Nhiều sáng kiến, giải pháp hay trong công tác cải cách hành chính

Với các biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm cải cách nền hành chính công (HCC) đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, tại tỉnh An Giang thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động triển khai của các cơ quan, đơn vị về các kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch triển khai năm 2023, bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch năm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ (HS) thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến đạt hiệu quả cao, tiến hành tốt công tác số hóa HS theo quy định; thực hiện "4 tại chỗ"; tổng số HS đã xử lý đúng hạn đạt 99,9%. Bộ máy tổ chức tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh ngày càng được chuẩn hóa, thường xuyên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc.

UBND tỉnh đã kết nối, tích hợp đồng bộ 100% danh mục TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia; cung cấp hơn 2.000 dịch vụ HCC cho tất cả TTHC của tỉnh; tỉ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến 75,6%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) được tỉnh đầu tư khá đồng bộ, phục vụ triển khai các ứng dụng CNTT và dịch vụ chính quyền điện tử. Từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Trung tâm PVHCC, song song với việc XD kế hoạch triển khai hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nâng cao kỹ năng số và thực hiện các DVCTT, hướng đến phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh.

Một buổi tập huấn nghiệp vụ triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông tại điểm cầu huyện An Phú

Một buổi tập huấn nghiệp vụ triển khai hai nhóm thủ tục hành chính liên thông tại điểm cầu huyện An Phú

Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chương trình về chuyển đổi số tỉnh An Giang từ nay đến năm 2025, định hướng tới năm 2030; triển khai, hoàn thành đề án số hóa HS và các nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06/CP của Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ theo kế hoạch năm 2023...

Mô hình "Ngày không viết" và "Ngày không hẹn" được thực hiện vào thứ tư hàng tuần trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp (DN) được thực hiện tại Trung tâm PVHCC tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết TTHC. Sở Tư pháp tỉnh thực hiện mô hình tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật qua tin nhắn điện thoại; ngành Y tế vận hành "Ki-ốt thông minh" tại Bệnh viện Sản - Nhi An Giang giúp rút ngắn quy trình tiếp nhận, khám, điều trị cho bệnh nhân; Sở Giao thông vận tải tỉnh đã chuyển giao TTHC thuộc thẩm quyền cho 11 UBND cấp huyện và 156 UBND cấp xã trực tiếp giải quyết, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân, DN.

Cuối tháng 8 vừa qua Công an (CA) tỉnh An Giang đã tổ chức lễ công bố các quyết định của Bộ trưởng Bộ CA và Giám đốc CA tỉnh về kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự CA các đơn vị, địa phương theo Đề án 19/ĐA- BCA, Phương án 01/PA-BCA ngày 10/7/2023 của Bộ CA. Theo đó, CA An Giang giảm 4 đơn vị cấp phòng, từ 30 đơn vị trực thuộc còn 26. Công an TP.Long Xuyên thực hiện "Ngày thứ 6 giúp dân", hỗ trợ thực hiện TTHC trong lĩnh vực cư trú chỉ 1 ngày....

"Ki-ốt thông minh" tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh An Giang giúp rút ngắn quy trình khám, điều trị cho bệnh nhân

"Ki-ốt thông minh" tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh An Giang giúp rút ngắn quy trình khám, điều trị cho bệnh nhân

Nhiều địa phương thông qua dịch vụ bưu chính công ích, tiếp nhận HS và trả kết quả TTHC không thu phí tại nhà người dân; ứng dụng công nghệ thông tin qua mô hình "Phòng họp không giấy"... Một số sáng kiến, giải pháp hay trong công tác CCHC được áp dụng như: Sử dụng thiết bị đọc QR trên căn cước công dân phục vụ tiếp nhận TTHC tại UBND thành phố Long Xuyên; nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên - Môi trường... Về nhiệm vụ chuyển đổi số, tỉnh đã thành lập và triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố với hơn 6.500 thành viên; phủ kín Tổ công nghệ số cộng đồng cấp phường/xã, khóm/ấp.

Là điểm sáng trong công tác CCHC của tỉnh An Giang, TP. Long Xuyên trang bị cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả từ thành phố đến xã, phường, đáp ứng giải quyết kịp thời TTHC phục vụ người dân. Năm 2022, TP. Long Xuyên thực hiện hơn 26.700 HS "Ngày không viết", "Ngày không hẹn"; giải quyết hồ sơ DVCTT mức độ 3 và 4 đúng hạn gần 99%. Chính quyền TP. Châu Đốc đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đổi mới về công tác CCHC đạt nhiều kết quả. 100% TTHC của các cấp, ngành được công khai, thống nhất trên môi trường internet và tại bộ phận một cửa các cấp... Tại huyện biên giới An Phú tăng cường tập huấn nghiệp vụ triển khai các nhóm TTHC liên thông...

Theo Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, những kết quả đạt được trên là nhờ sự quyết tâm của cấp ủy và chính quyền các cấp, góp phần thực hiện tốt công tác này, xây dựng nền hành chính của tỉnh từng bước hiện đại, hướng tới chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

NGUYỄN HÒA

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhieu-sang-kien-giai-phap-hay-trong-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh_152390.html