Nhiều tổ chức Mỹ phản đối chính sách gây căng thẳng với CubaNhiều tổ chức Mỹ phản đối chính sách gây căng thẳng với Cuba

Trong vài ngày qua, nhiều tổ chức Mỹ đã lên tiếng phản đối loạt quyết định mới đây của chính phủ nước này gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Cuba với cáo buộc về cái gọi là các 'cuộc tấn công sóng âm' hay sự cố sức khỏe thính giác của các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba.

Những biện pháp của Mỹ bao gồm về việc cắt giảm mạnh số lượng nhân viên, ngừng vô thời hạn hoạt động cấp thị thực tại La Habana và cảnh báo công dân Mỹ không nên tới Cuba vì “không đảm bảo an toàn”, ngừng cử các phái đoàn chính thức của Mỹ tới Cuba theo nghị trình và mới đây nhất là trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba tại Washington về nước.

Hiệp hội lớn nhất của các công ty lữ hành Mỹ có tổ chức các chuyến đi tới Cuba - có tên viết tắt tiếng Anh là RESPECT, sau khi tiến hành đại hội, đã ra một tuyên bố chung trong đó phản đối, với đồng thuận tuyệt đối, quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan tới cắt giảm nhân sự ngoại giao và cảnh báo công dân Mỹ.

Du khách đi bộ tại La Habana, Cuba. (Nguồn: Reuters)

Tuyên bố nêu rõ: “Với những bằng chứng được công bố tới thời điểm này và thực tế là Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định không có thêm công dân Mỹ nào khác bị ảnh hưởng, chúng tôi cho rằng quyết định trên là không thể bào chữa, và do đó, chúng tôi tiếp tục tổ chức các chuyến đi tới Cuba và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức khác cùng chức năng làm điều tương tự”.

RESPECT tập hợp 150 công ty lữ hành, các tổ chức điều hành du lịch hay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác liên quan, được thành lập tháng 12/2016 nhân kỷ niệm 2 năm Cuba và Mỹ mở lại đối thoại chính thức.

Bob Guild, đồng điều phối viên của RESPECT, nhấn mạnh luật pháp Mỹ cho phép công dân nước này và những người cư trú tại Mỹ được tới thăm Cuba và Bộ Ngoại giao Mỹ không có quyền hạn cấm đoán hoạt động này. Cũng trong cuộc gặp trên, bà Gail Reed, người sáng lập tạp chí khoa học MEDICC, tuyên bố “Cuba tiếp tục là một điểm đến rất an toàn cho các khách lữ hành Mỹ” và không ai trong số hơn 500.000 khách Mỹ tới Cuba trong năm 2017 từng cho biết gặp các vấn đề sức khỏe tương tự, điều mà chính Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng thừa nhận, cũng như hơn 2 triệu du khách nước ngoài khác từng thăm “hòn đảo” tự do trong năm nay.

Trong khi đó, Chủ tịch AFSA - tổ chức công đoàn tập hợp hơn 15.000 nhà ngoại giao Mỹ đang làm việc tại khắp nơi trên thế giới – Barbara Stephenson  lên tiếng phản đối quyết định cắt giảm 60% số lượng nhân viên, cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại La Habana, và khẳng định các nhà ngoại giao thành viên của AFSA được chuẩn bị đầy đủ để tiếp tục nhiệm vụ của mình dù các “vấn đề về sức khỏe” là giả định hay là thực sự.

Tờ The New York Times cũng vừa có bài viết chỉ trích quyết định của Washington ngừng vô thời hạn dịch vụ cấp thị thực, khi cho rằng điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi chính đáng của các công dân hoặc người cư trú tại Mỹ gốc Cuba, trong đó đa phần có người thân sống tại Cuba và vẫn hồi hương thăm thân hoặc mời người nhà sang thăm Mỹ đều đặn.

Báo Thế giới và Việt Nam

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nhieu-to-chuc-my-phan-doi-chinh-sach-gay-cang-thang-voi-cuba-58408.html