Nhìn sang nước bạn: Thủ đô Berlin như tôi cảm nhận

Máy bay hạ dần độ cao, Berlin xinh đẹp hiện ra mỗi lúc một rõ, trong tôi rộn lên một cảm giác lâng lâng khó tả, chẳng phải vì Berlin nhà cao cửa rộng, phố xá tấp nập, nhộn nhịp... Rồi như một cuốn phim những hình ảnh của Berlin 65 năm về trước (1959), hiện về, chúng tôi những sinh viên nghèo, từ quê mẹ Việt Nam, được Đảng và Nhà nước cho sang CHDC Đức học đại học nhiếp ảnh.

Tôi bâng khuâng nhớ về trường lớp, bạn bè một thuở, đứa còn đứa mất, nhiều người đã trở thành cụ ông cụ bà, đầu tóc bạc phơ... Tôi nhớ về Berlin của CHDC Đức.

Cổng Brandenburg.

Trong tôi, ngày ấy Berlin không giống bất cứ một thành phố nào khác của Đức, cũng như của thế giới.Trong hơn một thế kỷ, bầu không khí chính trị của nó đã phản ảnh tất cả những gì xẩy ra tại phần còn lại của Tây Âu.Và cảm giác được sống tại một nơi mà tất cả mọi tình thế khó khăn của châu Âu đương thời đều được thể hiện ra ở đây. Điều đó đã làm cho Berlin trở nên hấp dẫn. Kết quả cuộc chiến tranh Thế giới thứ Hai đã xác định hình dáng của thành phố kéo dài suốt 45 năm, trong bầu không khí của cuộc chiến tranh lạnh.

Berlin hình thành cách nay trên 750 năm. Đầu tiên là một làng chài ngư dân có tên là Culln được hình thành vào năm 1237 và đối diện bên kia bờ sông Spree là khu dân cư buôn bán của Berlin được thành lập năm 1244. Năm 1307, cả hai khu vực này được sát nhập lại vơi nhau. Khu vực dân cư hồi đó, nay là là trung tâm thành phố, gần Quảng trường Potsdamer Platz.

Tháp truyền hình cao nhất tại thủ đô Berlin

Berlin đã trải qua nhiểu bước thăng trầm: Đầu tiên là một thành viên của Hans, một liên minh các thành phố ven biển Đông - Bắc châu Âu lớn nhất thời Trung cổ. Đến thế kỷ XV, Berlin trở thành mảnh đất cho các lãnh chúa xây dựng biệt thự sang trọng, trong đó nổi bật nhất là lãnh chúa Marx Brandenburg. Năm 1701, Berlin trở thành thủ đô của Vương quốc Phổ mới. Sau đó Berlin là thủ đô đầu tiên của Vương quốc Đức – Phổ hiếu chiến, mà tiêu biểu nổi bất là chủ nghĩa quân phiệt Phổ vào năm 1871.

Về địa lý, Berlin nằm ở trung tân châu Âu, cách biên giới nước láng giềng Ba Lan 60 dặm, lại do địa thế giao thông thuận lợi, nên vào thề kỷ XIX, ngày càng có nhiều nhà công nghiệp, thương gia giàu có đến cư trú. Dần dần Berlin trở thành một trong những thành phố lớn nhất của lục địa châu Âu. Năm 1920, dân số Berlin đã lên đến 4 triệu người. Ngày đó bên cạnh những khu nhà ổ chuột, Berlin đã có những khu nhà khang trang tráng lệ, những biệt thự nguy nga mọc lên san sát. Và Berlin trở thành thành phố có nhiều căn nhà cho thuê đắt nhất thế giới thời bấy giờ.

Thu về trên lâu đài cổ ở Berlin (Đức)

Nhưng Berlin cũng là nơi chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử bi thương của nước Đức và thế giới, cũng là nơi xuất phát điểm của hai cuộc đại chiến thế giới thứ nhất (1914 – 1918) và thế giới thứ hai (1939 – 1945), để rồi cuối cùng nó đã bị Hitler biến thành đống gạch vụn và chôn vùi hàng vạn sinh linh.

Sau ngày 2 tháng 5 năm 1945, khi quân đội phát xít bị quân đội Đồng minh đập tan, Berlin là một thành phố hoang tàn. Trong tổng số 245.000 ngôi nhà thì có tới ¼ bị phá hủy hoàn toàn. Thành phố không điện không nước. Hơn 2.500.000 người sống vẫn vưởng trên đống tro tàn và gạch vụn, thiếu ăn, đói khát và dịch bệnh.

Tháng 7 năm 1945, quân Đồng minh gồm Anh, Pháp, Mỹ và Hồng quân Liên Xô (cũ) chiếm đóng và kiểm soát thành phố. Berlin trở thành nơi đóng trụ sở của Hội đồng Kiểm soát của quân đội Đồng minh, theo thỏa thuận với Liên Xô từ 1944 – 1945 và theo Hiệp ước Potsdam: Berlin chia làm hai: Phần phía Tây thành phố thuộc quyền kiếm soát của quân Mỹ, Anh và Pháp. Miền Đông Berlin do Hồng quân Liên Xô quản lý và trở thành thủ đô của nước Cộng hòa Dân chủ Đức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức, được thành lập vào ngày 9 tháng 10 năm 1949. Khu vực biên giới Đông - Tây Berlin bị bỏ ngõ cho đến ngày 13 thán 8 năm 1961, nước CHDC Đức với sự giúp đỡ của Liên Xô đã xây dựng một bức tường ngăn cách Đông – Tây Berlin, để củng cố vị trí Nhà nước CHDC Đức non trẻ.

Nhưng vào đêm 9 tháng 11 năm 1989, một đêm lịch sử, bức tường Berlin bị phá đổ, báo trước sự kết thúc của cuộc chiến tranh lạnh. Ngày 3 tháng 10 năm 1990, hai nước Đức (CHDC Đức và CH Liên bang Đức) thống nhất. Nước CHDC Đức tồn tại 41 năm. Đông và Tây Berlin thống nhất trở thành thủ đô của nước CH Liên bang Đức.

Berlin đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, có lúc bị nát vụn dưới những trận mưa bom, bão lửa, nhưng ngày nay với tài năng và sức sáng tạo của người German, Berrlin là một thành phố công nghiệp hiện đại lớn nhất Đức, một trung tâm của các ngành công nghiệp điện, chế tạo máy, công nghiệp hóa chất, quang học, điện tử, công nghiệp thực phẩm.... Ngay từ thế kỷ XIX, hai công ty siêu quốc gia mang tầm cỡ thế giới là Siemens AG và và AEG đã có mặt ở Berlin. Ngày nay với sự thống nhất nước Đức họ càng có bước nhảy vọt trong thời đại khoa học kỹ thuật 4.0.

Berlin không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật, một nơi có nhiều công trình kiến trúc cổ kính và hiện đại gắn liền với lịch sử, văn hóa, chính trị. Một trong những kiến trúc nguy nga nhất là tháp truyền hình khổng lồ (do CHDC Đức xây dựng), cao 1.200 feet (khoảng 365m), tọa lạc gần Quảng trường Alexander. Trên tháp có một quả cầu nặng 4.800 tấn, ở độ cao khoảng 235m. Quả cầu có 7 tầng. Có hai thang máy đưa du khách lên độ cao 203m. Mỗi thang mỗi chuyến chở được 15 người, trong vòng 40 giây. Trong quả cầu là một quán cà phê, có 60 cửa sổ, Từ đây, du khách ngồi một chỗ có thể ngắm toàn cảnh thành phố từ Đông sang Tây, vì quả cầu cứ 30 phút, tự quay một vòng 60 phút. Vào những hôm trời quang mây tạnh có thể nhìn xa tới 40km.

Tại phía Đông sông Spree, Nhà nước CHDC Đức trước đây đã cho xây dựng Cung Cộng hòa. Có thề nói đây là là “cung ánh sáng”, bởi cung được trang trí 872 bóng đèn khổng lồ ở tầng trệt, tạo ra một vùng ánh sáng lung linh, rực rỡ soi bóng dòng sông Spree. Đây là nơi vui chơi giải trí, xem biểu diễn nghệ thuật.

Trên đại lộ “Unter den Linden” (dưới rặng cây bồ đề), dài khoảng 1.390m, rộng 60m, có nhiều tượng cổ, được xây dựng trong khoảng từ thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX.

Một trong những bức tượng nổi tiêng đẹp nhất là pho tượng Federick Đại đế.

Bảo tàng Lịch sử Đức, một công trình kiến trúc kiểu Baroco, trưng bày nhiều hiện vật về truyền thống lịch sử nước Đức từ xa xưa đến nay. Berlin có tới 26 bảo tàng lớn nhỏ khác nhau, trong đó đáng chú ý nhất: Bảo tàng Dân tộc Berlin, Viện Bảo tàng Pergamon, ở số nhà 1 – 3 đường Bode, nơi trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật Hồi giáo cổ, trong đó có phòng trưng bày thời đại Babylon.

Nhà trưng bày Quốc gia ở số nhà 50, đường Potsdam, giới thiệu nền nghệ thuật Đức thế kỷ XX, trong đó đáng chú ý là những tác phẩm mô tả con người và phong cảnh thành phố Berlin.

Tham quan các bảo tàng Đức, ta không thể không quên tới thăm Thư viện Quốc gia Đức, nằm ở cuối đại lộ “Unter den Linden”. Nơi lưu giữ hàng triệu triệu quyển sách, có những quyển ra đời cách nay hàng trăm năm. Đó là những tư liệu cổ vô giá.

Berlin càng tự hào nơi có nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới, trong đó đáng kể là Trường Đại học Tổng Hợp Humboldt (1767– 1859), nơi để lại nhiều dấu ấn về những năm sống, hoạt động, học tập của các bậc vĩ nhân Đức như nhà triết học George Hegel (1770 – 18310, Karl Marx (1818 – 1883)...

Về phía Tây Berlin có Trường Đại học Tự do và Trường Đại học Tổng hợp Kỹ thuật. Nơi đây còn có Viện Hàn lâm Khoa học do G.W. Leibnitz (1646 – 1716), nhà toán học, triết học Đức thành lập năm 1700 và được xây dựng lại vào năm 1946. Ngoài ra ở Tây Berlin cò có Viện Nghiên cứu Vật lý Hạt nhân, còn có tên Viện Haln Weitner và Viện Heinrich Hertz (1857 – 1894) chuyên nghiên cứu về thông tin.

Sẽ là một thiếu sót, nếu không nói đến những địa điểm tham quan lý thú như trạm kiểm soát Charlie ở 44 đường Friedrich, được xây dựng trong thời kỳ dựng bức tường Berlin và cổng Brandenburg nổi tiếng nơi đã từng ngăn cách giữa Đông và Tây Berlin, do kiến trúc sư C.G. Langhau thiết kế xây dựng từ năm 1789 đên 1793 là biểu tượng về văn hóa lịch sử ghi dấu lại những giai thoại nổi tiếng nước Đức.

Bên cạnh những cao ốc chọc trời, Berlin vẫn tồn tại những biệt thự cổ, những lâu đài tráng lệ tạo cho Berlin một diện mạo phong phú hấp dẫn. Đó là Tòa Thị chính Berlin, do kiến trúc sư H.F. Wasemann thiết kế, xây dựng từ năm 1862 đến năm 1869, bằng loại gạch đỏ au. Giữa Tòa Thị chính và dòng sông Spree là ngôi nhà thờ Nicolei cổ được xây dựng năm 1244.

Tiếp giáp với công viên Treptow, nơi có đài Tưởng niệm những Chiến sỹ Hồng quân Liên Xô đã ngã xuống trong sự nghiệp giải phóng loài người khỏi họa phát xít, là vườn Bách thú nổi tiếng của Berlin, rộng trên 170.000m2, với 5.500 con thú, trong đó có những loài trong tự nhiên đã bị diệt chủng, được đưa từ mọi miền nước Đức và của các nước trên thế giới, đặc biệt là các loài thú quý hiếm ở châu Phi và Mỹ La Tinh.

Đời sống văn hóa của người dân Berlin rất cao. Một món ăn tinh thần không thể thiếu là được thưởng thức âm nhạc, xem biểu diễn opera. Vì vậy, Berlin có đến ba, bốn nhà hát lớn: Nhà hát Berlin Ensemble, nằm cạnh Trường Đại học Tổng hợp Humboldt, Deutsches Theater Berlin(Nhà hát Đức Berlin), Nhà hát Quốc gia Đức và Nhà hát Hài kịch. Trong đó Nhà hát Quốc gia Đức lâu đời nhất, do G.W. Knobelsdorf xây dựng trong những năm 1741 – 1743. Ngoài ra Berlin còn có Nhà hòa nhạc ở Quảng trường Viện Hàn lâm , chuyên trình diễn nhạc giao hưởng của Dàn nhạc Giao hưởng Thành phố và Viện Hàn lâm Thanh nhạc với 1850 chỗ ngồi và Cung Biểu diễn Friedrich nổi tiếng thế giới.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ , chiến tranh lạnh kết thúc, người dân Berlin mọi thứ đều được hưởng gấp đôi: Hai tòa nhà quốc hội, hai trường đại học hàng đầu, hai sân bay quan trọng mang tầm cỡ quốc tế, hai trung tâm thành phố và còn có hai Bảo tàng Ai Cập. Berlin trở thành thành phố lớn nhất nước Đức.

Bài ảnh: Trần Mạnh Thường

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhin-sang-nuoc-ban-thu-do-berlin-nhu-toi-cam-nhan-a22014.html