Nhịp đập năng lượng ngày 12/8/2023

18 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phát điện thương mại lên lưới; IEA cảnh báo giá dầu có thể tăng cao; Đức gọi thầu cho loạt dự án điện gió ngoài khơi mới… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 12/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

18 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp phát điện thương mại lên lưới

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến ngày 11/8, có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 59/67 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW. Có 18 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.

22 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 38 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 6 dự án với tổng công suất 284,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

IEA cảnh báo giá dầu có thể tăng cao

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 11/8 cho biết quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) có thể làm hao hụt lượng dầu dự trữ trong thời gian còn lại của năm và đẩy giá dầu tăng cao hơn, trước khi những cơn gió ngược về kinh tế làm giảm tăng trưởng nhu cầu toàn cầu vào năm 2024.

Theo IEA, nếu các mục tiêu hiện tại của OPEC vẫn duy trì thì tồn kho dầu có thể giảm 2,2 triệu thùng/ngày (mbpd) trong quý III và 1,2 triệu thùng dầu/ngày trong quý IV, đồng thời có nguy cơ đẩy giá dầu lên cao. "Việc cắt giảm nguồn cung mạnh hơn của OPEC+ đã kết hợp cùng với việc cải thiện tâm lý kinh tế vĩ mô và nhu cầu dầu toàn cầu cao hơn", IEA cho hay.

Năm 2023, các dự báo của IEA và OPEC tương tự nhau hơn: IEA dự báo nhu cầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày vào năm 2023, do nhu cầu du lịch hàng không tăng mạnh, nhu cầu sử dụng dầu trong sản xuất điện năng ngày càng tăng cũng như do hoạt động hóa dầu của Trung Quốc đang gia tăng. Trong khi đó OPEC dự báo nhu cầu sẽ tăng thêm 2,44 triệu thùng/ngày.

Đức gọi thầu cho loạt dự án điện gió ngoài khơi mới

Qua một vòng gọi thầu, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức đã cấp giấy phép xây dựng nhiều trang trại gió, với tổng công suất 1.800 MW, tại 4 địa điểm khác nhau ngoài Biển Bắc. Tổng số tiền bỏ thầu là 784 triệu euro. Theo chính phủ, 90% số tiền này sẽ được chi vào việc giảm chi phí điện, còn 5% được chi vào công tác bảo vệ môi trường biển và kêu gọi đánh bắt cá thân thiện với môi trường.

Hợp đồng cho 2 địa điểm, với tổng công suất 900 MW, đã được trao cho tập đoàn năng lượng RWE (Đức). Do không có nhà thầu nào khác, RWE đã giành được hợp đồng mà không phải trả giá thầu. Tiếp theo, địa điểm thứ 3 cũng được trao cho RWE và tập đoàn năng lượng Vattenfall (Thụy Điển), vì Vattenfall được quyền tham gia bỏ thầu. Quyền hạn của tập đoàn Thụy Điển này sẽ có giá trị cho đến tháng 9/2023. Địa điểm thứ tư được trao cho công ty năng lượng Waterkant Energy GmbH (Đức).

Văn phòng Báo hiệu Hàng hải và Thủy văn Liên bang Đức (BSH) đã kiểm tra tất cả các địa điểm và những yếu tố có liên quan, ví dụ như tính chất môi trường biển hoặc địa chất. Theo Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, các trang trại gió dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2028.

Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu Nga ngay cả khi giá leo thang

Vào đầu tháng 8, giá hỗn hợp dầu Urals hàng đầu của Nga được vận chuyển đến bờ biển phía Tây Ấn Độ đạt 81 USD/thùng. Chỉ một tháng trước đó, mức giá đó là khoảng 68 USD/thùng, dữ liệu về giá của Argus được trích dẫn trong báo cáo cho thấy.

Dù mức giá chênh lệch rõ rệt, Ấn Độ vẫn chưa hết “khát” dầu thô của Nga, theo các nguồn tin của Bloomberg. Ngoài ra, hỗn hợp dầu tương đương từ các nhà sản xuất Trung Đông có giá cao hơn.

“Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ có thể tiếp tục nhập khẩu dầu từ Nga miễn là mức chiết khấu lớn hơn chi phí hậu cần nhập khẩu”, Samiran Chakraborty, nhà kinh tế trưởng Ấn Độ tại ngân hàng Phố Wall, cũng cho biết. Nhà phân tích năng lượng Vandana Hari từ Vanda Insights nói với Bloomberg: “Miễn là dầu thô của Nga vẫn có giá hợp lý so với các loại tương đương trên thị trường, thì nhu cầu của Ấn Độ vẫn khả quan”.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1282023-691609.html