Nhịp đập năng lượng ngày 16/8/2023

Huy động tối ưu nguồn thủy điện, bảo đảm kế hoạch cung cấp năng lượng; Sri Lanka cho phép công ty Trung Quốc phân phối xăng dầu; Kazakhstan hưởng lợi từ việc vận chuyển khí đốt của Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 16/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Huy động tối ưu nguồn thủy điện, bảo đảm kế hoạch cung cấp năng lượng

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) vừa thông tin về Kế hoạch cấp điện trong tuần, trong đó tập trung khai thác hợp lý các nguồn nhiệt điện, năng lượng tái tạo, cũng như huy động tối ưu các thủy điện, vừa đảm bảo mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo quy trình liên hồ.

Các nhà máy thủy điện trong tuần sẽ được khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 8/2023, đáp ứng ràng buộc lưới điện, nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo quy trình liên hồ.

Đối với các nhà máy nhiệt điện than và khí, dự kiến huy động theo nhu cầu hệ thống và sản lượng điện cam kết (nếu có), đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện và chất lượng điện áp. Về năng lượng tái tạo, huy động cao nhất có thể theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện. Tạo điều kiện cho các nhà máy điện mới thí nghiệm.

EVN yêu cầu bảo đảm vận hành nhiệt điện

Đó là một trong những chỉ đạo của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An tại hội nghị giữa EVN các nhà máy nhiệt điện than trong ngày 15/8 để đánh giá tình hình hoạt động, huy động công suất của các nhà máy nhiệt điện cho hệ thống điện quốc gia trong thời gian tới.

Hội nghị của EVN diễn ra trong bối cảnh hiện nay các nhà máy nhiệt điện vẫn còn nhiều sự cố. Trong khi đó theo dự báo của EVN, trong những năm tới, tình hình cung ứng điện còn gặp nhiều khó khăn. Qua rà soát, EVN yêu cầu các nhà máy nhiệt điện nghiêm túc rút kinh nghiệm, phân tích kỹ nguyên nhân gây sự cố, dừng, suy giảm công suất tổ máy; đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo vận hành các tổ máy.

EVN cũng sẽ mời đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước uy tín, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu về nhiệt điện than để tư vấn, hỗ trợ cho các nhà máy nhiệt điện trong quá trình vận hành.

Nga đàm phán với Nam Phi để xây dựng nhà máy điện khí

Sau cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Năng lượng Sergey Mochalnikov và Đại sứ Nam Phi tại Nga Mzuvukile Jeff Maqetuka tổ chức, Bộ Năng lượng Nga thông báo Nga và Nam Phi đang đàm phán về một số dự án chung trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có việc xây dựng một nhà máy điện khí tại quốc gia châu Phi này.

Hai bên đã thảo luận về nguồn cung cấp thiết bị và khả năng nguồn cung cấp LNG của Nga để vận hành hiệu quả nhà máy phát điện mới. Hai bên cũng thảo luận về thương mại dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ. Việc hợp tác của hai bên trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp của thiết bị dầu khí có thể trở thành một lĩnh vực mới đầy hứa hẹn.

Các bên đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than ở Nam Phi, hiện đang hoạt động với một nửa công suất khả dụng. "Các công ty Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc nâng cấp các nhà máy nhiệt điện than ở Nga và sẵn sàng hỗ trợ sửa chữa và cải tạo các cơ sở nhiệt điện than ở Nam Phi thông qua các thỏa thuận nhượng quyền có thể được bảo đảm ở cấp độ liên chính phủ", Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga cho biết.

Sri Lanka cho phép công ty Trung Quốc phân phối xăng dầu

Công ty dầu mỏ Trung Quốc Sinopec dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động tại Sri Lanka vào ngày 20/9 và được phép bán nhiên liệu với mức giá thấp hơn giá bán lẻ tối đa do chính phủ quy định, Bộ trưởng Điện lực Sri Lanka Kanchana Wijesekera ngày 15/8 cho biết. Theo thỏa thuận mới, Sinopec sẽ được cấp phép 20 năm để vận hành 150 trạm xăng và cũng có thể đầu tư vào 50 trạm xăng mới.

Ông Kanchana Wijesekera cho hay, việc Sinopec đến Sri Lanka sẽ giúp giảm bớt áp lực lên dự trữ ngoại hối của nước này và quốc đảo này dự kiến sẽ có thêm hai nhà khai thác nhiên liệu quốc tế bắt đầu hoạt động vào tháng 10, tháng 11. Giảm áp lực dự trữ ngoại hối thông qua sự gia nhập của Sinopec cũng sẽ giúp Sri Lanka tăng nhập khẩu nhiên liệu và củng cố nền kinh tế.

Công ty United Oil của Úc và công ty RM Parks của Mỹ, hợp tác với Shell, là hai công ty khác đã nhận được sự chấp thuận. Sự xuất hiện của những người chơi mới sẽ đặt dấu chấm hết cho sự độc quyền của Ceylon Petroleum Corp và Lanka IOC, một công ty con của Indian Oil Corp.

Kazakhstan hưởng lợi từ việc vận chuyển khí đốt của Nga

Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Almasadam Satkaliyev cho biết, doanh thu từ quá trình vận chuyển khí đốt của Nga đến Uzbekistan qua Kazakhstan sẽ được dùng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí đốt vào năm 2023.

"Còn quá sớm để đưa ra con số chính xác vì nó phụ thuộc vào khối lượng vận chuyển. Ngay sau khi ước tính vận chuyển dầu được xác nhận, chúng tôi sẽ biết QazaqGaz sẽ nhận được bao nhiêu", Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Almasadam Satkaliyev nói bên lề cuộc họp chính phủ ngày 15/8.

Gazprom của Nga và QazaqGaz của Kazakhstan đã ký hợp đồng vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga đến Uzbekistan vào tháng 6. Hiện Kazakhstan đang thảo luận để trung chuyển khối lượng khí đốt từ 1,5 đến 10 tỷ m3. “Khối lượng khí đốt sẽ được bơm phụ thuộc vào công suất hệ thống năng lượng của Uzbekistan và cam kết từ các đồng nghiệp Nga của chúng tôi”, ông Satkaliyev nói.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1682023-691908.html