Nhiều sáng kiến từ nhu cầu thực tiễn

Những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở Quân khu 2 phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Các đơn vị đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, cho ra đời những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, khả năng ứng dụng rộng rãi, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ...

Lữ đoàn Công binh 543 được biên chế nhiều trang thiết bị, trong đó có ca nô BMK-T. Với hệ thống lái được sử dụng toàn bộ bằng điện, thông qua bộ chiết áp lái và các vi mạch điện tử, ca nô BMK-T có khả năng cơ động nhanh, phục vụ chở binh khí kỹ thuật qua sông hiệu quả. Tuy nhiên, người lái ca nô thường gặp sự cố trong quá trình điều khiển, như bị loạn điện, hỏng hệ thống lái. Thấy bất cập đó, Đại úy QNCN Phan Anh Giang (nhân viên lái ca nô, Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 543) đã nghiên cứu, cho ra đời “Hệ thống lái ca nô BMK-T bằng cơ khí”, thay thế hệ thống điện khi gặp sự cố.

Chỉ huy Xưởng X78 (Cục Kỹ thuật Quân khu 2) thẩm định sáng kiến tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp quân khu, năm 2022.

Chỉ huy Xưởng X78 (Cục Kỹ thuật Quân khu 2) thẩm định sáng kiến tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp quân khu, năm 2022.

Theo Đại úy QNCN Phan Anh Giang, nếu hệ thống điện ca nô bị hỏng kéo toàn bộ hệ thống điều khiển bằng điện bị ngắt thì “Hệ thống lái ca nô BMK-T bằng cơ khí” sẽ thay thế bằng cách: Người lái lấy tay truyền lực thả vào vị trí lỗ tay quay nâng chân vịt; lấy hệ thống lái đặt vào vị trí sao cho chốt liên kết khớp với thanh truyền lực. Khi đó, lái chính ở vị trí buồng lái điều khiển công tắc ly hợp.

Lái phụ điều chỉnh lái cơ khí nhờ hệ thống bánh răng và xích truyền lực, đánh tay lái sang bên nào thì ca nô chuyển hướng về bên đó. Khi lùi, quay lái nhiều về một bên, chân vịt sẽ làm việc ở chế độ lùi. Sáng kiến này có thể áp dụng rộng rãi tại các đơn vị có sử dụng ca nô BMK-T trong toàn quân.

Lữ đoàn Pháo binh 168 quản lý, sử dụng nhiều chủng loại xe ô tô, chủ yếu là xe URAL. Đặc điểm của xe URAL có hệ thống phanh thủy khí kết hợp; quá trình sử dụng, hệ thống phanh thường bị hư hỏng. Mỗi lần bảo dưỡng, sửa chữa xong, người thợ phải tiến hành xả khí theo quy trình, trong đó bắt buộc phải nổ máy để đạt áp suất khí nén đủ tiêu chuẩn (P=6,5kg/cm2), thời gian thực hiện 5-10 phút và cần hai người.

Nhận thấy việc xả khí như vậy sẽ tốn nhiên liệu, nhân công, Thiếu tá QNCN Đỗ Công Tâm, thợ sửa chữa ô tô, Phòng Kỹ thuật, Lữ đoàn Pháo binh 168 đã nghiên cứu, cho ra đời sáng kiến “Dụng cụ xả khí cho hệ thống phanh dầu trên xe ô tô”. Dụng cụ này làm việc theo nguyên lý chênh áp giữa bơm dầu và xi lanh công tác. Áp dụng sáng kiến, hệ thống phanh hoạt động nhanh nhạy, với một người thực hiện, không phải nổ máy, chỉ cần lấy khí nén sẵn có từ bên ngoài để đạt áp suất 6,5kg/cm2; điện năng tiêu hao 0,1kW, an toàn cho phương tiện và người sử dụng.

Tại Lữ đoàn Phòng không 297, cán bộ, chiến sĩ cũng nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, như: Sáng kiến nâng tầm pháo phòng không 57mm; hệ thống điều khiển bia ẩn hiện; giá bảo quản đạn pháo; thiết bị tạo giả tiếng hỏa lực địch điều khiển từ xa; giá hiệu chỉnh đường ngắm súng bộ binh...

Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của Lữ đoàn 406 và Kho K79 (Cục Kỹ thuật) đã tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích: Thiết bị ra vào bánh xe ô tô; xe đẩy bình điện xe tăng T-54; thiết bị bổ sung dầu bôi trơn trên xe ô tô, xe tăng, thiết giáp; thiết bị cẩu động cơ cabin, thùng, bệ xe ô tô, xe tăng, thiết giáp và nòng pháo; thiết bị phun cát khô, cát ướt làm sạch bề mặt vỏ xe quân sự trước khi sơn mới...

Đại tá Trần Kim Quý, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu 2 cho biết: "Để phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong LLVT Quân khu được triển khai rộng khắp và duy trì liên tục, chúng tôi yêu cầu cơ quan kỹ thuật các cấp phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu với cấp ủy, chỉ huy và chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị trong Quân khu đều đưa nội dung phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác, với các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể; duy trì nền nếp hoạt động của hội đồng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là nêu gương những tập thể, cá nhân, sản phẩm điển hình.

Cùng với đó, Quân khu ban hành quy chế và có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ có thành tích trong nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; coi kết quả nghiên cứu sáng kiến là một “tiêu chí cứng” trong bình xét thi đua hằng năm của tập thể, cá nhân".

Bài và ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhieu-sang-kien-tu-nhu-cau-thuc-tien-724392