Nhiều trung tâm Anh ngữ lộng hành: Có phần trách nhiệm từ Sở GD&ĐT?

Theo Luật sư Đào Thị Bích Hường, hiện chế tài của pháp luật chưa đủ tính răn đe đối với các trung tâm Anh ngữ sai phạm, cơ quan quản lý các cơ sở giáo dục cũng chưa có biện pháp cảnh báo phòng ngừa rủi ro cho phụ huynh và học sinh.

Thời gian gần đây xảy ra quá nhiều vụ việc các trung tâm tiếng Anh "ôm" hàng trăm triệu đồng học phí rồi đóng, trong đó phải kể tới trung tâm Anh ngữ Đại Bàng (Eagle) ở TP.HCM, Key group tại TP.HCM và Hà Nội, trung tâm ngoại ngữ SAS hay Apax Leaders... gây ảnh hưởng tới kế hoạch học tập của trẻ nhỏ

Vậy theo quy định của pháp luật, người dân cần làm gì để có thể lấy lại số tiền học phí khi đã nộp vào các trung tâm tiếng Anh? PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Đào Thị Bích Hường (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) về vấn đề này.

PV: Thưa Luật sư, trường hợp các trung tâm Anh ngữ như Apax Leaders đang nợ tiền của phụ huynh, nhưng ông Nguyễn Ngọc Thủy là người đứng đầu hệ thống đã bị khởi tố bắt giam vụ thì liệu các phụ huynh có thể lấy lại được tiền không?

Luật sư Đào Thị Bích Hường: Điều 87 Bộ Luật Dân Sự năm 2015 quy định về Trách nhiệm dân sự của pháp nhân như sau:

“1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác”

Theo quy định trên, Apax Leaders là một pháp nhân và phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện là ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức Shark Thủy, cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn EGroup) xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Tiền học phí do phụ huynh đóng cho Apax Leaders đã phát sinh giao dịch dân sự giữa hai chủ thể là Cá nhân - đại diện là phụ huynh học sinh và pháp nhân - đại diện là Apax Leaders.

Do vậy, nếu Apax Leaders tuyên bố phá sản hoặc ông Thủy bị bắt vào tù thì Apax Leaders vẫn phải có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về học phí, quyền lợi cho phụ huynh đã đóng tiền theo đúng quy định của pháp luật, đúng thỏa thuận giữa Apax Leaders và phụ huynh. Việc phụ huynh là bị hại có thể lấy lại được tiền không sẽ phụ thuộc vào việc Apax Leaders có tài sản để thi hành án dân sự hay không.

Trong trường hợp Cơ quan điều tra xác định được Apax Leaders có dấu hiệu hình sự thông qua việc thu học phí, lúc này tòa án sẽ buộc Apax Leaders bồi thường cho các phụ huynh và theo đó khả năng nhận lại tiền học phí đã đóng sẽ phụ thuộc vào việc có tài sản để bồi thường trách nhiệm dân sự hay không.

Tuy nhiên, nếu những người chịu trách nhiệm với Apax Leaders bị kết án tội liên quan đến chiếm đoạt học phí của các phụ huynh nhưng không có khả năng bồi thường thì có thể các phụ huynh sẽ không lấy lại được số tiền đã đóng. Trong trường hợp Apax Leaders chỉ có thể trả một phần số tiền đã nhận của phụ huynh thì theo quy định của pháp luật, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan như án phí, lệ phí, tiền thi hành án thì số tiền còn lại được chia theo tỉ lệ, và các phụ huynh là người bị hại sẽ được xếp là một hàng ưu tiên theo thứ tự thanh toán.

Vụ án dân sự có thể có dấu hiệu vi phạm hình sự nếu kết quả điều tra cho thấy, Apax Leaders không còn khả năng hoạt động nhưng vẫn nhận tiền đặt trước của các phụ huynh - là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của các phụ huynh. Do vậy cơ quan điều tra sẽ tập trung điều tra hoạt động của trung tâm diễn ra như thế nào, việc nhận tiền của các phụ huynh được sử dụng qua đâu. Nếu thấy có thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền học phí này thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Đào Thị Bích Hường (Ảnh: NVCC).

PV: Trong các vụ án chiếm đoạt này, nếu bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì sẽ phải đối mặt với mức án phạt nào, thưa bà?

Luật sư Đào Thị Bích Hường: Tất cả những người mất tiền từ các dự án đầu tư mua cổ phần, cho vay, nộp tiền vào trung tâm tiếng Anh đều được xác định là người bị hại. Có thể với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khác nhau nhưng tất cả các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đều là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm trả tiền cho người bị hại là trách nhiệm của các bị can, bị cáo. Nếu bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thì bị can, bị cáo sẽ bị thu hồi tài sản hoặc thu hồi các tài sản có nguồn gốc do phạm tội mà có để trả lại cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

Theo đó, cơ quan điều tra sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế, biện pháp ngăn chặn, để kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can, bị cáo để đảm bảo thi hành án. Theo quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự thì “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”, như vậy nếu bị can, bị cáo không tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có mức hình phạt tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.

PV: Nếu phụ huynh phát hiện mình là bị hại của một vụ chiếm đoạt tài sản cần báo cáo như thế nào với cơ quan chức năng? Sau đó cơ quan điều tra sẽ giải quyết như thế nào?

Luật sư Đào Thị Bích Hường: Trong trường hợp nếu phụ huynh phát hiện mình là bị hại của một vụ chiếm đoạt tài sản là tiền học phí đã đóng tại một trung tâm ngoại ngữ thì có lựa chọn những cách xử lý sau đây:

Thứ nhất, phụ huynh có thể làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng tại địa phương mà phụ huynh bị chiếm đoạt tài sản là học phí. Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra để xem xét liệu trung tâm ngoại ngữ đó có đủ điều kiện về giấy phép hoạt động đào tạo ngoại ngữ hay không. Nếu trung tâm đó không đủ điều kiện, trung tâm đó sẽ bị xem xét xử phạt trách nhiệm hành chính như xử phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép.

Thứ hai, phụ huynh cần ngay lập tức cung cấp thông tin hồ sơ với cơ quan điều tra để được xác định tư cách là người bị hại và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Phụ huynh cũng có thể tiến hành tố giác đối với hành vi có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của mình. Thứ ba, phụ huynh có thể lựa chọn thương lượng, yêu cầu bên chiếm đoạt tài sản hoàn trả tài sản hoặc khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu hoàn kiện đòi trả tài sản.

Sau khi tiến hành những bước này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, để kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, của tổ chức cá nhân chiếm đoạt tài sản để đảm bảo thi hành án, trả lại tài sản cho phụ huynh là những người bị hại.

PV: Nếu pháp luật không xử lý nghiêm sẽ có nhiều trung tâm tiếng Anh, trường học quốc tế tiếp tục sai phạm, theo bà hiện nay chế tài của pháp luật đã đủ tính răn đe? Việc để các trung tâm anh ngữ lộng hành có phải trách nhiệm của Sở GD&ĐT?

Luật sư Đào Thị Bích Hường: Hiện nay chế tài của pháp luật chưa đủ tính răn đe đối với hoạt động của các Trung tâm Anh ngữ, trường quốc tế tự phát này. Chúng ta vẫn xử lý theo các vụ việc riêng lẻ khi đã xảy ra hậu quả, chưa có biện pháp quản lý các cơ sở giáo dục, phòng ngừa rủi ro ngay từ đầu cho phụ huynh và học sinh. Công tác kiểm tra hoạt động vẫn chưa được tổ chức thường xuyên, việc nắm bắt các thông tin quản lý về trung tâm tại địa phương chưa được chi tiết.

Do đó, để việc tổ chức hoạt động sau khi được cấp phép đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện các trung tâm hoạt động giáo dục sai quy định cần tăng cường kiểm tra, thẩm định các điều kiện thành lập trung tâm như quyết định thành lập, quyết định công nhận giám đốc, quyết định cấp phép hoạt động, số lượng giáo viên người Việt Nam và người nước ngoài, trình độ của giáo viên, chương trình dạy học, công tác tuyển sinh.

Việc để các trung tâm anh ngữ lộng hành cũng là do một phần trách nhiệm của Sở GD&ĐT. Các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng cần có trách nhiệm hơn nữa về quản lý, kiểm tra (thường xuyên và đột xuất) về hoạt động giáo dục của các trung tâm trên địa bàn. Ngoài ra cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương trong công tác quản lý hoạt động đối với các trung tâm trên địa bàn.

Sở, Phòng GD&ĐT cần có trách nhiệm hơn về quản lý, kiểm tra (thường xuyên và đột xuất) về hoạt động giáo dục của các trung tâm trên địa bàn (Ảnh: Vietnamnet).

PV: Cơ quan nào cấp giấy phép cho các cơ sở Anh ngữ hoạt động, việc cấp phép phải qua những khâu nào, thưa bà?

Luật sư Đào Thị Bích Hường: Theo quy định tại Nghị định 135/2018/ND-CP thì người cấp giấy phép cho các cơ sở Anh ngữ hoạt động là: (i) Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quyết định thành lập trung tâm ngoại ngữ trong khuôn viên nhà trường; (ii) Người đứng đầu tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế được pháp luật cho phép thành lập các trung tâm đào tạo trực thuộc có thẩm quyền quyết định đối với các trung tâm ngoại ngữ trực thuộc; (iii) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập các trung tâm ngoại ngữ trực thuộc; cho phép thành lập các trung tâm ngoại ngữ thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên của trường.

Hoạt động đào tạo ngoại ngữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục nói chung. Do vậy luật pháp Việt Nam đã đặt ra một số điều kiện đối với hoạt động này. Theo đó có hai điều kiện cơ bản để xin giấy phép cơ sở Anh Ngữ hoạt động như sau: Thứ nhất là có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm. Thứ hai là có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục theo kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô hoạt động của trung tâm.

Khi có đầy đủ các Giấy tờ được quy định ở trên thì nộp trực tiếp hoặc trực tuyến đến Sở GD&ĐT nơi cơ sở Anh Ngữ đăng ký hoạt động. Sau đó, GD&ĐT tiếp nhận hồ sơ và xử lý thẩm duyệt hồ sơ theo quy trình. Trường hợp hồ sơ không đúng, không đủ theo quy định, Sở sẽ trả hồ sơ yêu cầu bổ sung. Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu tiếp tục chuyển sang bước thẩm tra cơ sở; Trường hợp cơ sở đạt yêu cầu sẽ ký Biên bản làm việc và chấp thuận. Trường hợp cơ sở không đủ điều kiện, Sở Giáo dục thông báo yêu cầu sửa chữa, bổ sung. Sau khi hồ sơ hợp lệ và thẩm tra cơ sở đạt, Sở GD&ĐT cấp Giấy phép cơ sở Anh Ngữ.

Trên thực tế không thể phủ nhận sự ra đời của các trung tâm Anh ngữ đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ tiếng Anh đối với học sinh và nhiều đối tượng khác. Để giúp con em mình có môi trường học tập tốt, các bậc phụ huynh không nên chạy theo những quảng cáo, những giới thiệu chưa xác thực để chọn cơ sở giáo dục cho con em của mình.

Phụ huynh cần sự thông thái khi lựa chọn các tổ chức, cơ sở giáo dục, cha mẹ nên có sự tìm hiểu, kiểm tra, kiểm soát giấy phép hoạt động; các đơn vị được lựa chọn nên là tổ chức, cơ sở giáo dục có kinh nghiệm, đội ngũ giảng viên gắn bó với cơ sở, lịch sử hoạt động, uy tín của tổ chức, cơ sở được thị trường chấp nhận thì an tâm hơn.

Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/cac-trung-tam-anh-ngu-long-hanh-co-phan-trach-nhiem-den-tu-so-gddt-d4214.html