm ngày Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi xa nhưng thế hệ những người dân Việt Nam vẫn khắc ghi những cống hiến của Thượng tướng cho cách mạng và Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (thứ 4, từ phải sang) thăm mộ các liệt sỹ trong chuyến công tác tại Trường Sa năm 1995.

Ký ức không quên

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, bị những tên địa chủ, thực dân chiếm đoạt hết ruộng đất, cậu bé Nam Khánh sớm phải rời quê lên thị xã Quy Nhơn rửa bát thuê cho một tiệm ăn để kiếm tiền đi học. Tết đến, không có tiền về nhà, Khánh chỉ đủ tiền mua mấy chiếc quai guốc làm bằng da trâu mang về chỗ ở trọ, luộc nhừ, ăn trong mấy ngày Tết.

Học hết bậc thành chung, Nam Khánh đành bỏ học đi làm công nhân cho hãng dệt Đờ-li-nhông của Pháp. Sớm chịu cảnh “một cổ hai tròng”, bị chà đạp, áp bức, bóc lột, cuộc sống lầm than, khổ cực, chàng thanh niên đất võ tìm đến với cách mạng bằng tất cả sự thôi thúc, mong đợi như nắng hạn mong mưa rào. 19 tuổi, Nam Khánh được tổ chức Việt Minh giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội tự vệ cứu quốc trong công nhân hãng dệt Đờ-li-nhông. Với trái tim sục sôi cứu nước, ông chỉ huy các chiến sĩ đội tự vệ cùng hàng vạn đồng bào nhất tề nổi dậy giành chính quyền.

Trong cuốn “Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh-Hồi ức”, do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2014, ông dành nhiều trang viết về những ngày vùng lên phá tan xiềng xích nô lệ vào mùa Thu lịch sử năm 1945. Ông kể: “Cuối tháng 3/1945, hai cán bộ Việt Minh là Lê Văn Nhiễu và Nguyễn Chơn vừa thoát khỏi nhà lao Buôn Ma Thuột được phân công ở lại Bình Khê hoạt động. Chính cuộc đời thật đẹp của các anh cùng những lời giảng giải đã thuyết phục, giác ngộ tôi trở thành hội viên của tiểu tổ Việt Minh đầu tiên ở hãng dệt Đờ-li-nhông”.

Được bổ sung vào đội tuyên truyền xung phong lưu động trên địa bàn các huyện: Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước và thị xã Quy Nhơn, ông cùng các đồng chí: Trần Đình Chi, Bùi Tấn Ba tổ chức những cuộc mít-tinh, diễn thuyết công khai, phát tán truyền đơn... cổ động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng. Đầu tháng tám, để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa, ông trở về đội tự vệ cứu quốc hãng dệt Đờ-li-nhông. Quân số đội lên tới hơn 100 người, xưởng cơ khí của nhà máy là nơi sản xuất vũ khí, rèn kiếm, giáo mác, dao găm, mã tấu, trang bị cho các đội viên tập luyện, chờ ngày hành động.

Tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh đến Bình Khê vào chiều 14/8 rồi lan nhanh khắp thị trấn Phú Phong và các xã lân cận. Bộ máy chính quyền tay sai bắt đầu hoang mang dao động. Phía ta, khí thế cách mạng của quần chúng sôi sục hơn, đâu đâu cũng hỏi đã có lệnh khởi nghĩa chưa. Thời cơ thuận lợi đã đến. Đồng chí Võ Xán vượt ngục tù trở lại Bình Khê trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa.

Ngày 21/8, đội tự vệ cứu quốc của hãng dệt Đờ-li-nhông đang thực hiện công việc chuẩn bị khởi nghĩa tại Bình Khê thì được lệnh chuẩn bị gấp về tham gia khởi nghĩa tại thị xã Quy Nhơn. Hai ngày sau, cả thị xã Quy Nhơn bừng lên như một ngày hội, đường phố tấp nập đông vui. Ai nấy đều rạng rỡ và nghiêm trang như chờ đón một điều gì thiêng liêng sắp đến. Hơn mười nghìn người dân nội thị và các vùng phụ cận đổ về nhà ga theo lệnh của Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh.

Ngay sau lời kêu gọi của Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa, khối người dự mít tinh xếp thành đội ngũ theo các đoàn thể: thanh niên, phụ nữ, lão thành, đi đầu là các lực lượng tự vệ cứu quốc, biến thành cuộc tuần hành thị uy, lần lượt diễu qua các cơ sở chính quyền địch trong thị xã. Được coi là lực lượng quân sự, nhưng mỗi đội tự vệ khoảng 50-60 người chỉ có 5 đến 7 khẩu súng trường, mỗi khẩu 10 viên đạn, còn lại là gậy gộc, giáo mác. Tinh thần yêu nước, ý thức tổ chức kỷ luật và tình đoàn kết thương yêu nhau thì ai cũng tràn đầy, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì. Cuộc đánh chiếm dinh tỉnh trưởng, tòa đốc lý, sở mật thám, đồn cảnh sát được thực hiện đầu tiên. Thừa thắng trận đầu, Ban khởi nghĩa tỉnh đã tiếp xúc với quân Nhật đang đóng tại thị xã Quy Nhơn, khôn khéo thuyết phục chúng đồng ý giao cho ta 1.000 khẩu súng và nhiều loại đạn dược, trong đó có khẩu pháo chúng đã tước của quân Pháp trong cuộc đảo chính ngày 9/3, góp phần đáng kể tăng tiềm lực quân sự của Bình Định.

Ngày 25/8, quần chúng cách mạng kéo đến bao vây thành Bình Định, bắt tri phủ An Nhơn giao nộp ấn tín cho cách mạng, xóa bỏ chính quyền tay sai Nhật. Ở Tuy Phước, sau khi tri phủ Trần Ngọc Liễn bị bắt giữ, quần chúng khắp nơi trong phủ đã nổi dậy dưới sự chỉ đạo của cán bộ Việt Minh và sự hỗ trợ của tự vệ cứu quốc tỉnh.

Tham gia hỗ trợ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền, nhiều đêm các chiến sĩ tự vệ thức trắng hoặc chỉ chợp mắt một đến hai giờ. Chỉ 9 ngày đêm, từ ngày 23 đến 31/8, cuộc khởi nghĩa toàn tỉnh diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi giòn giã. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Nguyễn Huệ (tên của tỉnh Bình Định thời kỳ đó) được thành lập gồm sáu đồng chí, do đồng chí Võ Xán làm Chủ tịch. Thành công của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bình Định được xem như một sự kiện thần kỳ, góp một nét son chói lọi không thể nào phai trong lịch sử cứu nước của dân tộc.

Hai số phận, một cuộc đời

Từ thân phận nô lệ, được giác ngộ và đi theo con đường cách mạng, Nguyễn Nam Khánh trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Mấy chục năm xông pha trên khắp các chiến trường lửa đạn, từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, ông đã trở thành vị tướng lừng danh, góp phần làm nên chiến thắng chói lọi trong lịch sử dân tộc. Dường như ông đã sống hai số phận trong một cuộc đời.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông được biên chế vào Tiểu đoàn Tăng Bạt Hổ. Trong đoàn quân nam tiến, ông chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Từ một chiến sĩ, ông trở thành cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, rồi sư đoàn. Ông đã chỉ huy nhiều trận chiến đấu rất ác liệt, có trận đánh quân địch đông gấp hai, ba lần, trang bị vũ khí tối tân, trong khi quân ta chỉ có hai khẩu súng cối và mấy chục viên đạn, nhưng vẫn quyết chiến đấu và chiến thắng. Là Chính ủy Sư đoàn 304, ông cùng đồng đội hành quân vượt Trường Sơn vào chiến trường Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Plây Me, lập chiến công vang dội trong trận đánh Ia-Đrăng lịch sử, gây chấn động dư luận nước Mỹ và làm thay đổi cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Là Chính ủy Sư đoàn 3 Sao Vàng, đơn vị quân chủ lực đầu tiên của Quân khu 5, ông đã chỉ huy đánh trận mở màn chiến dịch Mùa Xuân 1975. Đó là cuộc tiến công đường 19, thực hiện chiến lược chia cắt quân địch giữa đồng bằng và Tây Nguyên. Trong năm ngày tấn công, sư đoàn đã đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 47, Sư đoàn 22 và Liên đoàn bảo an 927, diệt 310 tên địch, bắt sống 52 tên, thu 200 súng, 2 khẩu pháo; làm chủ đoạn đường hàng chục km.

Tháng 6/1978, Thiếu tướng Nguyễn Nam Khánh, Phó Chính ủy Quân khu 5, được điều động ra Hà Nội và bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Chính trị. Từ năm 1979 đến năm 1996 ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Chính trị, là một trong những vị lãnh đạo có uy tín lớn của quân đội. Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1984 và Thượng tướng năm 1988.

Kế tục sự nghiệp cha mình, cả bốn người con trai của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh đều rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội. Đại tá Nguyễn Việt Hà kể: Năm 1982, tôi thi đỗ Trường Sĩ quan Chính trị, được nhà trường cử đi đào tạo ở Liên Xô. Nhận được tin này, cha tôi gạt phắt...

Rồi ông đề nghị nhà trường phân công con trai mình lên tuyến đầu trực tiếp làm nhiệm vụ chiến đấu. Tháng 9/1985, Nguyễn Việt Hà nhận nhiệm vụ Phó Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 92, Sư đoàn 337, đóng chốt tại điểm cao 406, bình độ 400, xã Thanh Lòa (Cao Lộc, Lạng Sơn), nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch, trước đó hàng trăm chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Làm Phó Đại đội trưởng phụ trách mảng chính trị, Bí thư Chi bộ, anh đọc kỹ lý lịch quân nhân của đại đội, nắm bắt tư tưởng và hoàn cảnh của từng chiến sĩ, động viên, giáo dục, khích lệ anh em, tất cả cùng đồng lòng sống chết có nhau, quyết tâm bám chốt, giữ vững trận địa, biên cương của Tổ quốc...

Noi gương cha mình, Nguyễn Việt Hà đã lập nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu và công tác, được cán bộ và chiến sĩ trong đơn vị quý trọng, tín nhiệm cử là đại biểu trẻ nhất dự Đại hội Đảng bộ Sư Đoàn 337, Đại hội Đảng bộ Quân đoàn 14. Đầu năm 1988, anh được điều động và bổ nhiệm làm Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 Sao Vàng. Truyền thống vẻ vang của sư đoàn anh hùng, nơi cha anh từng làm Chính ủy, là cơ sở vững chắc cho anh trưởng thành và phát triển sự nghiệp sau này.

Theo Anh Thơ/nhandan

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/nho-nguoi-thuong-tuong-lung-danh-nguyen-nam-khanh-650011.html