Nhịp phố xuân hoa

'Chợ hoa xuân' được hình thành tự nhiên mỗi năm một phiên trên phố Hàng Lược như một tiền lệ thân thương với mọi người dân Hà Nội. Năm nay, những quán bán hoa được rục rịch chuẩn bị từ trước rằm tháng Chạp với niềm háo hức đón xuân Giáp Thìn.

Nắng và gió ấm tràn về từ sông Hồng cất lời báo hiệu sự chuyển giao mùa đã tới. Hai dãy đèn lồng trên phố bắt đầu bật sáng lung linh. Hàng chục xe hoa đào và quất dồn về ngã năm phố Hàng Lược. Biết bao ký ức hoài mong về con phố được ví là dòng sông hoa tràn về trong tôi.

Kỳ thú trên dòng sông phố

Mỗi khi đi qua phố Hàng Lược là tôi lại nhớ đến ông hát xẩm mù ngày nào. Tiếng nhị và tiếng phách nhí nhảnh theo giọng đồng dao: "Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Đồng/ Sông Tô bỗng rẽ em không nhớ đường/ Hàng Bông, Ngõ Trạm, Tạm Thương/ Thuyền anh lạc bến tới phường Cửa Đông".

Bởi lẽ, phố Hàng Lược chính là dòng sông Tô Lịch chảy từ Chợ Gạo rẽ ngược về phía Quán Thánh. Có thời Hàng Lược còn được đặt tên "Phố Sông Tô" là vì thế. Hàng Lược dài 264 mét nhưng bị ngắt làm hai khúc tại ngã tư Hàng Khoai và Hàng Rươi. Đoạn trên từ ngã tư Hàng Cót và Phố Gầm Cầu thuộc thôn Phủ Từ xưa. Phần còn lại tới ngã tư Hàng Mã, Chả Cá là thôn Vĩnh Trù. Những dấu mốc của hai thôn còn được lưu tại đền Phủ Từ (số nhà 19) và chùa Vĩnh Trù (số nhà 59).

Không gian chợ hoa Tết Hàng Lược xưa - một ký ức không thể mờ phai của Tết Hà Nội.

Trước thời Pháp thuộc, đoạn phố trên (thôn Phủ Từ) có hàng chục cửa hàng bán lược. Nào lược sừng của làng Thụy Ứng, từ Thường Tín đưa lên. Bên cạnh còn làng lược bí của kẻ chợ Hoàng Trạch tới. Rồi món lược gỗ quen thuộc vùng Nhị Khê cũng đông khách tìm mua. Các làng này chỉ mở được cửa hàng dãy phố trên hai bờ sông Tô vì diện tích hạn hẹp. Tuy thế các thương hồ khắp nơi hay chất hàng lược đưa về các làng quê xa bán buôn. Phố được đặt tên Hàng Lược từ đó. Khi người Pháp cho lấp sông Tô (1888) để xây phố lớn, những hàng bán lược dọn về chợ Đồng Xuân. Chính vì thế Hội đồng thành phố mới đổi lại tên là phố Sông Tô Lịch (1901). Mãi tới nửa thế kỷ sau cái tên Hàng Lược mới được lấy lại, ghi dấu ấn của thời kẻ chợ Thăng Long. Nay những cửa hàng lược mất hẳn dấu tích.

Vì là phố kế bên chợ Đồng Xuân nên Hàng Lược có một số cơ sở hoạt động xã hội được hình thành khá thú vị. Đầu tiên phải kể đến Thánh đường hồi giáo (gọi là chùa Ấn Độ) ở số nhà 12. Thánh đường này được xây dựng từ năm 1890 là một dấu tích văn hóa với kiến trúc đậm chất Ả Rập. Sau này trên phố Hàng Lược còn có nhà hộ sinh khá lớn. Có thể nói nhiều thế hệ sinh sống quanh vùng đều chào đời ở đây. Rồi phố còn có các cửa hàng kẻ biển quảng cáo, hàng mã, sửa radio và may đo quần áo nữa.

Lại nữa, riêng chùa Vĩnh Trù một thời còn được gọi là chùa nghệ sĩ vì có gia đình nghệ sĩ cải lương Kim Chung tới ở vào quãng năm 1947. Sau đó vợ chồng nghệ sĩ Túy Liễu cùng một số ca nương cũng dọn tới chùa. Đặc biệt nhạc sĩ Canh Thân (1920-1970) một thời loạn lạc trước khi vào Nam cũng trú ngụ tại đây.

Ngày đó ai cũng biết nhạc sĩ Canh Thân nổi tiếng với bài hát "Cô Hàng cà phê" sáng tác từ chiến khu 3 trên đất Kim Bảng, Hà Nam. Bài hát kể một chuyện tình với cô gái bán cà phê (tên Thanh Hương) tại chợ Dầu mà nhạc sĩ Canh Thân si mê đắm đuối. Người yêu âm nhạc Hà thành rất mê giọng hát của tài tử Ngọc Bảo trình diễn bài "Cô hàng cà phê". Giọng hát ông dí dỏm và duyên dáng: "Lơ thơ tơ liễu buông mành. Cho hay cái sắc khuynh thành. Làm cho bao chàng chết mê mệt. Đi đâu cũng ghé qua hàng. Mong trông thấy bóng cô nàng. Thì trong lòng chàng mới yên". Cô hàng cà phê này còn là nguồn cơn sáng tác bài hát "Tình nghệ sĩ" của Đoàn Chuẩn nữa.

Phiên chợ phố hoa xuân

Hàng Lược mang nét duyên phố thị đỏm dáng của kẻ chợ Thăng Long cổ kính. Đầu phố hay cuối phố, hoặc giữa phố đều là những ngã tư và ngã năm đi về mọi ngả. Không phải bỗng dưng những người trồng hoa lại chọn nơi này họp phiên chợ xuân hàng năm. "Chợ hoa Hàng Lược" kéo dài từ rằm tháng Chạp tới tối Ba mươi đón giao thừa.

Theo các cụ kể lại chợ hoa Tết này được khởi động từ năm 1912 trên nửa con phố chuyên bán lược trước kia. Không gian ngã năm đầu phố dưới cầu chui đường sắt khá rộng tạo nên quảng trường hoa khá đông đúc. Nơi đây cũng tiện đường cho người trồng hoa từ Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng Bá chở hoa từ Bưởi về hội tụ.

Hàng trăm người bán cành đào và cây thế bày dọc phố kéo tới ngã tư Hàng Rươi-Hàng Khoai và ngõ Hàng Chai. Khu đất rộng thành tụ điểm lý tưởng bày bán đào cành. Ta có thể hình dung đó là một dòng sông hoa đang bồng bềnh trên sóng Tô Lịch xưa. Ở nơi một thời luôn ám ảnh lòng người qua ca dao: "Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh/ Dừng chèo muốn tỏ tâm tình/ Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu".

Chợ hoa Tết truyền thống trên phố Hàng Lược cũng là nơi du xuân của người Hà Nội.

Một thời gian dài trên phố chỉ bán đào cành hoặc cây thế nhỏ. Còn hàng quất bày bán tại vườn hoa Hàng Đậu cách đó chừng 100m. Do vậy phố Hàng Lược được coi là một vườn đào đỏ rực cung đường tươi thắm. Sau đó nhiều loại hoa xuân khác cũng được bày bán trên hè phố. Nào thủy tiên, tulip, hoa hồng, hoa mai hay hoa lay ơn và các loại cúc… Riêng mai trắng luôn đồng hành cùng hoa đào trên phố Hàng Lược đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân Hà Nội. Mãi sau này phố chợ hoa tết có bán thêm mai vàng từ miền Nam đưa ra. Chợ kéo dài tới phố Hàng Mã nhưng quãng phố này chủ yếu là bán hoa lan và đồ cổ. Đồng thời có nhiều góc đường bán quất cảnh được trồng trong những bình gốm xinh xinh. Phố hoa xuân Hàng Lược trở nên phong phú nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu chơi tết của mọi người.

Phố hoa đào Hàng Lược là hình ảnh thân thương cho mọi người dân Thủ đô mỗi khi đi xa. Mỗi độ xuân về không ai có thể quên phố hoa tuổi thơ mình. Nhạc sĩ Nguyễn Cường, sống ở Hàng Bạc luôn gắn bó với dòng sông hoa này. Ông đã viết: "Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội/ Những phố phường tuổi thơ tôi vời vợi/ Phố Hàng Lược chợ hoa/ Phố Hàng Đào lụa tơ/ Đất Thăng Long người ơi!" (Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội).

Cố thi sĩ Việt Phương cũng gắn bó với chợ hoa mỗi khi xuân về. Những câu thơ ông chan chứa nỗi xúc động với người trồng hoa: "Đất được mùa hoa ta mùa đời/ Mỗi lòng thơm tỏa một hương vui/ Như người gieo hạt yêu quả chín/ Đi suốt đường hoa chỉ nhớ người". Nhà thơ Thái Thăng Long, người con của đất Hà thành cũng luôn nhớ về những con phố: "Hàng Nâu/ Rồi sang Hàng Lược/ Lược chải tóc em ngày xưa/ Áo trắng tóc dài trên phố" (Ba mươi sáu phố phường). Lại nhớ tới ông xẩm mù kia cứ ngất ngưởng ca rằng: "Chén tình là chén say sưa/ Nón tình em đội nắng mưa dãi dầu/ Lược tình em chải trên đầu/ Gương tình soi mặt làu làu sáng trong".

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm

Phố Hàng Lược còn nổi tiếng bởi dấu ấn "Ngôi nhà nghệ sĩ" được ghi nhận như một nét văn hóa khi một số gia đình dọn tới chùa Vĩnh Trù. Mãi tới năm 2010, nhà nước mới di dời được số hộ còn sinh sống tại đây. Từ đó chùa được trả lại nguyên vẹn không gian thờ tự của mình. Nhưng ký ức không thể nào quên ở đây chính là tấm bia kỷ niệm các liệt sĩ đã hy sinh vào hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược Hà Nội vào năm 1946.

Chùa Vĩnh Trù đã trở thành trụ sở chỉ huy chiến đấu và trạm cứu thương của tiểu đoàn 101 thuộc mặt trận Liên khu I. Một không khí hào hùng sục sôi ngày ấy đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi miêu tả trong bản hùng ca: "Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu! Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi. Hà Nội cháy, khói lửa ngợp trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên..." (Người Hà Nội).

Đó là cuộc chiến đấu "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của các chiến sĩ phố Hàng Lược. Nghệ thuật kiến trúc độc đáo của chùa Vĩnh Trù còn được tô điểm thêm những biểu tượng hào hùng của các chiến sĩ Thủ đô. Năm 1994, chùa đã được xếp hạng "Di tích lịch sử, nghệ thuật quốc gia". Phố Hàng Lược như một biên niên sử về những đổi thay từng ngày, từng mùa trong vườn hoa ngày xuân.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhip-pho-xuan-hoa-i722083/