Nhớ một ngọn núi đã ẩn mình…

Dốc vừa đủ cao, rừng vừa đủ rậm, hang hốc vừa đủ thâm u, một cái đầm lầy dưới chân và một cái tháp cổ uy nghi bỏ hoang trên đỉnh là quá đủ để hòn núi ấy trở thành “vương quốc” cho lũ trẻ con ngày ngày trèo lên tung hoành. Cùng với chúng là bầy khỉ dạn dĩ, lũ chim rừng quành quạch... Núi có tên chữ là Hoa Sơn, có hình dáng con rùa đang vươn cổ nhưng người dân cứ gọi là Núi Một, như cách gọi nôm na những ngọn núi nhỏ chơ vơ đơn chiếc. Nó có sẵn đường mòn lên đỉnh, là nơi mà hàng trăm năm trước một vị thiền sư đã lập thảo am tu hành. Xá lợi của ngài được đặt trong Liên Hoa tháp dựng ngay trên nền am. Kim quy đới tháp (Rùa đội tháp) là có tích từ đây. Những hình ảnh cũ may mắn còn lưu lại được cho thấy bảo tháp hình hoa sen rất đẹp.

Những đứa trẻ của thập kỷ 40 ở trong vùng lân cận bên động cát trắng, giữa rừng mai hoặc cạnh rừng dương, từ mái nhà tranh trống hoác của mình có thể ngó thấy rất rõ ngôi bảo tháp nhô cao trên đỉnh núi và chỉ chạy một hơi là tới nơi. Với tụi nhỏ, ngọn núi này là thiên đường. Khi Nhà thờ Núi được hoàn thành vào năm 1933, ở một phần mõm núi phía đầu rùa sau khi cho nổ mìn phá đá lấy mặt bằng thì con đường Phước Hải (Nguyễn Trãi ngày nay) mới thực sự hình thành, xẻ ngang cổ rùa của Núi Một. Nhà cửa theo đường bắt đầu mọc lên, rừng bị đẩy lùi, và lưng rùa đã bị phá hỏng phần nào.

Thập niên 50 với quá nhiều biến động lịch sử đã khiến bộ mặt Nha Trang cũng đổi thay, rừng hoang thành chợ, thành nhà. Cha mẹ tôi là đám trẻ của thập niên 40 ngày nào, sau vài năm xa nhà về thảng thốt nhìn xóm cũ. Đâu rồi ngọn núi của miền thơ ấu, đâu rồi rừng mai, động cát... Núi Một như bị nhổ lên, biến mất hoàn toàn không còn chút dấu vết, một mảng xanh cũng không. Đầm lầy sau nhà máy nước đá và rạp xi nê Hưng Đạo thì đã được lấp từ thập niên 70, chỉ còn lại nhà và nhà, lớp trong lớp ngoài, vòng vèo ngõ dọc lối ngang, lô xô cao thấp trám kín mít không còn chỗ hở. Thời gian càng trôi qua càng chồng chất che chắn. Lớp hậu sinh chúng tôi lớn lên nghe kể lại mà cứ như chuyện cổ tích. Lấy đâu ra núi ở phố thị? Lấy đâu ra hồ nước đầm lầy? Cha mẹ tôi hay nhìn về phía ngọn núi ngày xưa cám cảnh, không biết có còn ngọn tháp cổ, không biết đường mòn lên núi giờ đi đâu.

Rồi tôi ngồi tìm từng tấm hình của một Nha Trang xưa nơi 5 thế hệ gia đình mình đã và đang sống. Những tấm hình cực hiếm chạm vào ăm ắp xúc động. Đúng là ngọn núi ấy, bảo tháp ấy và cả đường mòn lên đỉnh... Tôi như nhìn thấy cha mẹ mình đang chân trần tung tăng.

Ngõ ngách hiện nay trong Núi Một.

Và bây giờ tôi cũng men theo một cái hẻm nhỏ như khe để lên núi cũ, loanh quanh leo dốc lạc lối mà chỉ toàn nhà với nhà sát rạt, nhà bên vách núi đá, dốc đá, bậc cấp đá. Lối đi ngoằn ngoèo còn hơn mê cung một hồi là quay trở lại điểm xuất phát. Cuối cùng tôi cũng tìm tới được bảo tháp đặt trên đỉnh núi thần thoại, vẫn ngay vị trí năm xưa. Không còn uy nghi đơn độc trên đỉnh núi, bảo tháp nay nằm chung trong khuôn viên của một nhà dân. Người chủ nhà kể họ mua lại căn nhà có sẵn bảo tháp này và biết chứa xá lợi của tổ sư, rồi cứ vậy mà cung kính nhang khói tiếp. Người chủ nhà trước chắc cũng nhận lại phận sự từ người trước nữa, và cứ vậy mà sơn phết giữ gìn. Thấy ghi tôn tạo lại năm 1972 nên hình dạng không còn như xưa nữa, nhưng vậy cũng đã quý rồi.

Có ai ngang qua đường Nguyễn Trãi tới Huỳnh Thúc Kháng, rồi rẽ vô đường Núi Một đi một vòng ra Ngã Sáu, xin dành vài phút nhớ tới một ngọn núi đã ẩn mình...

ÁI DUY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202307/nho-mot-ngon-nui-da-an-minh-ad25412/