Nhìn từ công tác tái hòa nhập cộng đồng

Thời gian qua, công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng luôn được TP Thanh Hóa thường xuyên quan tâm, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả. Qua đó, kịp thời giúp đỡ những cá nhân có quá khứ lầm lỗi xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm, quyết tâm trở thành công dân lương thiện, thực sự có ích cho gia đình và xã hội.

Nhiều đối tượng chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương được Hội CCB phường Nam Ngạn giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.

Mô hình quản lý, giáo dục cảm hóa người mãn hạn tù trở về địa phương của Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Nam Ngạn được thành lập từ tháng 9/2017. Với phương châm gần gũi, lắng nghe, nắm bắt tư tưởng của người sau chấp hành án để kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ lệch lạc, tìm ra hướng giúp đỡ phù hợp. Đến nay, Hội CCB phường đã tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa hơn 50 người chấp hành xong hình phạt tù, giúp họ nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Thanh Tình, Chủ tịch Hội CCB phường Nam Ngạn cho biết: Bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, các thành viên trong hội đã không quản ngại khó khăn, tận tình giúp đỡ, hỗ trợ những người một thời lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng bằng những việc làm thiết thực. Thường xuyên gặp gỡ, động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, phối hợp cùng với MTTQ, các đoàn thể tạo điều kiện cho họ được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức hội, đoàn thể nơi cư trú; đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng có việc làm, hỗ trợ vay vốn.

Mô hình CCB quản lý, cảm hóa, giáo dục người được mãn hạn tù, đặc xá tại phường Lam Sơn được thành lập từ năm 2005 đến nay, đã giúp đỡ, giáo dục cảm hóa 394 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sinh sống. Trong quá trình giúp đỡ, giáo dục cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, Hội CCB cùng Công an phường Lam Sơn đã tham mưu cho UBND phường tạo điều kiện cho các đối tượng hỗ trợ việc làm, xác nhận trong quá trình vay vốn; giúp nhiều đối tượng có con trong độ tuổi đi học được miễn, giảm các khoản đóng góp tại trường học cũng như tại địa phương. Từ những việc làm thiết thực của mô hình đã xóa bỏ đi sự mặc cảm, tự ti và hướng cho các đối tượng tiến đến cuộc sống ổn định, sống theo hiến pháp và pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP Thanh Hóa có hơn 3.000 đối tượng hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội; 639 đối tượng mãn hạn tù, đặc xá trở về địa phương sinh sống, hiện chưa xóa án tích. Trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự đối với người chấp hành án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND các phường, xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về nội dung liên quan đến Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Nghị định số 49 của Chính phủ về công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức hơn 2.000 lượt tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người chấp hành xong án phạt tù trong diện quản lý bằng nhiều hình thức khác nhau. Thông qua công tác tuyên truyền, giúp người chấp hành xong án phạt tù về địa phương thấy được sự giúp đỡ qua các chính sách của Nhà nước; thấy được tình cảm của người thân, gia đình và cộng đồng dân cư để từ đó xóa bỏ mặc cảm tự ti, nhằm ổn định cuộc sống, giúp ích cho xã hội và không tái phạm tội.

Cùng với đó, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, cá nhân điển hình về tái hòa nhập cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội và quần chúng Nhân dân tham gia công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, gắn nội dung công tác này trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Thực hiện tốt việc cấp thẻ căn cước công dân, đăng ký cư trú và giải quyết các thủ tục pháp lý cho những người chấp hành xong án phạt tù. Lập hồ sơ theo dõi, quản lý, cập nhật thông tin người chấp hành xong án phạt tù; thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, gặp gỡ, kết hợp giữa giáo dục với răn đe, phòng ngừa tái phạm tội. Ngoài ra, các ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố còn làm tốt vai trò, trách nhiệm thường xuyên gặp gỡ để nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng và ý thức chấp hành pháp luật của từng đối tượng, để kịp thời có biện pháp quản lý, động viên, giới thiệu, giúp đỡ việc làm, vay vốn...

Thời gian tới, TP Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí, cho vay vốn, tổ chức học tập, tìm kiếm việc làm nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tránh nguy cơ tái phạm. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng công an; nhân rộng mô hình CCB giúp đỡ, cảm hóa giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng...

Bài và ảnh: Quốc Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhin-tu-cong-tac-tai-hoa-nhap-cong-dong/210790.htm