Nhịp đập năng lượng ngày 27/8/2023

BRICS mở rộng sẽ chiếm 44% trữ lượng dầu toàn cầu; BP kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào dầu khí; Citigroup nhận định OPEC có thể phải cắt giảm thêm sản lượng… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 27/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

BRICS mở rộng sẽ chiếm 44% trữ lượng dầu toàn cầu

Với việc 6 quốc gia thành viên mới gia nhập vào năm 2024 - Argentina, Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi và Ethiopia - vừa được công bố, nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) sẽ chiếm 44,35% tổng trữ lượng dầu toàn cầu, theo tính toán của TASS dựa trên số liệu chính thức, vượt qua các quốc gia G7 (Mỹ, Anh, Đức, Ý, Canada, Pháp, Nhật Bản) chỉ chiếm 3,9% thị phần.

Đáng chú ý, nhà kinh tế người Ireland Philip Pilkington cho biết trong một bài báo trên cổng thông tin UnHerd của Anh rằng, Mỹ sẽ mất sức ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu sau khi BRICS mở rộng với các thành viên mới. "Việc tham gia của Ả Rập Saudi và UAE cũng vô cùng quan trọng. Hoa Kỳ từng dựa vào các quốc gia quân chủ vùng Vịnh, đặc biệt là Ả Rập Saudi, để kiểm soát giá dầu. Với việc họ gia nhập Brics, có vẻ như Mỹ đã mất lợi thế trong việc kiểm soát giá dầu trong tương lai gần", chuyên gia nhận định.

Theo Pilkington, kết quả của hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg cũng có thể coi là ý nghĩa vì nó tượng trưng cho sự chấm dứt tình trạng cô lập kinh tế của Iran. Ông nói thêm: “Đất nước này là nhà sản xuất dầu đứng thứ 8 trên thế giới và sở hữu trữ lượng dầu lớn thứ 3, đây là một sự phát triển đáng kể về kinh tế và địa chính trị”.

BP kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào dầu khí

Theo gã dầu mỏ khổng lồ BP, giá khí đốt toàn cầu đã tăng gấp 7 lần do 3% nguồn cung khí đốt toàn cầu bị ảnh hưởng sau cuộc chiến của Nga và Ukraine, buộc các nước phải chi nhiều hơn vào năng lượng và phải chuyển sang sử dụng than đá. Do vậy BP cho biết thế giới cần đầu tư vào sản xuất dầu khí để tránh tình trạng giá tăng đột biến, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

Giám đốc điều hành của BP tại New Delhi, nói tại Hội nghị B20 rằng: "Chúng ta cần làm 2 việc: đầu tư có trách nhiệm vào hệ thống năng lượng hiện tại, đồng thời đầu tư vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng". Quá trình chuyển đổi năng lượng phải diễn ra theo đúng quy trình để duy trì tốc độ, vì mức phát thải đã tăng lên kể từ Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, bất chấp những nỗ lực toàn cầu, ông cho biết thêm.

Ông Looney cho biết BP sẽ đầu tư 40% vốn vào các dự án chuyển đổi năng lượng vào giữa thập niên và 50% vào cuối thập niên này. "Chúng tôi sẽ đầu tư 55-65 tỷ USD vào các mục tiêu tăng trưởng trong quá trình chuyển đổi năng lượng", ông nói.

Citigroup nhận định OPEC có thể phải cắt giảm thêm sản lượng

Citigroup Inc nhận định các thành viên chủ chốt của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể cần phải xem xét cắt giảm sản lượng hơn nữa vì một số quốc gia gặp khó khăn nhất của nhóm đạt được mức tăng trưởng sản lượng bất ngờ.

Theo ông Ed Morse, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Citigroup, 5 quốc gia gồm Iran, Iraq, Libya, Nigeria và Venezuela đều đang có những dấu hiệu tích cực về sự phục hồi nguồn cung, ước tính sẽ bổ sung thêm khoảng 900.000 thùng/ngày vào sản lượng năm 2023 và ít nhất là như vậy vào năm 2024, trong khi tăng trưởng nhu cầu dầu sẽ bị hạn chế do sự mở rộng ở Trung Quốc đang giảm dần.

Do đó, lãnh đạo OPEC là Ả Rập Xê-út và các đồng minh vùng Vịnh Ba Tư - vốn đã cắt giảm sản lượng trong năm nay để hỗ trợ giá dầu thô - có thể phải đối mặt với áp lực cắt giảm sản lượng hơn nữa. Vương quốc này đã hạn chế nguồn cung xuống mức thấp nhất trong2 năm là gần 9 triệu thùng/ngày. “Đó sẽ là một vấn đề lớn”, “Tôi nghĩ họ sẽ phải cắt giảm và tôi không biết họ có thể làm điều đó dễ dàng được không”, ông Ed Morse nói.

Iran tiếp tục quá trình làm giàu urani đã được Quốc hội thông qua

Trả lời phỏng vấn về thông tin Iran đã giảm tốc độ làm giàu urani cấp độ tinh khiết 60%, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Iran, Mohammad Eslami, ngày 27/8 khẳng định quốc gia này vẫn đang tiếp tục tiến trình làm giàu urani, dựa trên khuôn khổ pháp luật chiến lược đã được Quốc hội thông qua.

Tờ Wall Street Journal đầu tháng này đưa tin Iran đã làm chậm lại đáng kể tiến độ làm giàu urani 60% - mức rất gần với khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời cắt giảm một phần dự trữ. Các động thái này có thể giúp Iran hạ nhiệt căng thẳng với Mỹ để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân.

Năm 2020, Quốc hội Iran thông qua đạo luật yêu cầu Chính phủ thực hiện các biện pháp như tăng cường làm giàu urani vượt quá giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân 2015 nếu các bên còn lại không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận. Trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân, Iran chỉ có thể làm giàu urani ở mức 3,67%. Tuy nhiên, năm 2021, nước này quyết định nâng mức làm giàu urani đến độ tinh khiết 60%.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2782023-692739.html