Nhớ lời tâm tình của vị tướng Giẻ Triêng

Ngày 24/12/2023, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe, hay còn gọi là A Đe - một người con ưu tú của núi rừng biên giới Kon Tum, vị tướng quân hàm xanh duy nhất người dân tộc Giẻ Triêng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, khóa XIII, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP đã từ trần. Cả cuộc đời theo cách mạng, mang trên vai màu quân hàm xanh, Thiếu tướng Đinh Hồng Đe mộc mạc và bình dị như tấm lòng của đồng bào Giẻ Triêng, kiên trung, một lòng theo cách mạng như nhân dân Tây Nguyên và tình thâm nghĩa trọng khi mang họ của người đồng đội đã cứu mình thoát chết... Người viết bài này xin được chia sẻ lại những lời tâm tình của ông lúc sinh thời để bạn đọc cùng hiểu thêm về vị tướng khiêm nhường này.

Thiếu tướng Đinh Hồng Đe. Ảnh: Đặng Đức Hải

Hồi đó, tôi đang ở nhà thì Huyện đội và các ngành chức năng gọi nhập ngũ. Do bố tôi ngày xưa tham gia kháng chiến chống Pháp rồi làm Chủ tịch xã nên đến khi tôi trưởng thành, bố không cho đi, nhưng tôi vẫn kiên quyết đi. Năm 1965, tôi đi bộ đội, tập trung ở huyện. Thấy tôi còn nhỏ, không đảm đương được công tác chiến đấu nên cấp trên phân công về làm công tác trại giam, quản tù binh. Năm 1965, giải phóng Ea Súp, nhiều tù binh lắm. Tôi làm lính gác trại giam được 2 tháng, thấy tôi nhỏ quá, với lại, súng các-bin hồi đó cũng ít nên anh Bình (cán bộ lãnh đạo quản lý trại giam) điều tôi về làm liên lạc.

Tháng 6/1967, trước khi chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, tôi nghe mọi người bảo: "Đi chiến đấu hay lắm", thế là tôi xung phong đi Kon Tum. Đến năm 1968-1969, tôi chiến đấu ở A25 của H5, sau đó, tôi được phân công ở khu vực chiến binh, được tham gia chiến dịch năm 1972. Năm 1972-1975, tôi vừa đi học, vừa trở về căn cứ.

Khi ở quân đội, tôi vẫn mang tên cúng cơm là A Đe, theo truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng, dù cán bộ trung đội, cán bộ đại đội hầu hết đều lấy họ theo Bác là họ Hồ. Trong đơn vị có một chỉ huy là anh Đinh Đen. Năm 1968, trên đường đi, tôi bị B52 đẩy xuống cái hầm dọc đường bộ đội ta đào. Tôi đeo súng K59, AK báng gấp, yếm bạc, đằng sau là ba lô to, tôi bị xô xuống trước, anh Đinh Đen nằm bên trên che chắn cho tôi, bị nát hết lưng. Thế là tôi cõng anh ấy về bệnh viện trạm 6 của tỉnh, lúc đó cứ nghĩ anh ấy sẽ hy sinh, nên tôi lấy họ Đinh để tưởng nhớ anh. Sau này, tôi hỏi thăm, thì biết anh ấy được đưa đi bệnh viện 73 và được cứu sống.

Tháng 12/1974, sau khi hoàn thành khóa học ở Quân khu 5, tôi được giao trách nhiệm là cán bộ đại đội, Chính trị viên Đại đội 1, An ninh vũ trang địa bàn Kon Tum. Hòa bình lập lại, Công an vũ trang của mình đã thành lập rồi, ở Kon Tum có các Đồn 701, 702, 677... Do tôi thích về công tác tại biên giới... nên dù đã có quyết định về Sở Công an, nhưng tôi xin cấp trên cho tôi về Công an vũ trang. Năm 1975-1978, 1979, tôi về Đồn 673, cùng anh em trong đồn lo ổn định nhân dân vùng giải phóng, diệt trừ FULRO và quản lý những đối tượng cầm súng đi theo giặc về tập trung cải tạo, giáo dục.

Thời gian này, tôi cũng có bị thương hai lần nữa, đặc biệt nhất là bị rắn cắn. Khi đi trinh sát đêm, biết là bị rắn cắn, nhưng không có nước để uống thuốc. Lúc đó, thuốc phát cho mỗi người một viên, nhưng đắng lắm. May có anh K’toa kéo tôi đến chỗ vũng trâu tắm, lấy tay vớt nước cho tôi uống thuốc. Đi tiếp được một đoạn là tôi gục luôn, các anh phải cõng về trạm xá của quân đội, nằm đó 2 ngày, khỏe rồi về lại đơn vị. Lần khác, là khi phối hợp với Tiểu đoàn của Thị đội và cánh lính trinh sát của Trung đoàn 406 vào trấn áp FULRO thì bị thương. Mà bị thương chỗ nào, choáng chỗ nào cũng không biết, cứ nằm sấp không gượng dậy nổi. May là có đồng chí bên cạnh, thấy anh em chạy rút rồi mà không thấy tôi chạy, lại tưởng là đã hy sinh nên chạy đến để lấy súng, thấy tôi còn sống, đồng chí đó xốc tôi lên lưng, rồi cùng rút lui an toàn.

Sau này, tình hình ổn định, năm 1984, tôi được điều về Đồn Đăk Blô làm Đồn trưởng. Lúc đó, tôi xác định, về Đồn Đăk Blô là về gần nhà rồi. Đến khi tỉnh Kon Tum và Gia Lai chia tách, tôi được điều về làm Phó Chỉ huy tỉnh này. Từ đó, tôi cố gắng làm tốt công việc của mình. Lúc ở đồn, còn trẻ, tôi ở gần nhà lắm, cách làng có 7 cây số. Đến tối thứ 7, Chủ nhật, về với vợ con làm rẫy, làm nương. Thời gian sau đó, tôi được tổ chức phân công lên làm Chỉ huy trưởng. Tôi làm hết trách nhiệm của mình, cùng với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy xây dựng đơn vị tốt lên.

Tới đầu năm 2004, tôi được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Phó Tư lệnh BĐBP, giao nhiệm vụ về ngoài Bắc mấy tháng, rồi trực ở Tây Nguyên. Đối với biên phòng cả nước nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, mỗi địa bàn, mỗi đoạn biên giới có đặc điểm khác nhau. Đặc biệt, đối với các tỉnh Tây Nguyên, có hoạt động FULRO, các toán xâm nhập từ bên kia biên giới là trọng tâm. Từ đặc điểm đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh Tây Nguyên, Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh BĐBP thường xuyên chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tăng cường bám dân, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, sẵn sàng lực lượng khi có tình huống xảy ra, sẵn sàng chiến đấu, phía sau trọng tâm là phòng ngự.

Lúc đó, ở Tây Nguyên, tình hình nổi loạn, biểu tình của FULRO cũng vào đợt cuối. Tôi đang ở trên Đắk Glei thì anh em báo về, có tình hình bạo loạn ở Kon Tum. Thế là tôi kêu xe chạy lên, sáng sớm thì đến nơi. Bạo loạn chủ yếu ở khu vực thị xã, nhưng mình phải tham gia với các lực lượng giáo dục bà con các thôn, buôn biên giới. Nhiệm vụ của mình chủ yếu là bảo vệ biên giới, song cũng rất nặng nề, bởi vừa vận động, vừa ngăn chặn bà con vượt biên, cũng như ngăn chặn các thế lực phản động và các đối tượng xấu nhập cảnh vào Việt Nam kích động nhân dân. Bộ đội mình rất được dân tin, nên bà con các thôn, xã biên giới đều không tham gia FULRO, chỉ một số xã biên giới có cử người về tham gia biểu tình ở Kon Tum. Mình tổ chức động viên bà con về làng để sản xuất, lao động, làm ăn, không được tham gia tiếp tay cho kẻ xấu, vậy là bà con nghe BĐBP, tự động giải tán trở về nhà. Trong suốt cuộc đời, tôi luôn nghĩ, mình là một người lính, một chiến sĩ Biên phòng, vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, nên phải chiến đấu, công tác và cống hiến sao cho xứng đáng với sự tin yêu của đồng đội và đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Đặng Đức Hải (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Đinh Hồng Đe)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nho-loi-tam-tinh-cua-vi-tuong-gie-trieng-post470964.html