Nhiều thứ lạ lan tới đền Hùng

Ấn lạ ở đền Hùng

Khách hành hương đóng tiền công đức tại đền Hùng trong dịp này đang được nhận một chứng nhận lạ. Trên đó là hình một dấu ấn vuông có dòng phụ chú: “Tổ Vương Tứ Phúc - Vua Hùng ban phúc”. Dư luận đang đặt câu hỏi không rõ ai đã cho phép được “nhân danh” vua Hùng như vậy.

Phiếu ghi công đức là một hình thức ghi nhận công lao, là hình thức đáp lễ người công đức nhưng các hình thức này đang tự phát, không hề có quy định chung từ phía Bộ VH-TT-DL.

Với phiếu công đức này, việc thương mại hóa ở đền Hùng, một nơi linh thiêng của đất nước ngàn đời nay đang diễn ra công khai?

Phiếu ghi công đức xưng danh vua Hùng

Ai cũng muốn trồng cây đánh dấu

Trong khi các vật thể “lạ” liên tục xuất hiện tại đền Hùng thì ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc BQL Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã lên tiếng khẳng định: “Bây giờ không có gì có thể mang vào Đền Hùng được, trừ hương, hoa”.

Ông cho biết từ câu chuyện hòn đá trên, những nhà quản lý cần phải rút kinh nghiệm. Dẫn chứng về cách quản lý của mình, ông kể câu chuyện các tỉnh xin trồng cây ở đền Hùng nhưng không được.

“Hai năm nay tôi về đây, tôi làm căng lắm, như tháng 2 vừa rồi, tỉnh Phú Thọ có văn bản đề nghị trồng một cây, tôi cũng không cho trồng. Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa ra đây, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Phú Thọ giao cho Sở NN&PTNT làm quyết định để trồng 1 cây ở đền Thượng, nhưng không bao giờ có chuyện như vậy. Trong quy định thể hiện rất rõ chức vụ nào mới được trồng cây ở đó, trồng ở vị trí nào. Làm thế tức là ép tôi, tôi nói luôn, các ông ép tôi là cây sẽ chết.

Giám đốc BQL đền Hùng Nguyễn Xuân Các.

Tôi làm việc ở đây là những việc tâm linh, trồng cây trước đền là cực kỳ khó khăn, phải hết sức cân nhắc. Còn ở vườn cây lưu niệm, mỗi tỉnh chỉ được trồng 3 cây, lãnh đạo trước đã trồng đủ 3 cây rồi thì thôi, làm gì còn chỗ mà trồng nữa. Thời gian gần đây, có người đề nghị công đức bằng cây nến nặng 1 tấn, cao 1,2 mét, nhưng tôi không đồng ý. Tôi khẳng định rằng, bây giờ không có gì có thể mang vào Đền Hùng được, trừ hương, hoa”, ông Các nhấn mạnh.

Trước đó (tháng 3/2012), ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc BQL khu di tích Đền Hùng khẳng định: Quy định bảo vệ rừng, bảo vệ khu di tích nêu rõ: Dù chặt một cành cây cũng phải báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Cây chết, đổ do nguyên nhân khách quan như mưa bão cũng không được cưa, chặt mà phải để chết mục.

Trước đó, câu chuyện hòn đá lạ và việc đưa vật thể lạ vào di tích đền Hùng, được “lờ” đi trong nhiều năm đang khiến dư luận quan tâm. Những ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao về một hòn đá lạ xuất hiện tại Đền Thượng, Đền Hùng, Phú Thọ.

"Hình thức bên ngoài cho thấy hòn đá là đạo bùa cát, cầu giải tai ương, thỉnh cầu phúc đức. Tuy nhiên, các chi tiết mà chúng ta chưa biết có thể phản lại ý nghĩa trên"- TS Nguyễn Xuân Diện, Viện nghiên cứu Hán Nôm phân tích về hòn đá lạ ở Đền Hùng.

Theo ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hòn đá này do một người tên Khảm ở Hà Nội cung tiến năm 2009, khi di tích tôn tạo, tu sửa.

Hòn đá có hai mặt, mặt trước phía trên có dấu ấn hình vuông "Tổ Vương Tứ Phúc" chữ nghĩa cũng giống như hình dấu trên tờ ghi công đức tu bổ đền Hùng; bên trái là dòng chữ Phạn - là câu thần chú của Phật giáo Mật tông, dòng chữ Hán là “Bách giải tiêu tai phù” nói lên rằng đây là một đạo bùa giải hết mọi tai ách.

Đền Thượng đã được tu bổ năm 2009 và theo thông tin từ Bộ VH-TT-DL thì trong thiết kế (có cả chi tiết nội thất) của đền Thượng không hề có “hạng mục” hòn đá này.

Thông tin từ Bộ VH-TT-DL chiều 16/4 cho biết Cục Di sản đã yêu cầu phía địa phương phải báo cáo cụ thể về trường hợp hòn đá này.

Hòn đá lạ ở đền Hùng chỉ là một trong nhiều ví dụ về các vật thể lạ như thế. Chính vì vậy, dư luận đang đặt câu hỏi nếu không siết lại kỷ cương, pháp chế trong lĩnh vực VH-TT-DL; có lẽ sau đá lạ, ấn lạ sẽ còn những vật thể lạ đáng lo khác.

Mai Nguyên (tổng hợp TPO, TNO, ĐVO)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/cong-dong-viet/201304/Nhieu-thu-la-lan-toi-den-Hung-2345410/