Nhiều tiến sĩ quá!

Ở Việt Nam, tính từ hàm thứ trưởng trở lên, số người trình độ tiến sĩ cao gấp 5 lần so với Nhật. Nhưng xét về hiệu lực và hiệu quả quản lý thì chắc là mình không thể so sánh được, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia, cho biết.

Sao lại vậy? Phải chăng bằng tiến sĩ của quan chức Việt Nam không cao như bằng tiến sĩ của quan chức Nhật? Do tiếp xúc với nhiều với cán bộ lãnh đạo nên ông Hùng biết được rằng hiệu quả làm việc của quan chức Việt Nam chưa thực sự tương xứng với bằng cấp của họ. Theo ông, họ thiếu kỹ năng mềm trong việc quản lý, đưa ra mục tiêu chiến lược chuẩn, xử lý những tình huống khẩn cấp...

Gần đây dư luận bàn tán nhiều về một loạt các quan chức sử dụng bằng giả. Đây là hiện tượng rất đáng báo động ở nhiều cơ quan, đơn vị. Vụ việc bằng cấp của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang từng gây xôn xao dư luận là một ví dụ. Trong các bản khai với cơ quan chức năng, ông Quang cho biết đã đạt học vị tiến sĩ tại đại học Uppsala (Thụy Điển). Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định ông chưa đạt học vị này. Theo Cục An ninh Chính trị nội bộ thuộc Tổng cục An ninh II, Đại học Uppsala đã cấp chứng chỉ về nghiên cứu Khoa học Dược phẩm tự nhiên cho ông Quang, chứ không phải bằng tiến sĩ. Đại học Uppsala cũng xác nhận: “Ông Cao Minh Quang, sinh ngày 6.6.1953, đạt chứng chỉ “Licentiatexamen” về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên vào ngày 26.10.1994. Đây là chứng chỉ chứ không phải văn bằng. Theo quy định của Uppsala, để tham dự khóa học tiến sĩ thì phải có chứng chỉ này trước”.

Ở Việt Nam, không ai lạ gì việc cán bộ thường xuyên thay nhau đi bổ túc kiến thức, nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước. Chi phí học tập tất nhiên được lấy từ ngân sách nhà nước.

Khi đất nước vừa bước ra khỏi 2 cuộc chiến tranh kéo dài, nhiều người có công với đất nước xuất thân là nông dân, công nhân, trình độ rất hạn chế. Họ đã được đề bạt vào những chức vụ lãnh đạo. Đó là điều hợp lý. Để bổ sung điểm yếu về kiến thức, họ được cử đi học tập, rèn luyện thêm. Mô hình này đã chứng minh được tính hiệu quả của nó: bản lĩnh cách mạng giúp những người này giữ gìn đất nước sau cuộc chiến đồng thời, với kiến thức nâng cao họ đã góp phần phát triển đất nước được như ngày hôm nay.

Hiện nay, tình hình đã thay đổi song mô hình này vẫn được áp dụng, thậm chí bị biến dạng. Nhiều người tham gia vào bộ máy chính quyền nhưng không có kiến thức và kinh nghiệm. Để rồi, tiền ngân sách lại phải chi ra để họ đi học. Cũng không chắc những đồng tiền bỏ ra đó có được các học viên này phát huy hết hiệu quả hay không.

Trong khi đó, những người có kiến thức thực sự, học hành chủ yếu bằng tiền của gia đình, lại phải loay hoay tìm chỗ đứng. Cũng may, vẫn còn đó những tiến sĩ, những nhà khoa học thực thụ đang ngày ngày tìm tòi nghiên cứu hoặc miệt mài truyền thụ kiến thức cho các thế hệ tiếp bước. Nhiều người trong số họ không có chức vụ gì. Họ chỉ là tiến sĩ - tiến sĩ thực.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11949