'Nhịp cầu' của người bệnh

Bằng trái tim ấm áp và cách làm khéo léo, giàu sức lan tỏa, những người làm công việc kết nối thiện nguyện tại các đơn vị y tế của tỉnh đang ngày ngày bắc nhịp cầu nhân ái đến với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Ấm áp yêu thương

Nhiều năm nay, anh N.H.L. xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) đã trở thành “người thân” của Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc. 3 lần/tuần, anh L. chạy thận nhân tạo nên phải ở lại “Xóm trọ 0 đồng” (được Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc bố trí chỗ ở miễn phí). Bệnh tật khiến gia đình anh vốn đã nghèo lại càng thêm khốn khó. Đồng hành cùng anh trong hành trình chiến đấu với bệnh tật, Tổ Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc đã kêu gọi hỗ trợ chi phí điều trị, suất ăn...

Các nhà hảo tâm tặng quà cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các nhà hảo tâm tặng quà cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Gặp chúng tôi khi vừa xong ca chạy thận, anh L. xúc động chia sẻ: “Không chỉ hỗ trợ về vật chất, mỗi đợt tôi chạy thận, các y, bác sĩ của bệnh viện đều đến động viên, hỏi thăm sức khỏe, có những hôm tôi không còn tiền để chi trả cho sinh hoạt, cán bộ của bệnh viện đã hỗ trợ tôi. Nếu không có sự yêu thương, hỗ trợ đó thì có lẽ tôi không đủ chi phí và nghị lực để vượt qua nỗi đau bệnh tật này”.

Hơn 20 năm nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh như là ngôi nhà thứ 2 của gia đình anh Trần Văn Hoan, xã Tân Tiến (Yên Sơn). Một tháng có đến 15 ngày 2 con của anh điều trị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) tại bệnh viện. Nhiều năm nay, Tổ Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí điều trị, suất ăn, đồng hành cùng gia đình anh trong hành trình chiến đấu với bệnh tật của 2 con.

Đến thăm gia đình anh đúng vào lúc 3 bố con anh Hoan đang chuẩn bị “hành trang” để lên đường đi điều trị đợt này, bên căn nhà gỗ xiêu vẹo dường như sẵn sàng đổ ập xuống bất cứ lúc nào, anh Hoan nghẹn ngào chia sẻ: “Tháng nào cũng vậy, cứ vào mùng 5 hằng tháng là tôi lại đưa 2 con đi điều trị. 20 năm qua, nếu không có tình yêu thương, sự cưu mang của đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các nhà hảo tâm thì có lẽ tôi không đủ kiên trì và nghị lực để theo đuổi hành trình khó khăn này ngần ấy năm trời”.

Anh Hoan là một trong hàng nghìn bệnh nhân đã được Tổ Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kêu gọi hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện trong nhiều năm qua.

Là người phụ trách công tác xã hội của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hơn ai hết, chị Nguyễn Thị Bùi Ngọc, Phó phòng Điều Dưỡng, phụ trách công tác xã hội hiểu rõ sự khó khăn, nỗi đau về thể xác và tinh thần mà bệnh nhân nghèo phải gánh chịu trong những chuyến điều trị. Chị Ngọc chia sẻ: “Mỗi bệnh nhân chúng tôi tìm đến là một hoàn cảnh, một số phận nhưng đều có chung nỗi đau bệnh tật dày vò, kiệt quệ về kinh tế và tinh thần. Thấu hiểu được điều đó, tôi và các đồng nghiệp đã nỗ lực hết sức để kết nối nguồn lực, hỗ trợ bệnh nhân nhiều nhất có thể”.

Với tinh thần trách nhiệm, sự thấu hiểu, đồng cảm, trăn trở với từng số phận người bệnh, mỗi năm, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh kết nối được trên 100.000 suất ăn miễn phí; hỗ trợ chi phí điều trị, phẫu thuật, trao tặng các vật dụng cho hàng nghìn lượt bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các chương trình thiện nguyện dịp lễ, tết... Hằng năm, kinh phí kêu gọi hỗ trợ cho người bệnh từ các tổ chức, nhà hảo tâm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Nhà hảo tâm phát cơm miễn phí cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa.

Nhà hảo tâm phát cơm miễn phí cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa.

Kết nối các nguồn lực

Công tác kết nối các nhà tài trợ, các mạnh thường quân được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất đối với những cán bộ làm công tác thiện nguyện tại các đơn vị y tế. Chị Nông Thị Yến, cán bộ phụ trách Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ và Điều dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Lâm Bình cho biết: “Để kết nối được với các nhà hảo tâm là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ và vô cùng linh hoạt. Có những đơn vị tài trợ ban đầu rất khó tiếp cận, không mấy quan tâm đến hoạt động thiện nguyện cho các bệnh nhân nghèo, chúng tôi đã phải tìm hiểu kỹ càng, kiên trì, khéo léo thuyết phục họ. Bằng câu chuyện người thật, việc thật về những hoàn cảnh éo le, những mảnh đời bất hạnh cần sự sẻ chia”. Vì vậy mà trong những năm qua, đơn vị đã nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của các nhà hảo tâm. Qua đó giúp bệnh nhân yên tâm điều trị.

Chính sự trách nhiệm, nhiệt huyết, tình yêu thương của những cán bộ tại các đơn vị y tế đã tạo niềm tin cho các nhà hảo tâm, lan tỏa hành trình thiện nguyện. Anh Long Xuân Chiến, tổ dân phố Vĩnh Lim, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Từ năm 2020, tôi đã kết nối với Tổ Công tác xã hội của Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa để hằng năm hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại trung tâm. Thông qua kênh youtube Đông Bắc quê tôi, tôi đã kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ bằng các hình thức như: tặng quà, trao tiền mặt, phát cháo miễn phí. Từ những chương trình được tổ chức hiệu quả, thiết thực, tôi thấy việc làm của mình thêm phần ý nghĩa và sẽ cố gắng để tổ chức thêm nhiều hoạt động hỗ trợ bệnh nhân nghèo”.

Mỗi bệnh nhân đến viện là một hoàn cảnh, một số phận nhưng đều có chung nỗi đau bệnh tật dày vò, phần nhiều kiệt quệ về kinh tế và tinh thần. Thấu hiểu được điều đó, những người làm công tác xã hội tại các cơ sở y tế đã nỗ lực hết sức để kết nối nguồn lực, hỗ trợ bệnh nhân nhiều nhất có thể. Công việc vất vả và không mang lại cho họ nhiều giá trị về vật chất nhưng có lẽ điều lớn nhất mà họ nhận được là sự an yên trong tâm hồn, sống biết sẻ chia. Bằng trái tim ấm nóng, họ vẫn miệt mài kết nối, bắc những “nhịp cầu” yêu thương đến với bệnh nhân nghèo...

Ghi chép: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nhip-cau-cua-nguoi-benh-192152.html