Nhiều tỉnh xin thêm biên chế giáo viên, Thủ tướng đề nghị thảo luận thấu đáo

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành giáo dục và đào tạo năm 2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng nay (28/8), nhiều địa phương đề xuất bổ sung biên chế giáo viên con số rất lớn, đơn cử như Nghệ An 8.000, Gia Lai 3.000... khiến không khí tranh luận nóng bỏng.

Sáng nay (28/8), tại Hội nghị tổng kết toàn ngành giáo dục và đào tạo năm 2021, nhiều tỉnh thành có kiến nghị liên quan đến biên chế giáo viên, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Thành phố Hà Nội – ông Chu Ngọc Anh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các bộ ngành sớm ban hành quy chế tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của các cấp quận, huyện, thị xã.

Bộ Nội vụ cần có hướng dẫn để đảm bảo việc giao đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên đối với các cơ sở giáo dục công lập theo định mức quy định của Bộ.

Nhiều tỉnh thành đề nghị bổ sung biên chế giáo viên tại Hội nghị tổng kết toàn ngành giáo dục và đào tạo năm 2021 (ảnh Trinh Phúc).

Có hướng dẫn chuyển đổi mô hình sắp xếp tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương.

Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “Xin phép cho Hà Nội được thực hiện cơ chế đặc thù trong dự án trường học tại các quận nội thành. Vì hiện nay không còn quỹ đất”.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch tỉnh Nghệ An đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, bố trí đảm bảo biên chế để đảm bảo việc dạy học. Hiện nay Nghệ An thiếu gần 8.000 giáo viên các cấp chủ yếu mầm non, tiểu học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét hỗ trợ Nghệ An cũng như một số địa phương về cơ sở thiết bị dạy học, thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Trung đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét báo cáo tình hình lùi lộ trình thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 10 từ 2022 sang 2025-2026 vì thời điểm này địa phương do dịch COVID nên chưa đủ điều kiện xây dựng nguồn lực nhất là xây dựng chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên.

Ông Trung cho rằng: “Hiện đang thực hiện dạy lớp 6 thì 3 năm nữa thực hiện lớp 10 như vậy sẽ đồng bộ, có chất lượng hơn”.

Trong khi đó, đại diện của tỉnh Quảng Bình đề cập trong việc số lượng thiếu giáo viên gần 1000. Đại diện của Quảng Bình đề xuất tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh. Kom Tum, Gia Lai cũng đề xuất bổ sung thêm giáo viên và vắc xin cho học được. Vì các tỉnh này đang thiếu nhiều nghìn giáo viên.

Trước việc nhiều tỉnh có đề xuất thiếu giáo viên cần bổ sung, chủ trì hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giám sát về chuyên đề này.

"Nguyên tắc có học sinh thì phải có giáo viên.Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cơ cấu lại trường lớp đội ngũ giáo viên cho phù hợp để làm sao tiết kiệm tối đa nguồn lực. Kể cả các nước phát triển cũng vậy", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, việc nghiên cứu cơ cấu lại giáo viên thế nào cho phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả nhưng phải đảm bảo quyền lợi học hành của bất cứ em học sinh nào, ở bất cứ đâu.

"Không để học sinh thất học, nhưng chúng ta cơ cấu lại giáo viên sao cho phù hợp, hiệu quả" - Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng: "Đây là đề tài hết sức nóng bỏng, nhưng ý nghĩa nên cần bàn cho thấu đáo".

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-tinh-xin-them-bien-che-giao-vien-thu-tuong-de-nghi-thao-luan-thau-dao-post152847.html