Nhớ người thầy thời mũ rơm đi học trường làng

Thời chúng tôi, bậc tiểu học gọi là phổ thông cấp I, học 4 năm. Cuối cấp phải qua một kỳ thi tốt nghiệp để lên cấp II. Bởi vậy, những giáo viên giỏi thường được nhà trường chọn dạy lớp 4. Nghe tiếng thầy Hoàng Đăng Cành làng Minh Lệ (bây giờ thuộc xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) đã lâu, nay mới được học, chúng tôi mừng lắm.

Trong suốt quãng đời học sinh, dẫu trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với thầy cô, bạn bè thì lớp 4B ngày ấy vẫn đọng lại trong tôi nhiều xúc cảm nhất. Vẫn như in trong tôi niềm vui vỡ òa khi kỳ thi tốt nghiệp năm ấy 37 đứa đều đỗ. Để mừng thắng lợi, thầy đã bỏ tiền riêng ra cửa hàng mậu dịch mua kẹo về cho chúng tôi liên hoan. Rồi thầy nói với giọng buồn buồn: “Từ mai, thầy không còn ở bên các em nữa. Thầy như người đưa đò, chuyến này cập bến lại đưa chuyến khác. Biết vậy mà thầy vẫn thấy buồn”.

Minh họa: Huyền Trang

Tôi chợt thấy lòng mình rưng rưng xúc cảm. Vụt hiện trước mắt tôi ngôi trường mái rạ, vách đất trơ trọi bên rìa làng. Mùa hè gió Lào quạt ràn rạt như hắt lửa, mùa đông gió bấc lùa hun hút. “Các em có nóng không, có lạnh không?”. Biết bao lần thầy đã hỏi chúng tôi câu ấy. Trong khi đó, trời nóng nhưng thầy mặc chiếc áo xanh vải thô dày cộm; trời lạnh thì khoác thêm chiếc áo sĩ quan bộ đội rộng thùng thình. Thầy luôn hiểu rõ tính nết, sức học của từng học trò để kèm cặp, uốn nắn. Tôi vẫn nhớ như in bài văn đầu đời của mình đã được thầy uốn nắn, khích lệ như thế nào.

Vào đầu năm học, chúng tôi được thực hành bài tập làm văn “Hãy tả lại chiếc mũ của chú bộ đội đóng quân ở nhà em”. Hì hụi viết rồi nộp bài cho thầy, tôi vừa hí hửng vừa hồi hộp. Rồi giờ sửa bài cũng tới... “Hôm qua có một toán bộ đội về nghỉ trong làng. Em trông thấy chiếc mũ của một chú bộ đội xinh xắn quá!”. Vừa nghe thầy đọc 2 câu mở bài, tim tôi đã đập thình thịch, không biết mình đã viết sai chỗ nào. “Các em hãy cho thầy biết bạn dùng từ nào chưa đúng?”. Không thấy ai trả lời, thầy nhẹ nhàng: Từ “toán” phải không? “Toán” là từ dùng để chỉ một tập hợp người xấu, chẳng hạn “toán thổ phỉ”, “toán biệt kích”. Như vậy, trong câu văn này, đúng ra bạn phải dùng từ “đơn vị bộ đội”… Rồi thầy đọc tiếp, chỉ ra những câu bị lặp từ, những sự ví von thiếu chính xác. Và rồi, thầy bỗng cao giọng, có ý khen ngợi: Kết thúc bài văn, bạn lại có sự liên tưởng rất hay thế này: “Hàng đêm, mái nhà của em vẫn giang rộng như đôi cánh con chim đại bàng để đón những đoàn quân nghỉ lại; và ánh sao trên mũ vẫn như những đốm lửa thắp sáng niềm tin, thúc giục em chăm học để mai lớn khôn tiếp bước các chú lên đường đánh Mỹ”.

Tôi kín đáo thở phào khi thấy bài văn của mình được điểm 5. Rút kinh nghiệm, bài tập làm văn sau “Hãy tả lại phong cảnh của một khúc sông quê em”, tôi viết thật cẩn thận, nháp rồi mới ghi vào vở. Thật bất ngờ, bài văn được 8 điểm với những câu văn được thầy gạch chân bằng bút đỏ “ý hay, hình ảnh đẹp”. Từ đó, thầy luôn chú ý đến tôi. Cuối học kỳ I, tôi là đại diện duy nhất của lớp 4B đi thi học sinh giỏi môn Văn. Không lọt được vào kỳ thi cấp tỉnh, tôi vừa buồn vừa thấy xấu hổ nhưng thầy đã động viên: “Em ạ, văn chương là con đường dài, gian khổ. Người ta viết dở lúc này nhưng lại có thể viết hay lúc khác, miễn là trong lòng luôn nuôi dưỡng niềm đam mê”.

Giờ đây, tôi đã đạt được ước mơ của mình cũng chính là nhờ thầy đã dạy dỗ, khuyến khích từ những bước đi đầu tiên ấy. Dù chưa bao giờ dám quên thầy thì tôi vẫn cảm thấy mình luôn mắc nợ. Tiếc thay đôi khi lòng biết ơn đến khi người ta biết suy nghĩ thì thời gian đã chẳng đợi chờ.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12504/202209/nho-nguoi-thay-thoi-mu-rom-di-hoc-truong-lang-5790144/