Nhớ một kỷ niệm với Hoàng Phủ Ngọc Tường

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số không nhiều những tên tuổi khi giới thiệu không cần kèm theo chức vụ, quê quán… mọi người đã biết đó là ai. Ông nổi tiếng không chỉ với một địa phương nào và một thời đoạn nào. Vì thế, những ngày qua, sau khi tin ông qua đời, rất nhiều báo chí trong nước đã có bài viết về ông. Với tôi, ấn tượng sâu đậm nhất về Hoàng Phủ Ngọc Tường là buổi tôn vinh nhà văn trong kỳ Festival Huế năm 2002, hơn hai chục năm trước.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ảnh: CTV

Lâu nay, những sinh hoạt văn chương, nói cách khác là văn hóa đọc bị văn hóa nghe-nhìn lấn át là điều ai cũng biết. Vậy mà giữa thành phố Huế náo nhiệt Festival 2002 với vô số những tiết mục trình diễn ca múa, nhạc, kịch, triển lãm mới lạ và hấp dẫn (và cả trận đá bóng có ý nghĩa sống còn với đội chủ nhà trên sân Tự do nữa), nghĩa là bầu không khí đầy ắp văn hóa nghe-nhìn tưởng không còn chỗ nào cho văn thơ nữa, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế cùng với Công ty Văn hóa Phương Nam (T.P. Hồ Chí Minh) đã tổ chức thành công buổi giao lưu với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhân dịp bộ tuyển tập tác phẩm của ông vừa được Nhà Xuất bản Trẻ và Công ty Văn hóa Phương Nam ấn hành.

Bạn bè, người đọc ở Huế từng mến mộ Hoàng Phủ Ngọc Tường đến dự buổi giao lưu đông đảo đã đành, điều thú vị là nhiều vị khách quý từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và cả từ Paris đã đến chia vui với nhà văn, đánh giá cao những cống hiến của ông không chỉ cho xứ Huế mà cho cả đất nước.

Nhạc sĩ Phú Quang giản dị và vắn tắt nhắc lại những lần gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường, cảm xúc trước vẻ đẹp những bài thơ của ông đã hóa thành tiếng hát. Và anh đã hát say sưa bài hát phổ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường với giọng ca ấm áp có sức lay động lòng người. Cũng rất giản dị, Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Đặng Nhật Minh nhắc đến hai bộ phim từng được giải thưởng của ông - phim Nguyễn Trãi và Thị xã trong tầm tay đều có sự tham gia của Hoàng Phủ Ngọc Tường... Thì ra văn hóa nghe-nhìn cũng rất cần đến văn chương; nói đúng hơn, vẻ đẹp văn chương là một điểm tựa giúp cho văn hóa nghe-nhìn đạt tới đỉnh cao.

Rất nhiều mỹ từ đã được dùng đến trong bài phát biểu mở đầu của nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng như trong tất cả những ý kiến về sau của nhà phê bình Phạm Phú Phong, nhà thơ Ngô Minh, giáo sư Bửu Ý, nhà văn Trần Thùy Mai, bác sĩ Trương Thìn... Trong buổi gặp gỡ sang trọng có ý nghĩa tôn vinh tác giả này, điều đó không lạ.

Nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, những mỹ từ đó đều đích đáng chứ không phải là cách nói theo nghi lễ ngoại giao. Nhiều tờ báo đã in những bài phát biểu ấy. Tôi chỉ xin nhắc lại ở đây lời phát biểu thân tình mà lại có tính chất tổng kết của anh Trần Hoàn (tôi không muốn nêu chức vị lúc đó của anh, vì anh từng đảm trách những vị trí quan trọng hơn; cũng không muốn đính kèm từ nhạc sĩ vì lời phát biểu của anh không dính gì đến bộ môn nghệ thuật này; tôi gọi là anh như vẫn thường dùng mỗi khi gặp nhau lâu nay, như cách ôm vai Hoàng Phủ Ngọc Tường đầy tình cảm anh em khi anh nhắc đến mối quan hệ giữa hai người).

Để đánh giá cống hiến của Hoàng Phủ Ngọc Tường, anh Trần Hoàn nhắc lại nội dung ý kiến anh vừa trả lời một nhà báo. Theo anh, Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn đạt được những chữ T: thứ nhất là có Tầm, rồi có Tình, có Tài, có Thực tiễn và Trung thực. Tôi để ý rất nhiều thính giả gật gù tán thưởng cách đúc kết gọn ghẽ, khéo léo và chính xác của diễn giả.

Riêng tôi, xin noi theo một đức tính của Hoàng Phủ Ngọc Tường mà anh Trần Hoàn vừa biểu dương là dám nói thẳng những ý kiến của mình với lãnh đạo, dù nó thuộc một kênh khác. Ý kiến khác của tôi trong trường hợp này (xin được nói theo kiểu tiết mục Chiếc nón kỳ diệu trên truyền hình, như là một tiết mục bổ sung cho buổi giao lưu thêm vui vẻ) đó là còn thiếu một chữ T nữa! Thiếu tên Tường trong danh sách các nhà văn được Nhà nước tặng các giải thưởng cao quý vừa qua. (lúc đó trong kỳ trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật chưa có tên Hoàng Phủ Ngọc Tường. Năm 2007 ông mới được tặng Giải thưởng cao quý này).

Nhà thơ Ngô Minh thì trong bài phát biểu vừa đọc, anh đã viết rằng: Việc in tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường một cách đặc biệt sang trọng cùng việc tổ chức giao lưu với Hoàng Phủ Ngọc Tường rất thành công ngay giữa ngày hội Festival náo nhiệt này đã là giải thưởng lớn cho Hoàng Phủ Ngọc Tường! Suy cho cùng thì đó không chỉ là giải thưởng cho riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Những ai còn sống với nghiệp văn, còn yêu văn chương hẳn đều cảm thấy mình như được chung phần. Bởi việc tôn vinh tài năng, tôn vinh vẻ đẹp văn chương chứng tỏ một xã hội có văn hóa. May mắn là chúng tôi đã được sống trong một bầu không khí như thế và hy vọng là xã hội ta sẽ tạo điều kiện nuôi dưỡng bầu không khí tốt lành ấy mãi mãi…

Nguyễn Khắc Phê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/nho-mot-ky-niem-voi-hoang-phu-ngoc-tuong/178724.htm