Nhịp đập năng lượng ngày 2/12/2023

Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn Equinor đầu tư điện gió ngoài khơi ở Việt Nam; 2 dự án 500kV cấp điện cho miền Bắc được chấp thuận đầu tư; Hơn 110 quốc gia ủng hộ cam kết tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo vào năm 2030… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 2/12/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn Equinor đầu tư điện gió ngoài khơi ở Việt Nam

Sáng 2/12, giờ địa phương, tại Dubai - UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo tập đoàn Equinor (Na Uy), tập đoàn International Holdings Company-IHC (UAE).

Lãnh đạo Tập đoàn Equinor cho biết đã mở văn phòng tại Hà Nội và mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh.

Thủ tướng hoan nghênh và đề nghị tập đoàn tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án đã có, hợp tác tốt với Petrovietnam và các cơ quan liên quan trong khảo sát, triển khai các dự án nguồn, truyền tải năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

"Tinh thần là hành động quyết liệt, nhanh chóng, hiệu quả bởi thời gian ngắn nhưng yêu cầu rất cấp bách", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết, Việt Nam sẽ tạo thuận lợi nhất và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

2 dự án 500kV cấp điện cho miền Bắc được chấp thuận đầu tư

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký các quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư 2 dự án truyền tải điện đường dây 500 kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Đây là 2 dự án thành phần thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) được giao đầu tư 2 dự án. Tiến độ thực hiện các dự án từ 2023-2025, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2024.

Trong đó, dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu có chiều dài khoảng 225,5km với điểm đầu là sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) và điểm cuối là vị trí D1 nằm cách TBA 500kV Quỳnh Lưu (Nghệ An) khoảng 300m. Dự án đi qua các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An; có tổng vốn đầu tư khoảng 10.110 tỷ đồng. Dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có chiều dài khoảng 91,8km với điểm đầu là điểm D2 cách TBA 500kV Quỳnh Lưu (Nghệ An) khoảng 300m và điểm cuối là TBA 500kV Thanh Hóa. Dự án đi qua 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa; có tổng vốn đầu tư khoảng 4.116,027 tỷ đồng.

Cả hai dự án có mục tiêu nhằm tăng cường năng lực truyền tải cho các đường dây 500kV hiện hữu để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, đặc biệt khi xu hướng công suất truyền tải cao theo hướng Trung - Bắc do phụ tải khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng cao…

Hơn 110 quốc gia ủng hộ cam kết tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo vào năm 2030

Cam kết tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo trên thế giới vào năm 2030 đang giành được sự ủng hộ từ hơn 110 quốc gia tại Hội nghị Thượng đỉnh Các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28). Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết, hơn 110 quốc gia đã tham gia sáng kiến. Liên minh châu Âu kêu gọi đưa những mục tiêu này vào quyết định cuối cùng của COP28.

Việc đưa thỏa thuận này vào quyết định cuối cùng của COP28 đòi hỏi sự đồng thuận của gần 200 quốc gia tham dự. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đã phát tín hiệu ủng hộ việc tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, nhưng cả hai đều chưa xác nhận.

Dự thảo về cam kết năng lượng tái tạo kêu gọi "giảm dần nguồn năng lượng than không suy giảm" và chấm dứt cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới. Theo một phân tích của tổ chức nghiên cứu Ember, việc tăng gấp 3 nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời, đồng thời tăng gấp đôi mức tiết kiệm năng lượng sẽ giúp cắt giảm 85% mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch cần thiết trong thập niên này để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu toàn cầu.

Một thành viên OPEC nhất quyết không tuân theo ngạch sản lượng dầu mới

Angola từ chối hạn ngạch sản lượng dầu mới do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trao cho họ và cho biết họ không tuân theo hạn ngạch đó, một thách thức hiếm hoi mà tổ chức này phải đối mặt và báo trước nhiều cuộc đấu đá nội bộ hơn ở phía trước, Bloomberg đưa tin.

“Chúng tôi sẽ khai thác trên hạn ngạch do OPEC đưa ra”, Đại diện của Angola tại OPEC, ông Estevao Pedro, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 1/12. “Đây không phải là vấn đề không tuân theo OPEC; chúng tôi đã trình bày quan điểm của mình và OPEC nên xem xét điều đó,” ông nói. Ông Pedro cho biết Angola, nhà khai thác dầu thô lớn thứ hai châu Phi, sẽ bơm 1,18 triệu thùng/ngày từ tháng 1, cao hơn hạn ngạch 1,11 triệu thùng được đặt ra trong thỏa thuận OPEC ngày 30/11.

Tranh cãi về hạn ngạch của các thành viên châu Phi đã trì hoãn cuộc họp mới nhất của OPEC tới 4 ngày và quyết định cuối cùng đã được đưa ra vào ngày 30/11. Mặc dù đã xem xét lại, Angola vẫn được trao một hạn ngạch mà họ cho là không công bằng.

Mỹ đặt mục tiêu giảm một nửa doanh thu năng lượng của Nga vào năm 2030

Một nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết Washington đang đặt mục tiêu giảm một nửa doanh thu từ dầu khí của Nga vào cuối thập niên này, đồng thời lập luận rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow sẽ cần được duy trì “trong nhiều năm tới”.

Theo đó, ông Geoffrey Pyatt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về tài nguyên năng lượng, nói với Financial Times rằng việc hạn chế nguồn thu của Nga nhằm mục đích làm dịu đi chiến sự ở Ukraine. Ông Pyatt, người trước đây từng giữ chức đại sứ Mỹ tại Ukraine và Hy Lạp, cho biết: “Đây là điều mà chúng tôi sẽ phải tuân thủ trong nhiều năm tới”.

Nga tiếp tục xuất khẩu khối lượng lớn dầu kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo xuất khẩu dầu khí của nước này có thể giảm ít nhất 40-50% vào năm 2030 nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây về ngành năng lượng của Nga vẫn được duy trì.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2122023-700872.html