Nhìn lại cuộc đua giữa các hãng điện thoại: giai điệu thăng trầm chưa hồi kết

Cuộc đua giữa các hãng điện thoại, cả về công nghệ lẫn thị trường luôn đầy kịch tính với những nốt thăng trầm bất ngờ và chưa hề có hồi kết.

Vào những năm đầu thế kỷ 21, Nokia thực sự cai trị thế giới điện thoại, không chỉ ở quê hương Phần Lan của họ mà trên toàn thế giới. Rất lâu sau đó, năm 2010, giám đốc điều hành Stephen Elop đăng tải bản ghi nhớ nổi tiếng "Burning Platform" về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển Symbian - hệ điều hành điện thoại phổ biến nhất vào thời điểm đó. Đây dường như là phát súng nổ đầu tiên đánh dấu tình hình kinh doanh của Nokia bắt đầu gặp khó khăn và đến năm 2011, Lumia 800 ra đời chạy Windows Phone thay vì Symbian để cứu vãn tình hình nhưng mọi thứ đã muộn. Sự thất bại của Symbian trước đó đã tạo động lực nhảy vọt cho Android và Nokia chưa bao giờ lấy lại được vị thế vốn có của mình.

Những năm sau đó, thương hiệu Nokia lại thuộc về ông trùm Microsoft và sự hợp tác này tạo ra dòng Lumia nổi tiếng với khả năng chụp ảnh tuyệt đẹp. Nhưng kết quả vẫn không mấy khả quan bởi doanh số thảm hại mà lý do phần lớn từ hệ điều hành - khó sử dụng và thiếu ứng dụng. Gần đây nhất, đầu năm 2016, Nokia được HMD Global mua lại từ tay Microsoft và bắt đầu phát triển dòng Nokia chạy Android mới, thị phần của họ có vẻ đang được cải thiện dần từ lúc này.

Đấy chỉ là một trong những câu chuyện đầy kịch tính của các hãng smartphone. Chẳng hạn như ở biểu đồ biểu thị sự phổ biến của thương hiệu bên dưới. Chúng ta sẽ thấy Sony và Ericsson đã từng kết hợp với nhau (năm 2001) và có ảnh hưởng rất lớn trong thế giới điện thoại. Tuy nhiện đến năm 2012, Sony mua lại hoàn toàn cổ phần của Ericsson và sự thành công của họ có lẽ cũng chấm dứt từ đó.

Với HTC, câu chuyện lại khác - khởi đầu với vai trò như là một ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc) và phát triển phần mềm cho các thiết bị O2. Khoảng từ năm 2006, HTC bắt đầu kinh doanh các mẫu điện thoại với thương hiệu riêng của mình và nhanh chóng nổi tiếng nhờ chất lượng sản phẩm ấn tượng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, HTC có vẻ đang chật vật với thị phần smartphone và dần chuyển hướng sang các lĩnh vực công nghệ khác như ứng dụng thực tế tăng cường...

Bên cạnh đó, biểu đồ còn cho chúng ta thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu đến từ Trung Quốc nổi bật, đại diện là Huawei, OnePlus hay Xiaomi.... Huawei vốn có tiềm lực tài chính khổng lồ đầu tư rất nhiều cả công sức lẫn tiền bạc để phát triển thương hiệu của mình ở các thị trường phương Tây. Trong khi đó, OnePlus có chiến lược sử dụng ngân sách ít hơn nhưng vẫn đem lại nhiều hoạt động quảng cáo - truyền thông hiệu quả. Đặc biệt không thể không kể đến Xiaomi - cái tên có tỉ lệ tăng trưởng vượt trội so với hàng loạt thương hiệu khác, và còn trớ trêu hơn nếu so với Motorola, một trong những hãng đầu tiên sản xuất thiết bị di động.

Ngược lại với hầu hết hãng Android, Apple thậm chí không làm truyền thông nhưng vẫn có hàng loạt người dùng sẵn sàng xếp hàng trên đường phố (thậm chí ngủ trong lều) để có được chiếc iPhone mới nhất trong những lần mở bán. Cuối cùng, không thể bỏ qua Samsung - gã không lồ này đang chiếm đến hơn một phần năm biểu đồ phân bố sự phổ biến của thương hiệu này.

Bảo Phương / GSMArena

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/xu-huong/nhin-lai-cuoc-dua-giua-cac-hang-dien-thoai-giai-dieu-thang-tram-chua-hoi-ket-30836.html