Nhớ một năm Thìn đặc biệt với Quảng Trị

Chúng ta từng ca ngợi đại thắng mùa Xuân 1975 như một chiến công hiển hách nhất trong thế kỷ 20, nhưng phải đến tháng 4/1976, với quốc dân đồng bào cũng như trước toàn thế giới, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước mới là yếu tố quyết định việc 'chính thức hóa' sự nghiệp thống nhất Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam. Cùng với sự kiện có ý nghĩa lịch sử về mặt chính trị được cả thế giới quan tâm theo dõi, những ngày xuân Bính Thìn - 1976, cả nước và đặc biệt trên vùng đất Quảng Trị đã diễn ra cuộc 'tổng tiến công' có một không hai trong lịch sử dân tộc. Đó là khi các đội quân xây dựng đường sắt Thống Nhất dồn dập hội tụ về Quảng Trị.

Đoàn tàu đầu tiên qua cầu Thạch Hãn -Ảnh: T.L

Quảng Trị từng là nơi hội tụ các đoàn quân của cả nước, nhưng đó là những chiến dịch lớn phải mở ra để đi tới ngày toàn thắng với sự hy sinh không kể xiết. Cuộc hội tụ xây dựng đường sắt Thống Nhất vào đầu xuân Bính Thìn-1976 vừa là một biểu tượng đẹp và cụ thể của đất nước hòa bình thống nhất, vừa là niềm mong đợi thiết tha của hàng triệu người dân để cải thiện điều kiện giao thương trong cuộc sống đời thường, nên mỗi công trường mở ra đều tràn ngập niềm vui, tiếng cười, tiếng hát. Hiểu rõ giá trị đặc biệt của công trình, lại từng cống hiến 15 năm tuổi trẻ trên các con đường, tôi đã về Quảng Trị nhiều lần trong những ngày vui đặc biệt này.

Trước khi về công trường, tôi đã được gặp viện trưởng thiết kế tại Hà Nội. Ngày xưa, thời Pháp thuộc, đoạn đường Vinh - Huế làm trong 32 năm mới xong. Bây giờ, một kế khoạch khổng lồ gồm 150 nhà ga, 160 cầu lớn sẽ phải hoàn thành trong một thời gian ngắn hơn thời gian thi công một chiếc cầu.

Rời viện thiết kế, tôi mang theo lòng tin của đồng chí viện trưởng. Ông tin vì đây là công trình của toàn dân, ông tin ở sức mạnh nước Việt Nam thống nhất. Sức hút của công trình đặc biệt này đã cuốn tôi vào đôi bờ Hiền Lương - Quảng Trị đúng vào những ngày xuân năm 1976 lịch sử. Sau 30/4/1975, tôi đã định vào Quảng Trị nhưng đến Hiền Lương thì bị chặn lại.

Nay không còn ai ngăn cản, tuy vậy tôi vẫn dựng xe đạp trước đồn công an, đi bộ lên cầu. Tôi đứng tựa lưng vào đầu chiếc cầu mới, trong buổi chiều bình yên nắng ấm này, lòng xốn xang nghĩ tới hàng vạn chiến sĩ đã mở hàng ngàn ki-lô-mét đường trong lửa đạn, thay nhịp cầu nối hai miền đất nước suốt những năm chiến tranh.

Qua cầu, theo con đường ngược dòng Bến Hải một quãng là chợ Kênh. Từ chợ Kênh, ngược lên vài ki-lô-mét nữa là cầu Tiên An. Mấy chục năm qua, con đường sắt như bị bỏ quên, ta thường nhắc đến Hiền Lương mà quên Tiên An. Từ hôm nay, Tiên An sẽ được chứng kiến cuộc thi đua thú vị giữa hai đội quân lớn: bờ Nam là xí nghiệp liên hiệp đường sắt; bờ Bắc là bộ đội Quân khu 4.

Tôi qua bờ Bắc trên chuyến đò ngang cùng một cô gái gánh tranh. Cô quê Kinh Môn ở bờ Nam nhưng làm dâu làng Tiên Yên ở bờ Bắc. Cô dẫn tôi về tổ khảo sát đang ở trong làng. Trước đó, đồng chí viện trưởng đã nhắc tôi nhớ tới những người đi đầu trong công trình đặc biệt này.

Ngày hội Thống nhất non sông diễn ra tại Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải -Ảnh: Lê Trường

Công việc bàn giao cọc tim đường cho đơn vị bộ đội thi công đã tạm ổn, tôi gặp Phước đang nằm trên giường, cắm cúi viết. Nài nỉ mãi, anh mới cho xem. Thì ra anh đang làm thơ..."Ôi! Những nơi nào là tuyến đường đất nước/Đều có công anh trong bước thăm dò...". Hẳn có bạn không gọi đó là thơ nhưng nó là nguồn vui sống của Phước và đồng đội.

Hôm sau, tôi tìm đến nhà bác Kinh - một người 33 năm sống trên đường sắt - để hiểu thêm lịch sử con đường và nỗi mong đợi tuyến giao thông huyết mạch hồi sinh. Căn nhà mới dựng thuộc xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ. Bác Kinh vào Đà Nẵng đặt đường sắt từ năm 1934. Bác không ngờ có ngày bàn tay mình lại phá hủy nó. Từ 1946-1947, mặt trận Thừa Thiên vỡ, “dân” đường sắt kéo ra Đồng Hới, tạm trú trên một đoàn tàu. Sau khi phá hết nhà ga, cầu lớn, chặn bước tiến quân Pháp, đoàn tàu ấy chở theo 72 gia đình đường sắt ra Hương Khê (Hà Tĩnh). Cầu Thanh Luyện phải chứng kiến một cảnh đau lòng: chiếc đầu máy kéo một đoàn toa không, lao xuống sông tuẫn tiết!

Phải tìm cách cho con đường sống lại. Từ năm 1948-1949, một hướng tiếp tế mới cho chiến trường Bình Trị Thiên hình thành. Bác Kinh là một trong những người đầu tiên lập nên công ty đường goòng. Trải qua hai cuộc kháng chiến, kẻ địch đều chọn đường goòng làm mục tiêu đánh phá nhưng bác Kinh vẫn sống chung thủy với con đường. Cho đến nay, bác lại dựng căn nhà nhỏ ven đường sắt, ngày đêm nóng lòng chờ đoàn tàu Thống Nhất kéo còi qua làng...

Trong nhiều lần đi, về các công trường, ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi là lần về cầu Thạch Hãn. Đây là công trình lớn nhất ở miền Trung, lại là một địa danh lịch sử gắn với cuộc chiến bi tráng tại Thành Cổ Quảng Trị và là nơi trao trả tù binh sau Hiệp định Paris mùa Xuân 1973. Xin chép lại vài dòng nhật ký tại cầu Thạch Hãn 48 năm trước.

“Tháng 8/1976. Thạch Hãn. Đến Thạch Hãn, không thể quên Thành Cổ Quảng Trị trong mùa hè 1972... Bom đạn Mỹ nay vẫn còn nổ quanh vùng. Phía Bắc cầu, chiếc máy ủi đất vướng mìn chống tăng, đứt tung xích đang nằm bẹp. Gió Lào cuồn cuộn thổi. Cát bụi bay mù trời. Những cô gái hễ buông mái tóc dài là rối tung. Dây mũ, dây nón căng như dây đàn, xiết thành vệt dưới cằm rát bỏng. Tổ đo đạc lấn bấn chưa tìm ra cách nào để cố định máy, mia đo độ võng phục vụ kịp cho việc lắp cầu.

Trên cao, chiếc cần cẩu vừa nhắc một thanh dầm cầu nặng trên 10 tấn, đặt vào đúng vị trí một cách nhẹ nhàng. Tất cả đều bằng sắt thép nặng nề, nhưng tôi nghĩ đó là cánh bay của trí tuệ con người. Và người thợ thực đang bay trước mắt tôi. Trên đỉnh cao chót vót, hai dầm thép vừa được ghép lại thành hình một mũi tên khổng lồ...”.

Khung cảnh lao động ấy đã cuốn hút tôi nhưng một tiếng gọi khác cũng đầy hấp dẫn. Ấy là tiếng còi, tiếng còi của một đoàn tàu hỏa hẳn hoi sắp chạy từ Quảng Trị vào Huế. Đã hơn một tuần nay, tàu “công vụ” thường có chuyến chở đá từ Lăng Cô ra Thạch Hãn.

Tôi lên tàu, không mua vé và cũng không phải xin phép ai. Chợt nhớ câu thơ “Tất cả cùng chung con tàu đi về phía trước” của anh bạn khảo sát bên cầu Tiên An. Quả là nhiều số phận khác nhau trước đây, nay chung một con tàu tiến về một hướng. Như anh bạn cạnh tôi, người Huế, vốn là một sinh viên văn khoa bị bắt đi lính, thúc ra chiến trường Quảng Trị. Năm 1972, anh bị quân giải phóng bắt. Năm 1973, anh được trao trả qua sông Thạch Hãn. Nay, lần thứ hai anh ra Quảng Trị nhưng để góp sức đắp con đường Thống Nhất...

Tôi không có điều kiện ra Quảng Trị ngày đoàn tàu đầu tiên qua cầu Thạch Hãn (tháng 10/1976), nối liền vết cắt làm đau cả đất nước đã bao năm, cũng không được đi chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên chạy suốt từ Hà Nội đến Sài Gòn ngày 4/1/1977. Nhưng trước thềm xuân Giáp Thìn - 2024, tôi nhớ lại những ngày về với các công trình xây dựng đường sắt Thống Nhất năm Bính Thìn - 1976, nhớ lại hình ảnh nhịp cầu nặng hàng trăm tấn vươn mình qua sông Thạch Hãn mà tôi được chứng kiến với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, thật chẳng khác chi một con rồng khổng lồ mang ước vọng của triệu người được bay cao bay xa...

Gần nửa thế kỷ đã qua từ những ngày vui đoàn tụ trên cả đất nước và đặc biệt trên vùng đất lửa Quảng Trị. Bỗng mơ thấy “con rồng” khổng lồ bay qua Thạch Hãn năm Bính Thìn-1976, đang vẫy gọi bao dự án, công trình mang tầm vóc lớn sẽ mở ra vào mùa Xuân Giáp Thìn này, sớm đưa Việt Nam đến ngày thực sự hóa rồng...

Nguyễn Khắc Phê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/nho-mot-nam-thin-dac-biet-voi-quang-tri/183440.htm