Nhịp đập năng lượng ngày 18/12/2023

Giá dầu khó có thể đạt 100 USD vào năm 2024; Iraq nỗ lực nối lại dòng dầu từ Kurdistan; Tồn kho khí đốt của Mỹ lần đầu đạt đỉnh… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 18/12/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Giá dầu khó có thể đạt 100 USD vào năm 2024

Các nhà phân tích cho biết sản lượng dầu ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) tăng vọt và không gian lưu trữ đáng kể do nhóm OPEC+ nắm giữ sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá dầu thô trong năm tới.

Theo đó, giá dầu khó có thể đạt 100 USD/thùng vào năm 2024 do sản lượng và xuất khẩu dầu của Mỹ đang tăng nhanh hơn và cao hơn dự kiến, đồng thời tâm lý thị trường về nhu cầu lại ảm đạm đặc biệt là trong nửa đầu năm 2024.

ING nhận thấy giá dầu thô Brent giao dịch ở mức thấp 80 USD vào đầu năm tới, đồng thời dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 91 USD/thùng trong nửa cuối năm 2024, khi thị trường quay trở lại tình trạng thâm hụt.

Max Layton, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu của Citigroup cho rằng nếu OPEC+ dỡ bỏ việc cắt giảm sau tháng 3/2024, giá dầu có thể giảm 30-50% nếu phần lớn công suất dự phòng được đưa vào sử dụng. Layton nói: "Họ có thể cân bằng thị trường này và giữ giá ở mức 70 đến 80 USD nếu tất cả cùng hợp tác".

Iraq nỗ lực nối lại dòng dầu từ Kurdistan

Chính phủ Iraq đang nghiên cứu cách thức để có thế xử lý vấn đề quá hạn thanh toán ước tính gần 1 tỷ USD, nhằm nỗ lực khởi động lại xuất khẩu dầu từ khu vực bán tự trị người Kurd. Hiệp hội Công nghiệp Dầu mỏ Kurdistan (APIKUR) cho biết, việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa đường ống dẫn dầu Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3, đã khiến Iraq, chính quyền Khu vực người Kurd (KRG) và các nhà khai thác dầu khác thiệt hại tổng cộng 7 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu.

Các thành viên của APIKUR sẽ không khởi động lại hoạt động xuất khẩu qua đường ống, cho đến khi "họ biết rõ ràng rằng họ sẽ được thanh toán như thế nào cho các quyền lợi theo hợp đồng đối với lượng dầu đã bán và giao để xuất khẩu, cũng như doanh số bán loại dầu đó để xuất khẩu trong tương lai", 1 trong 6 thành viên của APIKUR cho hay.

Về phần mình, Thủ tướng Iraq Shia al-Sudani mới đây cho biết: "Chúng tôi đang thảo luận về dự thảo sửa đổi điều khoản liên quan cùng với ủy ban tài chính quốc hội", đồng thời nói thêm rằng các công ty hoạt động ở Kurdistan đang chờ việc sửa đổi điều khoản này được thực hiện để có khả năng trang trải chi phí.

Tồn kho khí đốt của Mỹ lần đầu đạt đỉnh

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết Mỹ sẽ bước vào giai đoạn sưởi ấm mùa đông với lượng khí đốt tự nhiên tồn kho cao nhất kể từ năm 2020. Giai đoạn sưởi ấm mùa đông kéo dài từ ngày 1/11 đến ngày 30/3.

Báo cáo lưu trữ khí đốt tự nhiên hàng tuần do EIA công bố vào ngày 16/11 cho thấy, lượng khí đốt tự nhiên được lưu trữ tại 48 tiểu bang của Mỹ là 3,776 tỷ ft3 sau khi ngừng bơm. EIA cho biết: “Ngoài ra, trong giai đoạn sưởi ấm mùa đông năm nay, tồn kho khí đốt tự nhiên của Mỹ cao hơn 5% so với mức bình quân của 5 năm trước đó (2018-2022) và cao hơn 7% so với ngày 31/10/2022”.

Theo EIA, nhu cầu tiêu thụ yếu trong mùa sưởi ấm năm trước giúp Mỹ có tồn kho khí đốt cao trong năm nay. Mỹ đã bổ sung ròng tổng cộng 1.953 tỷ ft3 trong mùa bơm khí, ít hơn khoảng 5% so với mức bình quân cần thiết của 5 năm qua và ít hơn 9% so với năm 2022.

Xuất khẩu dầu ESPO của Nga từ cảng Viễn Đông cao nhất mọi thời đại

Hãng thông tấn TASS dẫn thông báo của Gazprom nêu rõ: Ngày 16/12, lượng khí đốt qua đường ống Sức mạnh Siberia vượt quá nghĩa vụ hợp đồng hằng ngày. Việc cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh được thực hiện theo thỏa thuận mua bán khí đốt dài hạn song phương giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Trước đó, Gazprom cho biết, kể từ giữa tháng 11, tập đoàn này đã tăng đáng kể khối lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc theo thỏa thuận bổ sung mà hai bên đã ký trước đó.

Không chỉ khí đốt, dầu Nga cũng đang "lũ lượt" sang Trung Quốc. Công ty phân tích năng lượng Kpler cho biết, xuất khẩu dầu loại ESPO của Nga từ cảng Viễn Đông đạt mức cao nhất mọi thời đại, lên tới 925.000 thùng/ngày trong tháng 12/2023. Trong đó, 85% số thùng dầu được chuyển đến Trung Quốc.

Sản xuất điện gió ở Mỹ đang bắt kịp sản lượng nhiệt điện than

Theo dữ liệu của viện nghiên cứu Ember, nhiệt điện than vẫn là nguồn điện lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau nhiệt điện khí. Trong 10 tháng đầu năm 2023, nhiệt điện than có sản lượng cao hơn những 60% so với tổng sản lượng điện từ các nguồn gió.

Sản xuất điện gió đang tăng nhanh ở hầu hết các khu vực. Trong khi đó, các công ty điện lực đang giảm dần công suất nhiệt điện than. Do đó, tỷ trọng điện gió đang trên đà vượt qua nhiệt điện than trong cơ cấu sản xuất điện của Mỹ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chuyển dịch năng lượng của Mỹ.

Như vậy, trong thập niên này, mức sản xuất điện gió của Mỹ sẽ có thể vượt qua nhiệt điện than, giúp Mỹ đạt được những mục tiêu lớn trong quá trình chuyển dịch năng lượng.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-18122023-702058.html