Nhìn lại cuộc tranh chấp Trung-Nhật tại biển Hoa Đông

(Toquoc)-Cuộc xung đột Nhật-Trung là phần vươn xa của quá trình đấu sức trên biển giữa Mỹ-Trung. Đường lối ngoại giao Trung Quốc tự mâu thuẫn giữa việc áp dụng cứng rắn hay mềm dẻo và nếu kết hợp thì kết hợp như thế nào?

Một bài học cơ bản trong quan hệ quốc tế hiện đại, các nước lớn để giành được ảnh hưởng và quyền lực đối với các nước nhỏ thì cần tuân thủ các hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, công bằng. Các nước lớn sẽ mất đi ảnh hưởng và quyền lực nếu hành động một cách phi lý mở rộng quyền lợi của mình, gây tổn thất cho các nước nhỏ. Một số nhà nghiên cứu thế giới cho rằng Trung Quốc đang rơi vào tình thế cãi cọ với gần như tất cả các nước láng giềng về lãnh thổ. Gần đây nhất là cuộc tranh chấp bùng lên với Nhật Bản về đảo Điếu Ngư (Senkaku), trong lúc căng thẳng về Biển Đông chưa giảm. Trung Quốc tiếp tục khẳng định đòi hỏi chủ quyền đơn phương trong tất cả các vùng biển quốc tế xung quanh, điều được xem là không có cơ sở luật pháp quốc tế. Nhiều nhận định cho rằng do làn sóng lớn của chủ nghĩa dân tộc nội bộ chi phối, đường lối ngoại giao Trung Quốc với Nhật Bản đang tự mâu thuẫn giữa việc áp dụng sự cứng rắn hay mềm dẻo và nếu kết hợp thì kết hợp như thế nào trong tình huống hiện tại. Đảo Điếu Ngư (Senkaku) - một phần của cuộc đấu quyền lực trên biển giữa Mỹ-Trung Quốc “Lấy cứng chọi cứng” Một sự cố rất nhỏ trên biển xem ra đã nhanh chóng trở thành cuộc đối đầu ngoại giao. Việc ngày 7/9, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản bắt giữ một thuyền của Trung Quốc, việc phóng thích hay không phóng thích đều được cả hai nước cho là liên quan đến chủ quyền của mình tại đảo Điếu Ngư (Senkaku). Vì chủ quyền này, cả hai đều không cho phép đối phương xử sự cứng rắn với mình, cho rằng một lần nhượng bộ sẽ đem lại hậu quả khó lường. Lần đầu tiên từ nhiều năm nay, người Nhật tỏ ra quyết tâm lấy cứng chọi cứng với Trung Quốc. Tờ New York Times cho rằng “nếu Trung Quốc cho rằng dựa vào biện pháp cứng rắn sẽ có thể khuất phục được Nhật Bản là sai lầm”. Tờ báo cho rằng tranh chấp đảo Điếu Ngư thể hiện “một nước Nhật Bản đã từng rất mạnh nhưng xuống dốc đang đấu trí với một nước Trung Quốc tự cảm thấy có thể tìm được vị trí xứng đáng của mình ở châu Á”. Bài viết đặc biệt liên hệ đến tranh chấp ở Biển Đông, cho rằng sự việc leo thang đã phản ánh tâm trạng lo lắng của Nhật Bản trước việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và tự tin, sự lo lắng này không chỉ có ở riêng Nhật Bản mà còn là tâm lý chung của các nuớc châu Á có tranh chấp lãnh thổ hoặc lãnh hải với Trung Quốc. Nhật báo Washington Post cho rằng việc Trung Quốc 6 lần triệu kiến Đại sứ Nhật Bản, hoặc lúc nửa đêm hoặc lúc tảng sáng, là sự lăng nhục nghiêm trọng đối với Nhật Bản. Đây là chiêu thức hành hạ ngoại giao mà chỉ riêng Bắc Kinh áp dụng đối với các đại diện ngoại giao những nước đang có vụ việc xung đột với Trung Quốc. Những từ ngữ quả quyết tại một số bài xã luận của các báo Nhật Bản phản ánh mong đợi của dư luận Nhật Bản đối với chính phủ nước này, đó là phải đáp trả Trung Quốc một cách cứng rắn. Báo Sankei Shimbun nhận xét: “Cánh cửa đối thoại Trung-Nhật đã đóng chặt, đối đầu hai nước sẽ kéo dài”. Tờ Nihon Keizai nêu câu hỏi rằng phải chăng thái độ cứng rắn của Trung Quốc là chỉ nhằm xoa dịu dư luận trong nước, trong khi tránh để cho quan hệ Trung-Nhật xấu đi (để kéo Nhật Bản khỏi quỹ đạo Mỹ) mới phải là cách nghĩ chân thực của chính phủ Trung Quốc? Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói “dù Trung Quốc có đưa ra những chiêu thức gì, phương châm của Nhật Bản trên cơ sở chủ quyền và biện pháp hình sự theo luật pháp trong nước Nhật Bản sẽ không thay đổi”. Cựu Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Sato đã kiến nghị chính phủ Nhật Bản rút Đại sứ tại Trung Quốc về nước. Tin tức cho hay, để đối phó với vấn đề đảo Senkaku, Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản có kế hoạch mở rộng biên chế, đến năm 2020 sẽ tăng lên đến 20.000 người đóng tại các đảo ở phía Tây Nam của nước này. Sự phải trái trên thế giới hiện nay ngày càng bị thay thế bởi việc phân định lợi ích. Nhìn ở tầm rộng hơn từ toàn bộ khu vực Thái Bình Dương, mọi nước lớn nhỏ đều đang đánh giá đợt xung đột lần này giữa Trung Quốc và Nhật Bản cuối cùng thực chất là gì? Tạp chí Thời báo hoàn cầu (Trung Quốc) tổng hợp từ những thông tin của các phóng viên-biên tập viên của báo này tại các nước, cho biết Trung Quốc có thể vấp phải bức tường do phương Tây dựng lên để bảo vệ Nhật Bản, nếu sự việc cứ tiếp tục leo thang. Trung Quốc lần này rất có thể sẽ phải đơn phương đối đầu với rất nhiều nước không thoải mái với việc Trung Quốc trỗi dậy, điều này có thể khiến Trung Quốc ở vào thế bị động. Dư luận phương Tây động viên người Nhật “đừng sợ” Trung Quốc. “Thuyết về mối đe dọa từ Trung Quốc” lại có đất để nở rộ. Nhật Bản tỏ ra cứng rắn khi xử lý vụ 7/9 xẩy ra gần đảo Senkaku (Minh họa của báo Thái Lan) … thực chất là tranh chấp Mỹ-Trung trên biển? Trung Quốc sẽ phải đối phó thế nào trước một nước Nhật Bản cứng rắn dựa vào Mỹ? Một số người dân Trung Quốc đề nghị chính phủ bắt một số gián điệp của Nhật Bản tại Trung Quốc để trả đũa (điều này đã làm). Giới học giả Trung Quốc nói chung thống nhất quan điểm cho rằng phải đánh vào chỗ yếu của Nhật Bản nhưng đánh thế nào là việc khó thống nhất. Dân chúng Nhật Bản quả không quan tâm đến chủ quyền đảo Điếu Ngư, nhưng coi trọng lợi ích kinh tế. Vì thế Trung Quốc phải chế tài Nhật Bản về kinh tế, hơn nữa biện pháp chế tài này phải ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Nhật Bản. Nhưng một học giả không lộ danh tính cho rằng chế tài kinh tế Nhật Bản sẽ gây tổn hại lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Học giả này cho rằng Nhật Bản sợ nhất là biểu tình chống Nhật quy mô lớn giống như năm 2005, như vậy sẽ khiến dân chúng Nhật Bản cảm thấy chính phủ hoàn toàn thất bại về ngoại giao đối với Trung Quốc. Nhưng biểu tình là con dao hai lưỡi. Cũng vì việc này, tờ Indian Express viết rằng Trung Quốc và Nhật Bản là những nước có nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới, đều là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau, nhưng vẫn có thể xảy ra xung đột như vậy về một hòn đảo, hiện thực này khiến người ta nghi ngờ sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể đem lại được hòa bình hay không? Trong thập kỷ qua, Mỹ cũng đã phạm phải một số sai lầm phi lý tương tự như Trung Quốc hiện nay. Gần đây, Mỹ đã giảm bớt chủ nghĩa đơn phương và tăng cường chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ. Và điều đó đã mang lại hiệu quả cho ngoại giao Mỹ. Trung Quốc đã phạm sai lầm không thể lý giải được khi họ tuyên bố rằng Biển Đông thuộc phạm vi "lợi ích cốt lõi" của họ, qua đó họ tự ràng buộc mình vào một vị trí đàm phán mà họ không thể giành chiến thắng nhưng cũng không có đường rút. Phía Mỹ tuy không nói ra nhưng trên thực tế, trong vấn đề tranh chấp đảo Đảo Senkaku, lập trường của Mỹ thiên về phía Nhật Bản. Biểu hiện bề ngoài của tranh chấp đảo lần này là vụ việc giữa Nhật Bản và Trung Quốc nhưng nó vẫn là phần vươn xa của quá trình đấu sức trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhận định trên đây của học giả Phùng Chiêu Khuê thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc được các học giả Mỹ thừa nhận. Phó giáo sư James R. Holmes thuộc Học viện quân sự của hải quân Mỹ cho biết Mỹ và Nhật Bản có kế hoạch sẽ tổ chức diễn tập quân sự trên biển vào tháng 12 tới đây, với khoa mục giải phóng khu vực đảo Ryukyu ở gần đảo Đảo Senkaku (Điếu Ngư) trong kịch bản Trung Quốc xâm chiếm đảo này. R. Holmes cho rằng, bản chất của vấn đề là hai nước Trung-Mỹ đang trong một ván bài đấu tranh quyền lực để quyết định ranh giới giữa hai nước trên vùng biển Tây Thái Bình Dương được phân định đến đâu. Theo Shannun Kelly, chuyên gia Mỹ thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), mấy chục năm trước Mỹ giao lại quyền kiểm soát đảo Điếu Ngư cho Nhật Bản, trên thực tế là bày sẵn quân bài hờ đối với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, nay đã đến lúc quân bài này phát huy tác dụng. Ít nhất về mặt ngoại giao đã kìm giữ được sức mạnh của Trung Quốc./. Nguyễn Nguyên

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Nhin-Lai-Cuoc-Tranh-Chap-Trung-Nhat-Tai-Bien-Hoa-Dong.html