Nhớ ngày giỗ liệt sĩ

Hàng năm, cứ vào dịp đầu tháng 3, người dân khu phố Ninh Tịnh 5, phường 9, TP Tuy Hòa chung nhau sắm sửa mâm cỗ làm giỗ chung cho các anh hùng, liệt sĩ tại 2 khu mộ tập thể trong khu phố. Những người 55 năm trước đã hy sinh anh dũng, góp phần làm nên cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968. Đây là việc làm rất ý nghĩa, phù hợp với truyền thống phong tục của người Việt.

Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và đại tá Võ Văn Ký, nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Bộ CHQS tỉnh thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ tại lễ giỗ chung. Ảnh: ĐẶNG SỸ

Thời kỳ chiến tranh, khu phố Ninh Tịnh 5 lọt thỏm giữa bãi cát trắng và đồng nước bao bọc, là điểm tập kết của bộ đội ta trước khi bí mật tấn công vào các trận địa của địch trong TX Tuy Hòa.

Ông Lê Văn Thiệt, người chứng kiến trận đánh diễn ra rạng sáng 4/3/1968, kể lại: “Trận đánh đó bộ đội ta hy sinh nhiều, bà con có mặt hôm đó muốn chôn cất các liệt sĩ theo từng phần mộ, có tên tuổi rõ ràng, nhưng địch bắt dân khuân xác dồn xuống hai hố bom, biến hai hố bom đó trở thành hai mộ chôn tập thể (T26, phường 9, TP Tuy Hòa)”.

Đầu năm 1985, cấp trên có chủ trương quy tập hai ngôi mộ tập thể này vào nghĩa trang liệt sĩ, nhưng người dân khu phố Ninh Tịnh 5 đề nghị xin được giữ lại 2 khu mộ này để bà con có nơi chăm sóc, thân nhân liệt sĩ thăm viếng và được chấp thuận. Sau thời gian này, người dân trong khu phố vận động nhau tự nguyện đóng góp công sức, cộng với kinh phí của UBND TP Tuy Hòa hỗ trợ, qua 4 lần tiến hành tu sửa, nâng cấp để có được 2 khu mộ khang trang, to đẹp như hôm nay. Trên mộ, trân trọng ghi 2 dòng chữ:

“…máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ.

Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh…”.

Với nhân dân khu phố Ninh Tịnh 5, việc tưởng nhớ, ghi ơn các anh hùng, liệt sĩ được thể hiện cụ thể bằng nghi thức giỗ theo phong tục tập quán. Qua đó để giáo dục, nhắc nhở con cháu về những người đã ngã xuống và gắn kết tình làng nghĩa xóm, cầu cho quốc thái dân an. Việc tổ chức giỗ liệt sĩ nơi đây bắt đầu từ gia đình ông Lê Văn Thiệt - nhà ở bên cạnh khu mộ tập thể. Là người trực tiếp chứng kiến diễn biến của sự kiện Mậu Thân, nên vào ngày tết, ngày hy sinh của các liệt sĩ, gia đình ông sắm sửa mâm cỗ làm giỗ. Việc làm của gia đình ông sau đó được bà con trong thôn tự nguyện tham gia, đóng góp công sức cùng nhau làm lễ cúng.

Ngày giỗ của liệt sĩ, được bắt đầu từ buổi sáng, bà con trong khu phố mỗi người một việc, dọn dẹp vệ sinh, dựng rạp, làm bếp, chuẩn bị nhang đèn, hoa quả… Theo tục lệ khi làm giỗ, thịt sống nguyên 2 con heo (bỏ nội tạng) rửa sạch đặt lên bàn. Khi mâm cỗ bài trí xong, người lớn tuổi, đại diện trong khu phố thành kính dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ…

Khi chiều về, là thời điểm tập trung đông đủ bà con trong khu phố, chính quyền địa phương, mỗi người một nén hương tưởng nhớ các liệt sĩ rồi cùng nhau quây quần quanh tượng đài, nhắc về trận chiến năm xưa, kể chuyện mùa màng thời vụ, chuyện khu phố, tình cảm cộng đồng như được kết nối nhân lên.

Ông Phạm Như Ý, Bí thư Đảng ủy phường 9 cho biết: “Những năm qua, vào dịp lễ, tết, ngày 27/7, và đặc biệt là ngày 5/2 âm lịch, bà con khu phố Ninh Tịnh 5 tề tựu về đây góp công, góp của tổ chức lễ giỗ các liệt sĩ rất chu đáo, trang trọng. Ngoài mục đích tri ân các anh hùng liệt sĩ, hoạt động này còn giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.

55 năm đã đi qua, hôm nay cảnh vật, con người của Ninh Tịnh đã nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày càng phát triển. Những con đường bê tông thay đường đất, những ngôi nhà ngói, nhà cao tầng mọc lên bên cạnh vườn mai trù phú. Nơi đây, vào tháng 3 hàng năm, lễ giỗ liệt sĩ trở thành ngày hội văn hóa thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của Nhân dân khu phố Ninh Tịnh 5. Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và giúp cho tình làng nghĩa xóm được gắn bó, đoàn kết, khăng khít hơn.

Lễ giỗ liệt sĩ trở thành ngày hội văn hóa thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của Nhân dân khu phố Ninh Tịnh 5. Đây cũng là dịp để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và giúp cho tình làng nghĩa xóm được gắn bó, đoàn kết, khăng khít hơn.

ĐẶNG SỸ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/294888/nho-ngay-gio-liet-si.html