Nhịp đập năng lượng ngày 8/10/2023

Sản lượng OPEC+ tăng mạnh nhất 2 năm qua; Nga bắt đầu cung cấp khí đốt cho Uzbekistan thông qua Kazakhstan; Indonesia chi 'khủng' cho chuyển dịch năng lượng… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 8/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Sản lượng OPEC+ tăng mạnh nhất 2 năm qua

Theo ước tính của Argus, sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (gọi chung là OPEC+) đã tăng 580.000 thùng/ngày lên 41,31 triệu thùng/ngày trong tháng 9, đánh dấu mức tăng sản lượng hàng tháng lớn nhất trong 2 năm của liên minh.

Nhóm 13 thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 410.000 thùng/ngày trong tháng 9, trong khi 9 thành viên ngoài OPEC đã tăng sản lượng thêm 170.000 thùng/ngày.

Mức tăng này đã đưa 19 thành viên OPEC+ đến gần hơn với cam kết sản lượng chung 36,92 triệu thùng/ngày của họ. Nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu khoảng 770.000 thùng/ngày, phần lớn là do các thành viên tại châu Phi trong nhóm cùng với Azerbaijan và Malaysia có sản lượng thấp.

Nga bắt đầu cung cấp khí đốt cho Uzbekistan thông qua Kazakhstan

Nga ngày 7/10 đã bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên cho Uzbekistan thông qua Kazakhstan, đánh dấu sự kiện này bằng các buổi lễ ở Moscow và một vài nơi khác với sự tham dự của tổng thống ba nước, Reuters đưa tin.

Theo thỏa thuận kéo dài 2 năm được ký với tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, Uzbekistan sẽ nhập khẩu 9 triệu m3 khí đốt tự nhiên của Nga mỗi ngày.

Đây là lần đầu tiên Uzbekistan, một nước vừa khai thác và xuất khẩu, nhập khẩu khí đốt từ Nga. Khối lượng hàng ngày tương ứng với khoảng 2,8 tỷ m3/năm, sẽ được sử dụng để bù đắp tình trạng thiếu hụt trong mùa lạnh.

EU xem xét điều tra chống trợ cấp turbine gió của Trung Quốc

Didier Reynders, Cao ủy tạm quyền phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng turbine gió nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể đe dọa các doanh nghiệp châu Âu.

“Trong lĩnh vực năng lượng gió, có những linh kiện mà doanh nghiệp châu Âu có thể cạnh tranh với các đối thủ ở Trung Quốc. Nhưng nếu có khả năng chính phủ Trung Quốc trợ cấp quá nhiều cho lĩnh vực này, chúng tôi có thể mở một cuộc điều tra theo cách tương tự xe điện”, ông Reynders nói với kênh truyền hình BFM TV của Pháp hôm 6/10.

Ba quan chức EU nói với Financial Times rằng cuộc điều tra chống trợ cấp đối với turbine gió của Trung Quốc có thể diễn ra trong tháng này như một phần của các đề xuất rộng lớn hơn nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió của châu Âu.

Indonesia chi “khủng” cho chuyển dịch năng lượng

Vào ngày 7/10, một quan chức tiết lộ: Indonesia sẽ khởi động kế hoạch đầu tư chuyển dịch năng lượng trị giá 20 tỷ USD vào tháng tới. Nỗ lực này cho thấy Jakarta đang cố gắng giải quyết vấn đề tài trợ và tái cơ cấu năng lượng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên Hợp Quốc.

Ban đầu, Indonesia đã dự định sẽ khởi động dự án Just Energy Transition Partnership (JETP - Quan hệ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng) vào giữa tháng 8, nhưng dự định đã bị trì hoãn vì nhiều vấn đề khác nhau, từ sự bất đồng về điều khoản tài trợ cho đến tình trạng lệ thuộc vào nhiệt điện than tại Indonesia.

Giờ đây, theo ông Paul Butarbutar - Phó thư ký văn phòng JETP, mục tiêu mới của Indonesia là công khai những kế hoạch trong khuôn khổ JETP và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân từ ngày 1/11 và cho kế hoạch ra mắt chính thức vào ngày 20/11.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-8102023-696104.html