Nhớ người đồng chí sâu nặng nghĩa tình

Đồng chí Lê Hồng Phương, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khóa XII, sau thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được các y, bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng không qua khỏi. Đồng chí đã từ trần vào lúc 3 giờ ngày 7-5-2021.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường trao tặng Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Hồng Phương, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: P.Hằng

Đồng chí Lê Hồng Phương (tên thường gọi Lê Minh Hải), sinh ngày 15-5-1954, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Tân Bình, H.Dĩ An, tỉnh Bình Dương (nay là P.Tân Bình, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương).Đồng chí sớm tham gia cách mạng, từng kinh qua nhiều vị trí công tác: nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai; nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai khóa XII; nguyên Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội... Ở vị trí công tác nào, đồng chí Lê Hồng Phương cũng đã cùng với tập thể nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như các thành tựu chung của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Nhớ về đồng chí Lê Hồng Phương với niềm tiếc thương sâu sắc, nhà báo Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai đã có bài viết về người đồng chí, người bạn mà ông đặc biệt trân quý:

“...Tôi biết anh từ năm 1972, lúc anh làm thợ cơ khí sửa xe ben của anh Hai Mạnh là con cô Sáu Bé - một người bà con bên ngoại của anh ở Dĩ An.

Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi và anh gặp lại trong một hoàn cảnh rất tình cờ như một duyên ngộ và kết thân với nhau cho đến lúc anh “qua bến lên đường”, “vượt qua cõi biên duyên”. Số là chiều hôm ấy, tôi đạp xe về nhà, đến gần đoạn UBND xã Tân Thành (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa bây giờ) thì đụng phải cánh cửa xe hơi mở ra bất ngờ làm gãy hai ngón tay. Câu chuyện nhỏ này đến tai chú Phan Văn Trang, vì chiếc xe “gây tai nạn” là xe của Bí thư Thành ủy Biên Hòa lúc bấy giờ. Chú Năm tưởng rằng, anh Ba Phương là người lái xe hôm ấy nên gọi lên trách: “Anh em lái xe thế nào mà đụng cháu anh Mai Sơn Việt gãy tay?” và yêu cầu anh phải mua đường sữa đến thăm nạn nhân. Thật ra, anh không phải người làm tôi bị gãy tay mà là người bạn thân của anh quê ở Vĩnh Cửu.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy. Ảnh: Phan Dẫu

***

Sau lần ấy, anh em tới lui thăm nhau. Lúc vui vui, tôi hỏi anh: “Trước đây, đang làm ở chỗ anh Hai Mạnh, Bảy Nhàn, anh bỏ đi đâu mất tiêu?”. Anh cho biết, anh bị lính của Nha Cảnh sát miền Đông bắt giam ở Trung tâm Cải huấn Biên Hòa (B5 sau này), vì họ tình nghi anh là Việt Cộng. Tại đây, họ giam anh chung với nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, một nhạc sĩ của phong trào sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Nói như anh Hai Quân, những người ở bên kia tra tấn những người ở bên này rất “te tua như cái mền rách”. Nhưng anh Ba Phương vẫn giữ khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, chịu đau đớn chứ nhất định không khai báo.

Không khai thác được gì từ chàng trai trẻ vừa tròn 18 có quê nội ở làng Tân Trạch, Mỹ Quới, Tân Uyên và quê ngoại ở xóm Cây Da, Tân Bình, Dĩ An, họ buộc phải phóng thích anh khỏi nhà lao Tân Hiệp. Anh kiên cường cũng phải, vì ông ngoại của anh là ông Lê Văn Chơ, là công nhân hỏa xa và bà là Trần Thị Rở là công nhân cao su, giàu lòng yêu nước. Còn gia đình bên cha của anh, là ông Nguyễn Văn, tức Sáu Than vốn là chiến sĩ quân báo và má của anh là một nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường, đầy mưu trí, sáng tạo của vùng Bình Trị, Cây Lơn, Mạch Máng, Mả Ba Lăm, Dĩ An - quê hương của nữ anh hùng Nguyễn Thị Lan.

***

Khi thoát ly vào căn cứ Bàu Hàm - địa bàn đứng chân của Tỉnh ủy Biên Hòa, anh Ba được phân công làm rẫy như một sự thử thách của tổ chức đối với một người học sinh thuộc thành phần “tiểu tư sản”, mặc dù trong lý lịch của anh ghi là “dân nghèo thành thị”, là cụm từ tương đương với cụm từ “tiểu tư sản”. Nhờ tích cực phấn đấu, nên một thời gian không lâu, anh được rút về Văn phòng Thị ủy, làm cận vệ Thường vụ và Bí thư Thị ủy.

Từ người cận vệ trong chiến tranh đến người phường đội trưởng đầu tiên của P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa sau giải phóng, anh miệt mài phấn đấu, học tập, tiến bộ từ phường lên thành phố với tư cách là Thành ủy viên, Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy viên, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh... Anh Ba Phương thân yêu của chúng ta luôn sống giản dị, nghĩa tình như một thời chinh chiến, một thời bao cấp, một thời mở cửa, hội nhập. Anh kính nhớ từng người chú, người anh, người chị của một thời máu lửa gian nan. Anh thương từng đứa em, đứa “lớn lên sau mùa xuân trên TP.HCM” với nguyện ước cả nước vươn lên giàu mạnh, văn minh, nghĩa tình.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ VIII

Còn nhớ chị Sa-Ri, người dân tộc Khmer, một người rất thật thà, trách nhiệm với công việc được phân công, luôn được anh Phương và vợ là cô Mỹ Lệ ưu ái, chăm sóc như một người thân ruột thịt của gia đình. Hay như chị Hồng, là người phụ nữ đơn thân, là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, có đứa con tật nguyền, mỗi lần từ Bình Phước về Biên Hòa luôn được anh Ba Phương tiếp đón ân cần, chu đáo. Đặc biệt, qua anh Ba Phương, người chị nghèo khó của tôi một thời đi qua chiến tranh, được chị Mười Hoàng luôn chăm lo bằng tấm lòng của một người chị một thời ở dưới tán rừng miền Đông. Đối với anh Ba Phương, một người sâu nặng nghĩa tình vậy đó.

Anh Ba Phương ơi! Được làm bạn với anh là một điều hân hạnh đối với tôi. Nhớ mãi từ hồi anh ở ngôi nhà tôn mua ở P.Quang Vinh đến sàn nhà ngôi chùa Cao Đài ở P.Tân Vạn, đến ngôi nhà khang trang..., đối với tôi là một chuỗi dài đầy ắp kỷ niệm của tình nghĩa.

***

Anh Ba Lê Minh Hải - Lê Hồng Phương, xin cải họ là Nguyễn Hồng Phương. Làm sao vợ chồng tôi quên được, khi anh thu hoạch những quả bưởi đầu tiên, anh đưa về đặt trên bàn thờ cúng hai bác với tất cả tấm lòng thành kính. Đâu chỉ thế! Khi vợ chồng tôi làm nhà, anh bảo vợ gửi cho Năm Bé “mấy cục gạch”, những cục gạch ấy, đã xây đắp nên tình nghĩa của hai gia đình chúng ta.

Anh Ba! Bạn bè gần xa, trong Nam ngoài Bắc, qua những dòng này, gửi lời tạm biệt người em, người anh, người bạn có tên Nguyễn Lê Hồng Phương...”.

Mai Sông Bé

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202105/nho-nguoi-dong-chi-sau-nang-nghia-tinh-3055794/