Nhiều vấn đề đặt ra khi Đức điều chỉnh luật để hỗ trợ việc tự tử

Đồng hành tự sát, một hình thức hỗ trợ tự tử đã được miễn hình phạt ở Đức kể từ năm 2020. Quốc hội Đức còn đang soạn thảo một đạo luật điều chỉnh hành vi này. Vấn đề gây tranh cãi nhất hiện là quyền tự chủ cá nhân và khía cạnh đạo đức.

Theo luật hiện hành của Đức, người nào giúp đỡ một cá nhân chọn lựa kết thúc sự sống đều không bị trừng phạt

Theo luật hiện hành của Đức, người nào giúp đỡ một cá nhân chọn lựa kết thúc sự sống đều không bị trừng phạt

Một hiện tượng ở các nước công nghiệp hóa

Trước đây, mục 271 của Bộ luật Hình sự Đức năm 2015 quy định rằng, bất kỳ ai hỗ trợ ai đó tự kết liễu đời mình đều có thể bị bỏ tù tới 3 năm. Luật đó nhằm mục đích ngăn chặn các nhóm hỗ trợ người tự tử với mức phí nhất định.

Vào năm 2020, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức đã xác định, quyền tự chủ cá nhân bao gồm cả sự lựa chọn cái chết. Bất kỳ người nào giúp đỡ một cá nhân chọn lựa kết thúc sự sống đều không bị trừng phạt. Tuy nhiên, điều kiện là người tự tử đưa ra quyết định đó một cách tự do và chịu hoàn toàn trách nhiệm. Như vậy, các nhóm được hoạt động với điều kiện phải nộp đơn đề nghị tự sát cùng sắp xếp hỗ trợ y tế.

Giờ đây, Bundestag - Quốc hội liên bang của Đức đang tranh luận về 2 dự thảo luật có liên quan. Trong đó, một dự thảo luật đề xuất rằng việc hỗ trợ tự tử về cơ bản sẽ bị pháp luật trừng phạt nhưng cho phép các trường hợp ngoại lệ có thể xảy ra khi đó là người trưởng thành, đã khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần ít nhất 2 lần và được tư vấn vài tuần trước khi đưa ra quyết định. Dự thảo khác đề xuất đưa quyền tự định đoạt cái chết vào luật. Theo đó, những người muốn chết nên được tiếp cận với các loại thuốc gây chết người nếu trước đó họ đã qua tư vấn. Trong những trường hợp cực đoan, bác sĩ được phép kê đơn thuốc ngay cả khi người bệnh không được tư vấn trước.

Ông Lukas Radbruch, một trong những bác sĩ có tiếng ở Đức, cho biết, điều chỉnh luật để hỗ trợ việc tự tử là một hiện tượng ở các nước công nghiệp hóa ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Ví dụ, ở Hà Lan và Luxemburg, người ta được phép cấp thuốc gây tử vong cho bệnh nhân khi có yêu cầu. Và gần đây, Quốc hội Bồ Đào Nha đã thông qua hỗ trợ tự tử. Ông giải thích: “Đây là những quốc gia mà luật pháp đang thay đổi vì quyền tự chủ cá nhân được đánh giá vượt trội”.

Câu hỏi đặt ra

Bà Lea Koch, người chỉ xưng biệt danh để bảo vệ danh tính của mình, đã ngoài 70 tuổi. Bà là một người bạn đồng hành tự tử nhưng hầu như không ai trong số bạn bè và gia đình biết về công việc tình nguyện của bà. Ba năm trước, một phụ nữ bị liệt nửa người đã hỏi Koch liệu bà có sẵn sàng đi cùng người đó đến lúc chết không. Bà đồng ý và thời gian sau đó cũng làm thay đổi cuộc đời của chính Lea Koch. Khi người phụ nữ qua đời, những lời cuối cùng của người ấy là: “Cảm ơn, rất cảm ơn”. Với mỗi người mà Koch chăm sóc, bà tự hỏi bản thân liệu mình có đang làm đúng hay không. “Cho đến nay, tôi luôn cảm thấy các vụ tự tử được hỗ trợ diễn ra rất yên bình, bởi vì những quyết định này đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng”, bà Koch nói.

Ở Đức hiện đã có một số hiệp hội hỗ trợ tự tử. Một số công khai về số vụ việc họ đã tham gia như Verein Sterbehilfe hỗ trợ 139 người vào năm ngoái hay Dying with Dignity (DGHS) với 229 vụ. Đại đa số là những người mắc bệnh nặng về thể chất. DGHS nói rằng, họ tiến hành rất cẩn thận. Nhân vật chính sẽ có nhiều cuộc trò chuyện với luật sư và bác sĩ để đảm bảo việc tự sát đúng theo ý muốn của họ. Kể từ khi có phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang, các hiệp hội nói trên đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, nhiều người cảm thấy nhẹ nhõm khi mọi thứ có thể kết thúc theo cách họ muốn mà không lo vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của việc này là về mặt đạo đức. Câu hỏi được đặt ra là những người tư vấn cho bệnh nhân về lựa chọn cuối đời của họ có nên là người trực tiếp thực hiện hoặc dàn xếp việc hỗ trợ tự tử. Đối với nhà triết học và y đức Jean-Pierre Wils, ông băn khoăn là phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang không nêu rõ bất kỳ tiêu chí nào cho mong muốn được chết. Về mặt lý thuyết, những người khỏe mạnh về thể chất có thể nhờ hỗ trợ để được tự tử. Liệu với những người đó, chỉ cần nghĩ “sống đủ rồi” là có quyền chấm dứt sự sống? Trên thực tế, năm 2022, 3 người không mắc bệnh gì đã được Verein Sterbehilfe hỗ trợ tự tử.

Theo DW

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhieu-van-de-dat-ra-khi-duc-dieu-chinh-luat-de-ho-tro-viec-tu-tu-post545039.antd