Nhiều tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp được gửi đến Thủ tướng

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra sáng 17/5 tại Hà Nội, nhiều tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp đã được gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Toàn cảnh hội nghị

Nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm

Bà Nguyễn Thị Nga Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, bà đã tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp vào năm 2016. Đây là lần thứ 2 bà Nga tham dự Hội nghị này để đề đạt nguyện vọng của doanh nghiệp tới Chính phủ.

“Trong suốt năm qua Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách và hành động quyết liệt, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Việc triển khai Nghị quyết 35 đã hỗ trợ rất nhiều cho DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh” – Bà Nga khẳng định.

Tuy nhiên, bà Nga cũng cho rằng, trong quá trình hoạt động kinh doanh, vẫn còn một số vướng mắc cần được sự hỗ trợ của Chính phủ. Bà kiến nghị: Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thúc đẩy kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Mong Chính phủ sớm có văn bản cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, để doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh bình đẳng với với khu vực kinh tế khác.

Bà Nga cũng góp ý sớm có văn bản cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư mạo hiểm, có cơ hội khắc phục các rủi ro kinh doanh.

Đề xuất bảo lãnh tỷ giá

Tại Hội nghị, ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long cho biết, với sự cố gắng, Golf Long đã hoàn thành nhiệm vụ của doanh nghiệp, đóng góp ngân sách cho nhà nước, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

Hiện tại, doanh nghiệp do ông Kiểm làm Chủ tịch HĐQT đang gặp phải một số khó khăn do doanh nghiệp đã đầu tư vào hạ tầng đường cao tốc.

Cụ thể, Golf Long Thành có đối tác nước ngoài là Nhật Bản. Tuy nhiên, để có đủ vốn thực hiện thì cần nguồn vốn lớn, nhưng ngân hàng tại Việt Nam không đáp ứng được.

"Chúng tôi đã ký với đối tác Nhật và họ lo nguồn vốn hàng tỷ USD để thực hiện các dự án BOT, hoặc mua các dự án BOT. Nhưng hiện nay có khó khăn là các dự án thực hiện phải cần thời gian dài, nhưng tỷ giá luôn thay đổi nên đề nghị Chính phủ có bảo lãnh về tỷ giá để thu hồi vốn, trả cho nước ngoài. Cụ thể, nếu biến động tỷ giá lớn thì được tăng thời gian thu phí", ông Kiểm nói.

Chữ "tín" trong kinh doanh đang bị đánh đồng

Theo bà Thái Hương- Chủ tịch Tập đoàn TH, nếu muốn đưa Việt Nam thành bếp ăn của thế giới thì trước hết cần "làm tử tế trong nước".

"Hôm nay tôi muốn nói đến chữ tín của doanh nghiệp và sức khỏe cộng đồng. Chữ tín trong kinh doanh gồm chữ tín của doanh nghiệp, doanh nhân nhưng chữ tín này đang bị đánh đồng. Dù có tiêu chuẩn sữa học đường nhưng hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về dạng sữa lỏng"- Chủ tịch TH nói.

Cụ thể, vào các trường học thì sữa sử dụng đang là sữa ký chứ không phải là sữa tiêu chuẩn học đường như Nhà nước ban hành.

Theo Chủ tịch TH, ở các nước tiên tiến chỉ sử dụng sữa bột, sữa tươi nhưng ở Việt Nam lạm dụng sữa tiệt trùng, sữa hoàn nguyên.

“Bộ Y tế đã lấy ý kiến của doanh nghiệp và các tổ chức cộng đồng từ nhiều năm nay nhưng tới giờ không hiểu mắc ở đâu mà chúng ta vẫn chưa thể ban hành được tiêu chuẩn sản phẩm, nhất là về sữa”- bà Hương chia sẻ.

Theo bà Hương, để biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới theo bà Hương trước hết phải "làm tử tế" ngay trong nước, phải ban hành cấp thiết tiêu chuẩn sản phẩm để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh.

Tiếp tục đẩy lùi nhũng nhiễu, tham nhũng

Ở vai trò Hiệp hội, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, mặc dù đã có những hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có gánh nặng chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.

Theo ông Thân, việc cải cách thế chế đã giúp giảm chi phí chính thức của doanh nghiệp trên một số khía cạnh, đặc biệt các các chi phí tiệm cận dịch vụ công, tạo bước tiến về cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên các loại thuế phí vẫn còn là gánh nặng. Trong khi đó, tình trạng chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn nhiều.

Mặt khác, những khoán chi phí không chính thức cũng đang là rào cản cho sự cải thiện môi trường kinh doanh, sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo người đứng đầu Hiệp hội, nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải chi các khoản không chính thức đó là sự thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu của một số người thi hành công vụ hướng dẫn không đầy đủ cho doanh nghệp, tìm cách bắt lỗi doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp muốn “xong việc” thì phải “đi đêm”.

Thêm nữa, lương của công chức hiện nay rất thấp, để cải thiện cuộc sống, một số người đã phải nhũng nhiễu doanh nghiệp để có thêm thu nhập. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp “chạy chọt” quan hệ ngoài luồng, làm phát sinh tham nhũng, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

“Nếu các chi phí không chính thức không được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn gia tăng sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp, làm doanh nghiệp nản chí trong kinh doanh, bào mòn sự cạnh tranh, giảm sức cạnh tranh quốc gia, làm hỏng bộ máy quản lý, hỏng niềm tin của nhân dân”. – ông Thân khẳng định.

Theo ông Thân, để khắc phục hiện tượng này phải có sự chung tay, thực tâm từ cả hai phía là cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp. Chỉ như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tạo thói quen ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao văn hóa kinh doanh, với sứ mệnh phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chân chính là yêu nước, thực hiện nói không với tiêu cực, chủ động tăng cường năng lực quản trị, chung tay cùng với Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực trong kinh doanh.

Tránh tình trạng "mua quan, bán chức"

Ông Nguyễn Văn Đệ- Chủ tịch Công ty Hợp Lực kiến nghị, Chính phủ cần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với doanh nghiệp khi mà tình trạng các chậm trễ trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến.

“Ở nhiều địa phương đang thừa cán bộ, cán bộ đi chơi còn nhiều. Do đó trong công tác cán bộ phải tránh được tình trạng mua quan bán chức. Chúng ta cần chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đã nêu”, ông Đệ cho biết.

Về Nghị quyết 93 của Chính phủ, ông Đệ cho rằng không nên cho phép xây dựng bệnh viện tư trong khuôn viên bệnh viện công. Bởi đây là hậu quả trong tương lai về vấn đề tham nhũng, vấn đề thất thoát nguồn lực cho Nhà nước.

“Nếu mỗi địa phương có một bệnh viện tư trong bệnh viện công thì sẽ “bóp chết” hàng chục bệnh viện tư khác. Do đó, đề nghị Chính phủ có chính sách sửa đổi khuyến khích để doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này chia sẻ quá tải với Nhà nước”- ông Đệ nhấn mạnh.

Về Nghị quyết trung ương 5 mới đây, theo ông Đệ, nên là “Cái gì doanh nghiệp làm được thì Nhà nước không làm nữa”. Ví dụ như nhiều bệnh viện tư doanh nghiệp làm được nhưng chính quyền ở một số địa phương lại không cho làm do đó Chính phủ nên chỉ đạo sát sao vấn đề này.

Nhà nước và nhân dân cùng quảng bá du lịch

Ông Trần Hùng Việt - Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Quốc gia, Tổng Giám đốc Saigontourist kiến nghị, cần hoàn thiện website evisa xuất nhập cảnh hỗ trợ người nước ngoài vì họ không biết để truy cập vào. Doanh nghiệp hiện cũng đang gặp khó khan về vấn đề thuế đất các cơ sở resort có cảnh quang xanh.

Quy hoạch phát triển du lịch vùng của từng địa phương cũng chưa có sự thống nhất, phát triển chưa bền vững.

Ngoài ra, CEO Saigontourist cho rằng cần quy hoạch vùng và chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, ông Việt đề nghị có quỹ các DN đóng góp thêm, nhà nước và nhân dân cùng làm, vì lý do quảng bá du lịch hiện nay chưa tập trung do ngân sách hạn chế. Đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ, đầu tư vào vùng sâu vùng xa biên giới…

Dẹp cơn “sốt ảo” đất vùng ven

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, cơn sốt đất chủ yếu diễn ra tại một số quận như: quận 9, quận 12... và đã lan sang cả huyện Củ Chi, Cần Giờ... Đầu nậu, cò đất là thủ phạm chính gây ra cơn sốt đất này.

Từ thực tế này, ông Châu cho rằng, thành phố cần công bố rõ thông tin huyện nào lên quận để tránh việc giới cò đất lợi dụng, tung tin hỏa mù. Ngoài ra, một số dự án của các tập đoàn lớn đầu tư tại thành phố cũng bị giới đầu nậu lợi dụng, đẩy giá lên.

Cùng với đó, ông Châu cũng kiến nghị “Chính phủ cần có chỉ đạo, phối hợp với UBND TP HCM khẩn trương đưa ra giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất ở vùng ven thành phố”.

Đồng thời có những giải pháp xử lý rủi ro tiềm ẩn trong thị trường BĐS như: Hạch toán bù trừ trong kinh doanh BĐS ở những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành; Cho phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng nước ngoài; Sửa đổi luật đầu tư kinh doanh; Sớm ban hành một số quyết định mới về xử lý vấn đề đất đai doanh nghiệp cổ phần hóa; bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.

Sớm có giải pháp "giải cứu" ngành chăn nuôi

Ông Phạm Văn Sơn - Ủy viên Ban quản trị Tập đoàn BMJ cho biết, tình hình kinh tế đang phức tạp trong đó giá thực phẩm xuống thấp kỷ lục. “Chúng tôi mong chính phủ sớm họp để có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y”. – ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo các các bộ ngành, địa phương vào cuộc tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi; Huy động doanh nghiệp vào cuộc xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia về nông nghiệp; Có chính sách quy hoạch phát triển chăn nuôi, nông nghiệp; hỗ trợ vay vốn, giao đất trong một thời gian dài cho những người làm trang trại; Lập dự án cấp quốc gia, giao cho doanh nghiệp và đại học nông nghiệp tạo ra những dự án nông nghiệp quy mô lớn; Xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia, sạch, hướng tới thị trường thế giới…

Đầu tư của châu Âu chưa tương xứng tiềm năng

Ông Jens Ruebbert - Chủ tịch EuroCham chia sẻ, Eurocham là hiệp hội thương mại lớn thứ 5 thế giới, là một trong những hiệp hội lớn nhất ở Việt Nam với hơn 1.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, Đầu tư của châu Âu ở Việt Nam chưa tương xứng tiềm năng.

Trong khi đó, theo Chủ tịch EuroCham Việt Nam và Eu đang đứng trước cơ hội hiếm có để đưa quan hệ lên tầm cao mới, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (VN-EU FTA). Hiệp định thương mại tự do sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ tăng 50% trong những năm tới.

Vì vậy, người đứng đầu EuroCham kiến nghị cần có các giải pháp để tạo làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam; thúc đẩy hợp tác đầu tư sản xuất dược phẩm; phát triển năng lượng xanh; xem xét các quy định về thuế, hải quan; đẩy nhanh triển khai Cổng TT một cửa quốc gia...

Cần thành lập một tập đoàn bán lẻ theo quy mô quốc gia

Đánh giá về thị trường, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, bán lẻ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng liên tục thời gian qua, góp phần quan trọng vào ổn định, tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của toàn ngành đạt trên 10% trong năm 2016, tuy nhiên các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Chính phủ cần nghiên cứu và xây dựng các chương trình khuyến thương để khuyến khích thương mại, bên cạnh các chương trình khuyến công và khuyến nông hiện tại.

“Trong thời gian chờ đợi, nên bổ sung các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào các chương trình khuyến công, khuyến nông, qua đó giúp nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành bán lẻ - khâu kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng”. - bà Loan đưa ý kiến.

Bà Loan cũng đề nghị thành lập một Tập đoàn bán lẻ đa sở hữu của Việt Nam trên cơ sở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hàng đầu hiện tại. Ước tính, nếu được xây dựng tập đoàn này sẽ có quy mô doanh thu từ 4 đến 5 tỷ USD mỗi năm. Mô hình này trước đây đã từng được xây dựng và nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ, tuy nhiên do không tiếp cận được mặt bằng tại các tỉnh và những khó khăn trong khâu quản lý nên đã thất bại.

Đồng thời, với quy mô và tính đa dạng như hiện tại, bà Loan cũng đề nghị bổ sung ngành bán lẻ với tư cách ngành nghề kinh doanh độc lập, không nằm trong ngành nghề cơ sở hạ tầng như hiện tại.

Minh bạch và công bằng trong thực hiện luật

Theo ông Akio Mimura – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), Hiệp hội hiện có 1.600 công ty Nhật Bản đang kinh doanh ở Việt Nam, tham gia Hội nghị lần này JCCI kiến nghị nội dung về vấn đề minh bạch và công bằng trong diễn giải và thực hiện luật.

Theo khảo sát, Việt Nam xếp thứ 4 trong nhóm các nước có triển vọng đầu tư trung hạng. Kiến nghị và yêu cầu hàng đầu mà các công ty Nhật Bản đưa ra là cần minh bạch việc diễn giải luật và các quy định của Việt Nam. Nó sẽ là chất xúc tác quan trọng cho việc đầu tư.

“Tôi nhận ra rằng chính phủ Việt Nam nỗ lực và đạt được những thành tựu. Đây là cách tốt nhất để Việt Nam phát triển trong dài hạn. Để thực hiện điều đó, quan trọng là ý chí mạnh mẽ của chính phủ tiên phong. Chúng tôi xin chân thành đề nghị ngài Thủ tướng Chính phủ thực hiện bước đi mạnh mẽ chưa từng có. Chúng tôi cũng mong được sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản”- Chủ tịch JCCI nhấn mạnh.

Theo Enternews.vn

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhieu-tam-tu-nguyen-vong-cua-doanh-nghiep-duoc-gui-den-thu-tuong-0126051.html