Nhiều trường núp bóng 'tự nguyện' để lạm thu nhiều khoản

Năm học 2016-2017 đã bắt đầu được một thời gian, tuy nhiên cho tới thời điểm này nhiều trường vẫn tiến hành thu các khoản mang danh "tự nguyện" để đáp ứng nhu cầu dạy, học trong nhà trường.

"Tự nguyện" được thu theo... định mức sàn

Đây là khoản thu không nằm trong quy định, "nóng” nhất vẫn là khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của lớp, trường.

Chị Hoàng Yến sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết từ đầu năm học vào tháng 8, con chị đã có những khoản đóng góp khác nhau. Mỗi lần đóng cứ ít thì vài ba trăm, nhiều có khi lên tới hàng triệu đồng. "Ngay khi đến hôm họp phụ huynh đóng tiền quỹ lớp lên tới 1 triệu đồng và hơn 500 ngàn tiền thu hộ nhà trường. Hôm đó chúng tôi cũng ký biên bản thỏa thuận các khoản thu - chi giữa nhà trường và gia đình, gồm các khoản tiền học 2 buổi/ngày, tiền ăn bán trú, quản lý chăm sóc học sinh, hỗ trợ cơ sở vật chất bán trú, tiền tiếng Anh, sổ liên lạc điện tử, tiền nước uống...” - chị Yến cho hay.

Trước đó, chị Yến cũng cho biết ngoài các khoản thu kể trên, con trai chị vẫn đóng các khoản tiền như: sách vở, đồng phục nhà trường, đồng phục thể dục, trang thiết bị cho con học thêm... những trang thiết bị đó đều có thể mua ở ngoài nhưng các giáo viên cứ mang đến lớp và đưa cho các con để hôm sau phụ huynh vào thanh toán.

Câu chuyện đóng góp quỹ trường, quỹ lớp và các khoản đầu năm chưa năm nào hết bức xúc từ phía phụ huynh. Có nhiều phụ huynh cho rằng đã tự nguyện thì tức là có bao nhiêu đóng bấy nhiêu, việc đóng góp phải thực sự tùy tâm. Tuy nhiên, thực tế lại khác, việc đóng góp tự nguyện đưa ra sẵn “mức sàn”, dù muốn hay không, phụ huynh cũng phải đóng ít nhất theo “sàn” đã định.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, anh Phùng Văn A. có con đang theo học tại trường mầm non Mễ Trì (Q.Từ Liêm, Hà Nội) cho hay ở trường, các phụ huynh phải đóng 200.000 đồng tiền lắp máy điều hòa, cộng với các khoản tiền trông xe, đồng phục, quỹ trường 300.000 đồng, quỹ lớp 400.000 đồng. Anh A cũng cho hay có nhiều phụ huynh mà con em độ tuổi theo học tại trường, nếu không có hộ khẩu ở phường thì muốn xin vào học phải "chạy" giáo viên từ 5-8 triệu đồng/cháu. "Gần như giá này là giá sàn rồi, ai cũng biết, cũng tự hiểu với nhau. Cứ trái tuyến thì có từng này tiền, vào trường thì đóng các khoản này, đồng ý thì học, không thì tự mang con đi nơi khác." - anh A. bức xúc.

Khi học sinh đến trường không chỉ mang theo những ước mơ mà mang theo cả các khoản đóng góp trái quy định

Nhà trường bảo thu "đúng quy trình"

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc phản ánh trên từ phía phụ huynh, bà Nguyễn Thị Chuyên – Hiệu trưởng trường mầm non Mễ Trì khẳng định, tất cả các khoản thu: quỹ trường, quỹ lớp, tiền lắp điều hòa..., nhà trường đều làm từng bước, đúng quy trình. “Những phản ánh của phụ huynh nêu trên là chưa đúng. Việc thu 200.000 đồng lắp điều hòa, do trước khi vào năm học, một số lớp học ở tầng 1 thiếu máy nên ban đại diện cha mẹ HS lớp đã vận động theo hình thức xã hội hóa, phụ huynh nào có điều kiện đóng nhiều, không thu cào bằng. Quỹ phụ huynh thu 200.000 đồng HS/năm. Tất cả các khoản thu: Học phí, bán trú, quỹ lớp, quỹ trường..., nhà trường đều làm chặt chẽ, theo lộ trình và đúng quy định của Sở GD-ĐT” – bà Chuyên khẳng định. Riêng phản ánh của phụ huynh về khoản 7 triệu đồng/HS trái tuyến, bà Chuyên khẳng định không có chuyện này: “Trên địa bàn phường đã có trên 30 nhóm lớp tư thục, trường hoàn toàn không có HS trái tuyến”.

Vấn đề thu tiền gửi xe của phụ huynh, bà Chuyên giải thích: Trường có thu 100.000 đồng/phụ huynh/năm vì khu đô thị hóa nhanh, phụ huynh đông, trường đã mất xe ít nhất 4 lần, phụ huynh đến trường bắt đền... Do đó, phụ huynh năm học trước (2014 - 2015) đề xuất gửi xe trong trường và thu 20.000 đồng/phụ huynh/tháng. Ban đại diện cha mẹ HS ủy quyền cho nhà trường thu để hỗ trợ nhân viên bảo vệ trông giữ. Trường thu 100.000 đồng/phụ huynh/5 tháng. Bà Chuyên thừa nhận: "Việc này là không hợp lý, nhà trường sẽ điều chỉnh lại. Việc nhân viên phòng kế toán có thái độ chưa được khiếm nhã với phụ huynh, ngay sau buổi làm việc này, chúng tôi sẽ triệu tập cuộc họp để chấn chỉnh thái độ làm việc. Ngoài ra, chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ việc thu chi để có điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt, trường sẽ dừng ngay việc thu tiền xe của phụ huynh từ tháng 11”.

Liên quan đến việc thu - chi tiền trường đầu năm, không chỉ phụ huynh gửi đơn, phản ánh qua đường dây nóng mà trên mạng xã hội, Facebook..., rất nhiều bức xúc của phụ huynh bày tỏ về việc trường lạm dụng hình thức “tự nguyện” bắt phụ huynh đóng những khoản tiền phi lý. “Vin vào “tự nguyện”, nhiều trường buộc phụ huynh đóng vô tội vạ mà thanh tra đều "đúng quy trình".

Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết năm học 2016-2017, đối với khoản khác ngoài học phí, trong đó bao gồm cả khoản thu tự nguyện, Hà Nội vẫn áp dụng theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội. Theo đó, khi thu các khoản đóng góp tự nguyện, nhà trường phải tuân thủ theo đúng quy trình 4 bước với những phần việc bắt buộc, tuyệt đối không được "làm tắt" để đạt được sự tự nguyện. Đây là cơ sở giúp các trường triển khai thực hiện, cũng là căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra.

Từ một chủ trương không ép buộc, không cào bằng, khi thực hiện xã hội hóa đã bị không ít trường học biến thành những khoản thu đi ngược với chủ trương. Thêm nữa, những khoản thu đóng góp để phục vụ cho việc học tập của học sinh lại không được công khai một cách rõ ràng minh bạch. Thu bao nhiêu, đầu tư vào những việc gì là lý do đã có không ít ý kiến mong muốn được thu lại tiền xây dựng. Và nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ nhiều cấp ngành liên quan và cả từ phía phụ huynh thì tình trạng lạm thu, nhất là lạm thu xã hội hóa vẫn khó có thể chấm dứt.

"Ngay tại trường con tôi, khi các anh chị lớp trên đã đóng tiền mua điều hòa, máy chiếu rồi, nhưng khi con tôi vào lớp 1, tôi vẫn phải đóng khoản đó. Trong cuộc họp phụ huynh, cô giáo nói rõ thu để... trả lại cho các anh chị lớp trên đã đóng sau khi đã trừ khấu hao, tuy nhiên tôi thừa hiểu, các học sinh học hết cấp, sau khi ra trường, chẳng có nơi nào trả lại tiền... đã đóng góp vật tư nhà trường cho học sinh cả. Biết vậy, nhưng vẫn phải đóng cho con học cho xong" - một phụ huynh có con đang theo học tại Trường tiểu học Nghĩa Tân ngán ngẩm nói.

Trên thực tế, việc kiểm soát tình hình thu góp các khoản tự nguyện tại cơ sở không đơn giản. Khi được hô hào, ngay cả khi thấy đó là khoản không hợp lý, không cấp thiết, chẳng hạn như phụ huynh đã sắm đủ đồ dùng cho con nhưng khi vào học vẫn được yêu cầu mua bảng, đồ dùng; thậm chí có nơi còn muốn mua máy chiếu, điều hòa mới... nhưng hầu hết phụ huynh đều ngại nêu ý kiến phản biện. Có phụ huynh muốn phản ứng nhưng lại sợ con bị "để ý", điều chẳng ai muốn khi đưa con đến trường.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/nhieu-truong-nup-bong-tu-nguyen-de-lam-thu-nhieu-khoan-46029.html