Nhịp đập năng lượng ngày 15/10/2023

Mỹ công bố 7 trung tâm phát triển hydro; Gazprom xem xét kế hoạch xây dựng trung tâm khí đốt ở Iran; Bulgaria đánh thuế khí đốt của Nga… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 15/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Mỹ công bố 7 trung tâm phát triển hydro

Ngày 13/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố 7 bang sẽ trở thành các trung tâm hydro và sẽ nhận được khoản đầu tư lớn từ chính phủ liên bang, nhằm thúc đẩy nền kinh tế thông qua năng lượng xanh trước cuộc bầu cử năm 2024.

7 bang đã được chọn gồm: Tây Virginia, Texas, California và một trung tâm từ Minnesota đến Bắc và Nam Dakota để sản xuất tổng cộng gần ba triệu tấn hydro sạch mỗi năm, tương đương chiếm 1/3 mục tiêu sản xuất hydro của Mỹ vào năm 2030. 7 bang chiến thắng sẽ chia nhau 7 tỷ đô la phần lớn đến từ Dự luật cơ sở hạ tầng lớn được thông qua vào năm 2021.

Tổng thống Biden cam kết: "Điều này sẽ thu hút 40 tỷ đô la đầu tư tư nhân vào năng lượng hydro sạch, đề cập đến hơn 16 tiểu bang và hàng chục nghìn việc làm có mức lương cao trong đó có nhiều việc làm được công đoàn hỗ trợ". Khoản đầu tư sẽ tài trợ cho việc sản xuất hydro quy mô lớn, các đường ống để vận chuyển hydro và giúp các ngành công nghiệp và doanh nghiệp thích nghi với việc sử dụng nhiên liệu này.

Gazprom xem xét kế hoạch xây dựng trung tâm khí đốt ở Iran

Trả lời phỏng vấn RT Arabic, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết Gazprom sẽ nghiên cứu về khả năng phát triển một trung tâm khí đốt ở Iran, đồng thời cho biết thêm rằng Moscow sẽ tham gia vào dự án nếu có chiều hướng tốt.

"Tôi nghĩ rằng tập đoàn Gazprom sẽ tìm hiểu về kế hoạch này. Nếu đây thực sự là một dự án tốt và có tiềm năng, tất nhiên họ sẽ tham gia vào và bao gồm cả Nga. Nhưng dự án này vẫn cần được đánh giá và xem xét kỹ lưỡng", ông nói.

Các báo cáo trước đó cho biết, Iran với sự hợp tác của Nga, Qatar và Turkmenistan đã lên kế hoạch thành lập một trung tâm khí đốt tại khu công nghiệp Assaluyeh thuộc tỉnh Bushehr. Assaluyeh đóng vai trò là trung tâm dầu mỏ lớn nhất thế giới, với mỏ khí ngưng tụ North - South Pars nằm ở trung tâm Vịnh Ba Tư và thuộc vùng lãnh hải của Iran và Qatar. Tổng trữ lượng của mỏ ước tính khoảng 51 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên và 7,7 tỷ mét khối khí ngưng tụ. Trữ lượng có thể phục hồi ước tính khoảng 35,6 nghìn tỷ mét khối khí tự nhiên và 3 tỷ mét khối khí ngưng tụ.

Bulgaria đánh thuế khí đốt của Nga

Bulgaria tuyên bố đánh thuế đối với khí đốt vận chuyển trong đường ống của Nga đi qua lãnh thổ nước này vào Liên minh châu Âu (EU). Quyết định đánh thuế trên dựa theo một đạo luật được công bố trên trang web chính thức của quốc hội Bulgaria. Mặc dù Bulgaria không nhập khẩu để sử dụng nhưng lại là một trong các cửa ngõ để khí đốt Nga đi vào EU.

Theo RT, quy định mới được công bố hôm 13/10, có hiệu lực ngay lập tức và áp dụng mức thuế 20 lev Bulgaria (10,76 USD) cho mỗi megawatt giờ (tương đương khoảng 100 m3) khí đốt tự nhiên của Nga được vận chuyển qua đất nước này.

Khoản phí này chiếm khoảng 20% chi phí hiện tại của hợp đồng khí đốt tương lai tại trung tâm Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu (TTF) ở Hà Lan, tiêu chuẩn của châu Âu đối với mặt hàng này.

Tổng thống Putin bác bỏ cáo buộc Nga làm hỏng đường ống Biển Baltic

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Sáu (13/10) đã bác bỏ lời buộc tội rằng Nga đã làm hỏng đường ống dẫn khí đốt Balticconnector giữa Phần Lan và Estonia, đồng thời cho rằng những tuyên bố như vậy được đưa ra để chuyển hướng sự chú ý khỏi một cuộc tấn công của phương Tây vào Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream), Reuters đưa tin.

Thiệt hại đối với đường ống Balticconnector và cáp viễn thông đã được xác nhận hôm thứ Ba (10/10) sau khi công ty Gasgrid của Phần Lan, một trong hai nhà khai thác đường ống, ghi nhận áp suất giảm.

Tổng thống Putin cũng nói trên hãng thông tấn Nga TASS rằng lời buộc tội về việc Nga phá hủy đường ống Balticconnector là hoàn toàn vô lý. Ngoài ra, theo thông tin có được từ Gazprom, vị tổng thống nói rằng đường ống này không được bảo vệ chặt chẽ như North Stream. Vì vậy, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, ví dụ như vấn đề về công nghệ, đường ống bị phá vỡ bởi mỏ neo hay một trận động đất. Ông cũng khẳng định sẵn sàng đợi kết quả của cuộc điều tra từ các bên vì Nga không được tiếp cận thông tin về bất cứ cuộc điều tra nào.

Đại sứ Congo nhận định Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu

Bên lề diễn đàn “Tuần lễ Năng lượng Nga”, trong một cuộc phỏng vấn mới đây với RT, Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Congo tại Nga cho biết: Thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài, nhưng Moscow là nguồn cung cấp thông tin và công nghệ đáng tin cậy để giải quyết vấn đề. Theo ông Ngimbi, những lý do đằng sau cuộc khủng hoảng năng lượng “đã được nhiều người biết đến”.

Ông nói: “Một phần nhỏ của thế giới độc quyền mọi thứ và do đó khiến tất cả những nước khác phải chịu thiệt hại”, đề cập đến các nước phương Tây thống trị thị trường năng lượng và đặt điều kiện cho các dòng năng lượng. Tuy nhiên, cũng có “các chiến lược và dự án lớn” nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng và nhiều trong số đó đang bắt nguồn từ Nga, ông nói.

Đặc phái viên lưu ý rằng diễn đàn cũng mang đến những cơ hội kinh doanh độc đáo “để tạo ra cơ sở vật chất của riêng chúng ta trong tương lai”. Ông kết luận: “Chúng tôi thấy rằng các công nghệ mới đang được phát triển và chúng tôi muốn sử dụng chúng vì lợi ích của đất nước chúng tôi”.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-15102023-696653.html