Nhiều vỉa hè Hà Nội không dành cho người đi bộ

Người dân Hà Nội đã từ rất lâu quen với cảnh “luồn lách, đánh võng” để đi trên vỉa hè của các con phố. Tất cả xuất phát từ thông lệ: vỉa hè không chỉ dành riêng cho người đi bộ.

Theo ghi nhận của PV, hầu hết các tuyến phố Hà Nội đều được trưng dụng làm sở hữu riêng, hiện nhiều tuyến phố toàn bộ vỉa hè có bề rộng chỉ từ 1 đến 3 mét cũng bố trí trông giữ xe, thậm chí bày bàn ăn, hàng quán phủ kín, hoặc không có vỉa hè do nhà dân làm sát ra mép đường. Người đi bộ phải rất vất vả để di chuyển trên vỉa hè của các con phố.

Còn nhớ hồi đầu tháng 2/2016, Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội bắt đầu xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông. Tuy nhiên, ngoài lỗi chủ quan thì cũng phải kể đến việc người đi bộ không biết đi vào đâu trên vỉa hè, dẫn đến người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường là điều tất yếu. Vậy nhưng cơ quan chức năng không phạt người lấn chiếm vỉa hè, lại phạt người đi bộ liệu có khả thi hay không!?

Được biết ngày 10/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 1368/UBND-XDGT gửi các sở, ngành, CATP và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, CATP; UBND các quận, huyện, thị xã, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thuộc phạm vi quản lý của TP theo phân cấp. UBND các quận, huyện, thị xã, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội là vậy, tuy nhiên tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tiếp diễn, và dường như chưa hề có sự vào cuộc sát sao từ phía các cơ quan chức năng trên địa bàn quản lý.

Dưới đây là hình ảnh PV ghi lại được tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội:

Tuyến phố Hàng Khoai, hàng hóa bày tràn ra vỉa hè, thậm chí lòng đường.

Xe máy xếp tầng, lớp trong lớp ngoài. Vỉa hè dường như chỉ dành riêng cho các cửa hàng bám dọc tuyến phố này. Khách du lịch và người dân sinh sống quanh đây rất vất vả để di chuyển.

Dọc phố Đê La Thành...

... phố Hoàng Hoa Thám...

... phố Lê Duẩn. Hầu như vỉa hè cũng được trưng dụng là nơi để xe, để hàng hóa tràn ra ngoài. Người đi bộ đành bất lực mà di chuyển xuống dưới lòng đường, bất chấp hiểm nguy.

Tuyến phố Lê Văn Lương, đoạn giao cắt với Láng Hạ. Các showroom ô tô cũng sử dụng làm nơi sửa xe, bày bán ô tô các loại như ngoài chợ.

Hay như tuyến phố Quán Sứ, gần bệnh viện Răng hàm mặt cũng được trưng dụng làm điểm trông giữ xe ô tô.

Tuyến phố Khâm Thiên, tuyến phố với mật độ phương tiện tham gia giao thông rất đông. Tuy nhiên, thường xuyên xuất hiện những chiếc xe đỗ ngang vỉa hè, trước của tòa nhà Khâm Thiên Building.

Phố Hoàng Tích Trí, đối diện trường Tiểu học Kim Liên. Via hè luôn được coi là nơi kinh doanh lý tưởng của một số cửa hàng. Vào giờ tan tầm học sinh đi lại rất nhiều nhưng là đi ... dưới lòng đường, bởi vỉa hè đã bị chiếm dụng bày bán hàng hóa tràn lan.

N.T

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-via-he-ha-noi-khong-danh-cho-nguoi-di-bo-35033.html