Nhiều ý kiến đóng góp cho báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW

Sáng 12-7, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo: 'Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế'.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

14 tham luận trình bày tại hội thảo đã nhìn nhận các kết quả đạt được, những vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, sau gần 10 năm thực hiện, Nghị quyết số 29-NQ/TW được triển khai tích cực, các nhiệm vụ và giải pháp được tiến hành khá đồng bộ, đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số hạn chế: Giáo dục và đào tạo vẫn nặng “về dạy chữ, nhẹ về dạy người và dạy nghề”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng thiết yếu cho người học chưa đáp ứng yêu cầu của các cơ sở sử dụng người lao động. Năng lực hội nhập quốc tế của hệ thống giáo dục chưa cao. Quy mô giáo dục ngoài công lập chậm phát triển. Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chưa đạt mục tiêu đề ra...

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chuẩn bị định hướng chiến lược và giải pháp phát triển giáo dục cho giai đoạn tiếp theo trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW; tiếp tục cải cách lại hệ thống Sư phạm với việc hình thành mạng lưới các trường và các khoa Sư phạm. Xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh thực sự là trường trọng điểm, xứng đáng với vị trí hàng đầu của toàn hệ thống sư phạm, giữ vai trò định hướng và hỗ trợ tích cực về mọi mặt cho các cơ sở đào tạo giáo viên.

Quang cảnh buổi hội thảo

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, GS.TS Phạm Tất Dong (Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam) cho rằng: Hệ thống giáo dục chính quy thuộc giáo dục ban đầu có sự phát triển mạnh về số lượng. Trường, lớp học dành cho các lứa tuổi từ mẫu giáo đến đại học về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tới trường của thế hệ trẻ. Hệ thống giáo dục tiếp tục với các thiết chế giáo dục không chính quy đã được ngành giáo dục quan tâm nhiều hơn. Khái niệm xã hội học tập đã được nhiều văn bản giáo dục nói đến, là một đổi mới trong tư duy giáo dục. Hệ thống giáo dục đại học đã phát triển tốt hơn hệ thống giáo dục phổ thông, bám sát xu thế phát triển giáo dục đại học của thế giới hiện đại hơn...

Tuy nhiên, Nghị quyết 29-NQ/TW cũng dần bộc lộ sự thiếu thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trong nước và thế giới. GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, trong giai đoạn 2025-2035, giáo dục và đào tạo phải chuẩn bị năng lực tham gia sâu hơn vào Cách mạng công nghiệp 4.0 theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg (4-5-2017) về tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng một nền giáo dục thông minh hơn; phải chuyển mình nhanh chóng và mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; phải thực sự nghiêm túc chuyển mô hình giáo dục khép kín hiện nay sang mô hình giáo dục mở... để định hướng cho sự phát triển.

Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Phan Xuân Dũng cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết giúp Liên hiệp Hội Việt Nam tổng hợp báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, từ đó xây dựng các giải pháp để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-y-kien-dong-gop-cho-bao-cao-tong-ket-10-nam-thuc-hien-nghi-quyet-so-29-nq-tw-634849.html