Nhớ người làm 'sống lại' chèo cổ…

GS.NSND Trần Bảng vừa thảnh thơi rời cõi tạm khi chỉ thiếu 3 niên nữa là tròn trăm tuổi.

GS.NSND Trần Bảng. Ảnh: Facebook Tran Luc.

Sau gần 70 năm gắn bó và cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, ông đã để lại “kho báu” quý giá với những vở chèo cổ cùng các cuốn sách nghiên cứu chuyên sâu về loại hình nghệ thuật này…

Ngày nhỏ, chúng tôi mê những vở chèo cổ như “Quan Âm Thị Kính”, “Súy Vân”, “Nàng Thiệt Thê”…, ban đầu qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam sau là qua vô tuyến từ hình đen trắng đến màu.

Dù phải sang nhà hàng xóm nghe nhờ đài cassette hay “đặt gạch” nhận chỗ ở hội trường nhưng chưa khi nào chúng tôi bỏ sót mỗi lần các vở diễn được phát thanh hay phát sóng.

Ở vở “Quan Âm Thị Kính”, chúng tôi thương nàng Thị Kính gặp điều oan trái mà chẳng thể giãi bày, ghét tên Thiện Sĩ bạc nhược không biết bảo vệ người vợ nâng khăn sửa túi. Nàng Thị Mầu lẳng lơ, lắm điều là vậy, thế mà chưa khi nào bị… ghét.

Riêng lớp diễn “Việc làng” luôn được mê nhất. Lúc nhỏ thì cười khoái chí vì thấy ông mù, ông điếc, ông câm… ngồi họp bàn việc dân, việc nước sao mà ngộ thế. Lúc lớn thì hỉ hả vì hiểu ra cái thâm sâu người xưa gửi gắm chưa bao giờ là cũ trong bất kỳ thời điểm, hoàn cảnh nào…

Vở chèo “Súy Vân” thì khó cảm nhận hơn, thậm chí lúc nhỏ còn chẳng hiểu vì sao nàng ấy phải giả điên, có chăng chỉ là xem cô diễn viên diễn trò sao mà khéo, lúc cười, lúc khóc. Khi ở độ tuổi thiếu niên, nghe mẹ giảng thêm mới vỡ lẽ để cảm thương cho Súy Vân cả tin mà bị bạc tình…

GS.NSND Trần Bảng là người khai thác, xếp trò và đưa các tích chèo cổ lên sân khấu chèo hiện đại. (Trong ảnh: Lớp diễn 'Việc làng' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' của Nhà hát Chèo Việt Nam). Ảnh chụp màn hình.

Cứ thế, những vở chèo ấy gần như được thuộc nằm lòng và âm thầm dưỡng nuôi tâm hồn những đứa trẻ thôn quê lớn lên, dẫu vẫn còn đó những nhọc nhằn, mỏi mệt nhưng sẽ chẳng bao giờ bị cằn khô, vô cảm…

Đắm đuối là vậy nhưng kỳ lạ thay vì chưa khi nào chúng tôi để ý xem ai đã dành tâm sức gầy dựng, làm sống lại những tích chèo cổ trên sân khấu hiện đại. Lúc đó, nếu có để ý thì chỉ nhớ tên nghệ sĩ và đoàn nào biểu diễn...

Mãi đến sau này, khi có cơ duyên thực sự sống trong bầu không khí nghệ thuật dân tộc, tôi mới biết rằng, những vở chèo cổ năm xưa đã nâng đỡ suốt năm tháng tuổi thơ ấy, được xếp trò, cải biên bởi ông – GS.NSND Trần Bảng.

Thế là, ký ức tuổi thơ ùa về trong tôi cùng lòng biết ơn vì chỉ khi có những người tâm huyết như ông, ngày ngày cặm cụi sưu tầm, góp gom tư liệu từ các nghệ nhân rồi xếp trò thành vở diễn có lớp lang, đem đến cho chúng một đời sống mới trên sân khấu đương thời thì vốn cổ mới không bị mai một, được gìn giữ, phổ biến, phát huy thực sự hiệu quả như thế.

Hẳn rằng, không riêng gì chúng tôi mà còn rất nhiều đứa trẻ khác ở nơi thôn quê xa xôi, nhỏ bé cũng lớn lên bằng những vở chèo xây từ tích xưa ấy…

***

Tôi được gặp GS.NSND Trần Bảng khi có dịp thực hiện bài viết bàn về câu chuyện: Cần phát huy nghệ thuật truyền thống như thế nào để không “gieo vừng ra ngô”. Năm ấy, ông đã ngoài tuổi 80 mà vẫn mẫn tiệp.

Thực ra, với một người trẻ đến gặp cây đại thụ của sân khấu dân tộc với học hàm “Giáo sư”, danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”; từng kinh qua Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam… thường mang tâm lý e ngại, thiếu tự tin.

Tôi cũng không ngoại lệ. Vậy nhưng, ngay từ cuộc điện thoại hẹn trước (qua máy bàn) ông đã vui vẻ chào đón rồi khi gặp trực tiếp tại căn nhà tập thể ở Giảng Võ giản dị mà ấm cúng, thân tình thì những cảm xúc ban đầu ấy bay biến đâu hết.

Bình dị trò chuyện, ông bảo, mỗi khi thấy người trẻ quan tâm đến văn hóa dân tộc, ông rất đỗi vui mừng. Rồi ông trao đổi cặn kẽ, khúc triết về câu chuyện gìn giữ, phát huy vốn cổ từ chính kinh nghiệm của mình với quan điểm bất biến: “Muốn phát huy, cải biên gì đi chăng nữa thì cũng phải nhớ không được để mất hồn cốt ban đầu trong mỗi tích trò cha ông để lại”…

Lúc xong bản thảo, tôi mang tới nhờ ông xem lại giúp. Ông cặm cụi đọc kỹ, tay run run chữa từng chữ, từng câu cùng những lời động viên, khích lệ để người trẻ không nản bước trước khó khăn…

Rồi những dịch chuyển mới khi ông về ở khu đô thị Ciputra cùng con trai - NSƯT Trần Lực, cũng là để các con tiện bề chăm sóc khi xế chiều. Tôi “cập nhật” tin tức về ông qua những dịp trực tiếp gặp NSƯT Trần Lực hoặc qua Facebook của anh vì anh rất chăm kể chuyện ngày thường của ba mình một cách dí dỏm, hấp dẫn.

GS.NSND Trần Bảng cười sung sướng khi nghe con trai (NSƯT Trần Lực) thổi kèn. Ảnh: Facebook Tran Luc.

Cũng có dịp tôi được gặp ông tại Lễ Giỗ tổ ngành Sân khấu năm 2016, chúc mừng ông được tôn vinh khi tròn tuổi 90. Ông vẫn mạnh khỏe và tâm huyết gửi gắm: “các nghệ sĩ chúng ta đoàn kết hơn, sáng tạo hơn để đưa sân khấu tiến thêm những bước mới để báo công với tổ nghề”…

Dịp NSƯT Trần Lực bắt đầu dàn dựng vở diễn đầu tiên trên sân khấu kịch, tôi đã bất ngờ khi anh kể lý do của “duyên muộn” này. Hóa ra, sau những tháng năm “tung hoành” cùng điện ảnh, phim truyền hình, được “vua biết mặt, chúa biết tên”, anh quyết trở lại với thánh đường nghệ thuật, với những tháng năm tuổi thơ theo cha, theo mẹ đi diễn; với những gì anh được đào tạo bài bản từ Bulgaria – ngành Đạo diễn sân khấu…

Nhất là, chưa khi nào anh quên lời nhắc nhở của cha mình - “chờ đợi một Trần Lực sân khấu” - để mỗi khi có vở diễn mới, anh lại quay video về… “trình” thầy. Rồi anh lập Luc Team, cũng đã gần 10 năm với các vở: “Quẫn”, “Bạch đàn liễu”, “Cơn ghen của lọ lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Antigone” và tới đây là “Búp bê”…

Thật thú vị khi vở diễn nào của anh cũng lấp lánh những cách điệu ước lệ của nghệ thuật truyền thống Việt Nam như chèo, tuồng. Anh bảo, đấy là vốn quý được lĩnh hội từ người cha dành cả cuộc đời cho nghệ thuật dân tộc của mình…

GS.NSND Trần Bảng sinh năm 1926, quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông là con nhà văn Trần Tiêu và là cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột. Năm 1951, ông tham gia Đoàn Văn công Trung ương. Năm 1957, ông là một trong những người thành lập Ban Nghiên cứu chèo. Ông đã cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo cổ như “Quan Âm Thị Kính”, “Súy Vân” (từ vở “Kim Nham”), “Nàng Thiệt Thê” (từ vở “Chu Mãi Thần”)... Ngoài ra, ông còn dàn dựng nhiều vở chèo hiện đại như “Lọ nước thần”, “Cờ giải phóng”, “Đường đi đôi ngả”, “Tình rừng”, “Máu chúng ta đã chảy”...

Ngoài ra, GS.NSND Trần Bảng còn là tác giả các kịch bản chèo như: “Con trâu hai nhà”, “Đường đi đôi ngả”, “Tình rừng”, “Cô gái và anh đô vật”, “Chuyện tình 80 năm”, “Máu chúng ta đã chảy”...; là tác giả một số cuốn sách nghiên cứu như “Khái luận về chèo”, “Kỹ thuật biểu diễn chèo”, “Chèo - Một hiện tượng sân khấu dân tộc”... Ông được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt 2 (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 5 (2017)…

Bình Thanh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nho-nguoi-lam-song-lai-cheo-co-post647858.html