Nhìn ra thế giới: Mỹ - Trung Quốc và cuộc đua vào vũ trụ

Mặc dù Trung Quốc chưa thể đạt được những thành tựu trong lĩnh vực vũ trụ như Mỹ, rõ ràng rằng quốc gia này đang tăng tốc. Kể từ năm 2018, Trung Quốc đã phóng nhiều tên lửa lên quỹ đạo. Và đến năm 2020, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu, với tên gọi Beidou – Bắc Đẩu. Đây chính là lời đáp trả của Trung Quốc đối với hệ thống GPS của Mỹ.

Cũng giống như khi xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ trên mặt đất, mục tiêu của Trung Quốc là giành được chỗ đứng trong ngành công nghệ vũ trụ, từ đó tạo ra lợi nhuận, giúp Trung Quốc trở nên độc lập với công nghệ của Mỹ, chiếm ưu thế trong hoạt động quân sự và thể hiện sự vượt trội trên vũ đài thế giới.

Khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ, các chuyên gia dự đoán rằng, chi tiêu cho nghiên cứu vũ trụ sẽ giảm đi, mặc dù Đảng Dân chủ khẳng định sẽ tiếp tục mục tiêu đưa thêm nhiều người Mỹ lên mặt trăng, và xa hơn nữa là Sao Hỏa.

Theo ông Hal Brands, Đại học Johns Hopkins: Khi nói đến sự đổi mới, Trung Quốc có nhiều lợi thế. Quốc gia này có khả năng điều chuyển toàn bộ nguồn lực nhà nước, hoặc toàn bộ nguồn lực xã hội để đương đầu với một số thách thức cụ thể về công nghệ. Ví dụ như công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, đổi lại, hệ sinh thái kinh tế và trí tuệ tại Trung Quốc có độ mở ít hơn so với Mỹ. Một xã hội với nguồn thông tin mở như nước Mỹ sẽ năng động hơn rất nhiều. Sự đổi mới sẽ đi từ dưới lên, thay vì đi từ trên xuống. Khó có thể nói rằng Mỹ nhất định sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua về Trí tuệ nhân tạo, 5G hay bất cứ công nghệ nào khác. Tôi nghĩ rằng có những mối đe dọa nhất định về cạnh tranh trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu Mỹ đẩy mạnh cung cấp nguồn năng lượng và đưa ra những khoản đầu tư thiết thực trong các lĩnh vực này, không có lý do gì Mỹ không thể thành công, vì đó là một nền dân chủ.

Thực hiện : Kim Ngọc

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-my-trung-quoc-va-cuoc-dua-vao-vu-tru