Nhiều vùng quê nhận 'trái đắng' từ phát triển đô thị

Quá trình đô thị hóa đang làm mất đi môi trường sinh thái vốn có như ao làng, giếng làng, hệ thống cây xanh, tác động xấu đến môi trường, văn hóa.

Đây là vấn đề được nêu ra trong hội thảo “Mạng lưới kiến thức để phát triển các khu bền vững tại Việt Nam” do Khoa Công nghệ xây dựng - ĐH Xây dựng và trường Đại học Leuven (Vương quốc Bỉ) tổ chức ngày 6/9.

Hội thảo xoay quanh vấn đề phát triển đô thị dưới tác động của biến đổi khí hậu và tập trung vào các nội dung như giảm nhẹ rủi ro bởi lũ lụt, vai trò của việc xanh hóa đô thị, các yêu cầu đối với nhà ở liên quan tới sự thích ứng với khí hậu cùng khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, quy hoạch đô thị, kiến trúc cảnh quan và năng lượng bền vững.

Quá trình phát triển đô thị đang ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, văn hóa. (Ảnh Khôi Ngô)

Thách thức trong phát triển đô thị

Trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 cũng đã đề cập tới những vấn đề nổi cộm như ô nhiễm bụi tại các đô thị tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao, ô nhiễm môi trường nước ở sông ngòi, ao hồ, kênh rạch nội thành, ngập úng vẫn tiếp diễn, vấn đề quy hoạch phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường đang đứng trước nhiều thách thức.

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian qua, các quy hoạch đô thị gắn với môi trường và bảo vệ môi trường khu vực đô thị đã được ban hành ở cả cấp quốc gia và địa phương, song công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là số lượng đô thị tăng lên, nhưng chất lượng các đô thị chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề nảy sinh do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là các đô thị ven biển.

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, ĐH Xây dựng, sự phát triển kinh tế không tương đồng cùng việc bảo vệ, gìn giữ môi trường tự nhiên khiến nhiều khu dân cư đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là các khu vực nông thôn, ven đô. Cụ thể, nhiều khu vực nông thôn hiện nay khi phát triển kinh tế làng nghề đã san lấp ao hồ, chặt phá hệ thống cây xanh. Do đó, khi đối mặt với biến đổi khí hậu, kết cấu hạ tầng không thể đáp ứng được, gây ra tình trạng ngập úng, mất nơi chứa nước tưới tiêu, hạn hán, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân… Ngoài ra, diện tích mặt nước ao hồ, cây xanh còn góp phần tạo nên cảnh quan, tạo cấu trúc không gian văn hóa làng. Việc dần thủ tiêu những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, kiến trúc mà hơn hết nó đang tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, làm mất đi tính kết nối cộng đồng, các giá trị về tâm linh, tín ngưỡng của người Việt.

PGS.TS Phạm Hùng Cường cho rằng, vấn đề phát triển đô thị trong tương quan với giữ gìn môi trường và bảo tồn, phát huy văn hóa là một vấn đề không hề đơn giản, và nó càng khó hơn khi nhận thức của người dân hiện nay về vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế.

PGS.TS Phạm Hùng Cường nói về những tác động của quá trình đô thị hóa.

Trao đổi tại hội thảo, bà Jehanne Roccas, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một đất nước chịu nhiều tác động hơn các nước khác về biến đổi khí hậu, không những thế, những biến đổi môi trường còn bị ảnh hưởng bởi quá trình xây dựng đô thị. Do đó, Việt Nam không thể chỉ nghĩ về xây dựng đô thị mà cần phải quan tâm đến những hệ quả từ việc xây dựng này để có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Để giải bài toán về phát triển đô thị, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia trên thế giới có 2 cách, hoặc phát triển nhanh chóng bất chấp những tác động về môi trường hoặc đi chậm lại nhưng tiết kiệm năng lượng hơn. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực trong quá trình đô thị hóa, các ý kiến tham luận nhận định Hà Nội cũng như các đô thị Việt Nam nên phát triển theo hướng bền vững, quan tâm hơn nữa đến các giá trị môi trường, văn hóa./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/nhieu-vung-que-nhan-trai-dang-tu-phat-trien-do-thi-667962.vov