Nhìn lại giải bóng đá chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội 2010: Những điều đọng lại

Vượt trên cả mong đợi, Olympic Việt Nam đã làm mát mặt cho những người điều hành LĐBĐVN lẫn TPHCM khi giành chiếc cúp vô địch ở giải đấu chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tuy nhiên, nếu xem chiếc cúp là động lực hướng đến thành công tại Á vận hội 16 thì e rằng Olympic Việt Nam còn nhiều vấn đề rất trăn trở...

Từ chuyện thầy HLV Phan Thanh Hùng có lẽ đang trải qua những năm tháng tươi đẹp nhất trong sự nghiệp làm thầy của mình. Một khán giả trên sân Thống Nhất đã nói đùa: “Có lẽ 1.000 năm nữa cũng không ai bằng HLV Phan Thanh Hùng khi đoạt luôn cả 2 chiếc cúp vô địch V-League và TPHCM đúng vào dịp đại lễ của dân tộc”. Từ một ông thầy chuyên đào tạo trẻ ở Đà Nẵng, sự mát tay của ông Hùng đã được biến thành vận may cho mọi đội bóng mà ông nhận lời dẫn dắt. Từ đó đặt ra vấn đề, liệu HLV Calisto có dám trao toàn quyền cho người trợ lý Phan Thanh Hùng, sau khi tài năng của ông đã được thẩm định? Ở Cúp bóng đá TPHCM vừa qua, vai trò cố vấn của HLV Calisto vẫn in đậm trên chiếc ghế Ban huấn luyện. Bằng chứng là sau trận thắng nhọc nhằn 2-1 trước Malaysia, thầy Tô đã xuống sân góp ý thẳng thừng và bày tỏ sự không hài lòng về toàn đội ngay trước mặt HLV Phan Thanh Hùng. Vậy nhưng tuyệt nhiên không hề có một phản ứng, hay bày tỏ quan điểm riêng từ phía người trợ lý thân cận. Rõ ràng, chiếc bóng của HLV Calisto vẫn quá lớn, ngay cả khi ông không trực tiếp chỉ đạo đội Olympic Việt Nam. Ngược lại, ông Hùng dường như cũng không muốn làm phật lòng thầy Tô, nên cũng yêu cầu các học trò tuân thủ triệt để lối đá do HLV người Bồ Đào Nha đã vạch sẵn cho cả 2 đội tuyển quốc gia và Olympic. Rõ ràng, HLV Phan Thanh Hùng thực sự có tài, nhưng cách thể hiện quan điểm riêng của ông trong đội bóng vẫn mờ nhạt. Đó có lẽ là một trở ngại lớn khi dự Asian Games 16, vì lúc đó, HLV Calisto sẽ không theo đội sang Trung Quốc, tức khó lòng nắm trực tiếp tình hình. Khi ấy, không hiểu HLV Phan Thanh Hùng có dám tự quyết định nhân sự, và lối chơi tùy theo từng đối thủ cụ thể, hay cứ răm rắp nghe theo lời HLV Calisto? Đó là một câu hỏi rất khó và đầy tế nhị! ... Đến bắt bệnh học trò Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sáng qua 3-10, HLV Calisto nhận xét: “Bóng đá Việt Nam đã tìm được bản sắc thi đấu riêng, và không hề kém cạnh so với những đội bóng lớn của châu lục. Bằng chứng là nhìn lối đá của đội tuyển quốc gia và đội Olympic Việt Nam đều có những điểm chung tương đồng, dù xét về độ tuổi cũng như kinh nghiệm trận mạc thì vẫn còn chênh lệch lớn”. Điều này chứng tỏ, thầy Tô ít nhiều hài lòng về các học trò ở Olympic Việt Nam, những người đã gián tiếp giúp ông mát mặt khi giành chiếc cúp vô địch để thay cho các “đàn anh” ở tuyển quốc gia dâng lên đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tuy nhiên, một thực tế không phủ nhận là khoảng cách giữa từng thành viên trong đội tuyển Olympic vẫn thiếu đồng đều. Ba trận đấu trên sân Thống Nhất, HLV Phan Thanh Hùng sử dụng đúng 19 cầu thủ, trong đó có 10 cầu thủ đá chính cả 3 trận. Điều đó thể hiện tính ổn định mà tướng Hùng và “ông cố vấn” Calisto mong muốn. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa, cơ hội cạnh tranh một vài suất còn lại tham dự Á vận hội không còn nhiều cho hơn chục cầu thủ còn lại. Từ đó sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, bê trễ trong tập luyện của những người chưa được ra sân. Nếu xử lý không khéo và “bắt bệnh” không đúng chỗ sẽ có nguy cơ làm bùng phát những mâu thuẫn nội bộ. Nói dại, các cầu thủ trẻ vốn còn non suy nghĩ, chỉ cần không vừa ý mà cố tình triệt hạ lẫn nhau trên sân, khi đó HLV Phan Thanh Hùng chỉ còn nước “khóc ròng”. Nhắc lại chuyện thể lực Vấn đề muôn thuở này, có lẽ vẫn luôn mang tính thời sự với các học trò HLV Phan Thanh Hùng. Trao đổi cùng HLV Avramovic của Olympic Singapore, ông cho biết, đội bóng của ông có 6 cầu thủ chính rất to khỏe, nhưng vắng mặt khi sang TPHCM do bị kỷ luật vì đánh nhau ở giải vô địch Singapore. Thử liên tưởng, nếu có thêm 6 nhân vật này, không biết Singapore còn gây khó dễ cho Olympic Việt Nam đến mức nào. Tương tự, các cầu thủ Malaysia vốn bị xem là đồng cân, đồng lạng với cầu thủ Việt, nhưng họ mới chỉ tập trung được 6 ngày mà đã khiến các đôi chân Olympic Việt Nam phải mệt nhoài. Ở Singapore và Malaysia, các cầu thủ trẻ dưới 22 tuổi bị cấm tuyệt đối tiếp xúc với chất kích thích và bia rượu... Mỗi ngày, ngoài tập kỹ chiến thuật, họ còn dành 45 phút tập thể hình, một điều mà các cầu thủ trẻ Việt Nam rất lười, vì cho rằng tập nhiều, chân tay to khó kiểm soát bóng (!?). Chính những cách nghĩ ngược đời này mà khi ra thi đấu, các cầu thủ Olympic Việt Nam luôn hụt hơi khi đối thủ đẩy cao tốc độ trận đấu ở cuối trận. Xem ra, ở Á vận hội lần này, câu chuyện thể lực sẽ lại được nhắc đến với thầy trò HLV Phan Thanh Hùng. NHIẾP PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thethao/vleague/2010/10/239140/