Nhịp sống bình yên nơi làng nghề gốm Gia Thủy

Không có những thanh âm ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống hối hả những ngày cuối năm, không khí làm việc tại làng gốm Gia Thủy (huyện Nho Quan) nhịp nhàng, lặng lẽ và bình yên nhưng lại chứa đựng biết bao tình cảm, tâm huyết mà những người làm nghề dành cho công việc họ gắn bó đã nhiều năm.

Người thợ gốm khéo léo, tỉ mỉ trong khâu tạo hình gốm.

Là người vốn đã gắn bó với làng nghề ngay từ khi còn nhỏ cho tới lúc trở thành một nghệ nhân, đến nay là chủ nhiệm Hợp tác xã gốm Gia Thủy, ông Trịnh Văn Dũng chia sẻ: Trải qua bao thăng trầm thời gian, biến cố lịch sử và biến động của thị trường, làng nghề gốm vẫn giữ được nét êm ả, yên bình, người làm nghề vẹn nguyên tinh thần làm việc tỉ mỉ, cần mẫn và lặng lẽ. Bởi vậy dù HTX có tới 60 thành viên, 8 nghệ nhân cùng làm việc trong một không gian nhưng hầu như ai làm việc của người nấy, mỗi người chịu trách nhiệm hoàn thành một công đoạn. Không khí làm việc tĩnh lặng nhưng không hề nhàm chán. Người thợ nào cũng tập trung cao độ và chăm chú vào phần việc của mình bởi làm gốm không hề đơn giản, nhất là với sản phẩm gốm Gia Thủy có những điều đặc biệt riêng.

Không giống như gốm ở bất cứ nơi nào khác, gốm Gia Thủy không có lớp men tráng bề mặt, cũng không trang trí nhiều màu sắc, hình thù. Chỉ đơn thuần là sản phẩm từ đất sét, mang màu nâu cháy đặc trưng. Sản phẩm làm từ đất, không tô vẽ, nhìn đơn giản nhưng mỗi sản phẩm đều là thành quả của sự lao động miệt mài và sự liên kết làm việc của một tập thể, thẫm đẫm mồ hôi, công sức của thợ làm nghề. Bởi làm ra một sản phẩm gốm có khi kéo dài cả tháng trời, chỉ riêng khâu hoàn thành đem đi nung cũng mất 3 ngày 3 đêm. Lúc này, sản phẩm sẽ hóa sành và rất cứng, có thể chịu lực, chịu mưa nắng thất thường và nhiệt độ khắc nghiệt.

Bà Nguyễn Thị Mai, nghệ nhân làng gốm, người đã gắn bó với công việc gần 40 năm cho biết: Bà làm gốm đã nhiều năm, từ bé đã bầu bạn với chiếc bàn xoay và những tảng đất sét, sau nối nghề cha mẹ vừa để lưu giữ nghề, vừa để kiếm sống. Công việc tuy vất vả và lấm lem bùn đất nhưng không làm thì thấy thiếu, không dứt ra được. "Mỗi khi ngồi vào chiếc bàn xoay, nó như cuốn tôi vào một thế giới khác, không gian như chỉ có một mình mình vậy, cứ luôn tay, làm hết giờ này đến giờ khác, có khi ngẩng đầu lên thì trời đã tối. Chị em làm việc ngồi cạnh nhau cả ngày chỉ nói dăm ba câu, còn ai nấy thả hồn vào tác phẩm, yên tĩnh lắm." - Bà Mai chia sẻ.

Sản phẩm gốm được phơi khô và chờ đến công đoạn nung.

Ông Dũng nói vui, khách vào tham quan và mua hàng cũng thắc mắc tại sao một làng nghề mà yên tĩnh như "ế khách". Vì sự tĩnh lặng này mà mỗi ngày dù HTX tiếp đến vài chục khách, từ khách buôn, khách lẻ, khách lạ, khách quen, ở gần hay xa thì ai ai đến cũng tự ngầm hiểu "đi nhẹ nói khẽ", mua hàng rất văn minh. "Chúng tôi cũng không phải quảng cáo nhiều về sản phẩm, chất lượng tốt nên khách truyền tai nhau, người tự tìm đến mua tận nơi, lặng lẽ vào chọn hàng, ưng ý là sẽ có người vận chuyển đi luôn. Người làm gốm bận quanh năm, bởi mỗi ngày HTX xuất đi khoảng 2.000 đơn hàng, từ những sản phẩm nhỏ như đĩa chén, bình hoa đến những chiếc chum vại lớn dung tích 400 lít. Tuy nhiên người thợ không vì sự bận rộn, hối hả của công việc mà bớt đi sự tỉ mỉ, kiên trì." Ông Dũng chia sẻ thêm.

Chị Đinh Thị Yến, thôn Mỹ Thịnh, xã Gia Thủy (huyện Nho Quan) đã gắn bó với công việc làm gốm 5 năm. Chị cho biết: công việc vừa đem lại cho gia đình chị mức thu nhập ổn định vừa tạo môi trường làm việc thoải mái, không áp lực, không xô bồ. Mỗi ngày làm việc, xưởng không áp định mức sản lượng với nhân công nhưng ai cũng tự giác và miệt mài không ngơi tay. "Chỉ đơn giản chúng tôi làm việc bằng cái tâm cùng với một vốn kinh nghiệm dày dặn mà thôi." Chị Yến nói. Có người đã gắn bó với công việc hơn nửa đời người, có người theo đuổi đã vài năm, nghề đã nuôi sống cha mẹ họ, nuôi sống chính họ và tương lai là con cháu sau này.

Yên bình, sung túc là nhịp sống được giữ bền vững suốt thời gian qua ở làng nghề gốm Gia Thủy, đem lại sự ấm no cho hàng trăm người trong vùng. Trải qua bao thăng trầm, làng gốm Gia Thủy tồn tại và phát triển tại vùng đất Nho Quan đã hơn 50 năm, là một trong những làng nghề truyền thống được công nhận của tỉnh. Những người thợ lành nghề, không chỉ vì sinh kế, mà còn là tình yêu và đam mê gắn bó với nghề, tiếp nối truyền thống cha ông để lại, cốt để đưa những sản phẩm lưu giữ được hồn của đất, cùng giá trị văn hóa đến gần hơn với mọi người.

Bài, ảnh: Lan Anh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhip-song-binh-yen-noi-lang-nghe-gom-gia-thuy/d2022121408124344.htm