Nhiều rào cản trong phát triển HTX lâm nghiệp quy mô lớn

Sản xuất lâm nghiệp bền vững cần nguồn vốn lớn nhưng các chính sách hỗ trợ người dân, HTX trong lĩnh vực này vẫn còn chồng chéo, thậm chí chưa phù hợp với thực tiễn đầu tư nên chưa thu hút người dân tham gia và khiến mô hình HTX lâm nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ.

Trồng rừng, nhất là rừng gỗ lớn làm nguyên liệu thường có chu kỳ kinh doanh từ 7-10 năm, thời gian kéo dài thì chi phí trang trải của HTX lâm nghiệp càng lớn. Muốn cùng lúc đáp ứng cả tiêu chí kinh doanh lẫn duy trì hoạt động bộ máy (khấu hao tài sản, tiền lương, các loại chi phí khác), đòi hỏi HTX phải có nguồn vốn lớn để bảo đảm hoạt động dài hạn, từ đó mới hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa đủ lớn, vừa phục vụ cho khâu chế biến.

Khó thu hút đầu tư

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên (Thừa Thiên Huế), việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, nhất là từ các ngân hàng thương mại không hề dễ dàng đối với HTX.

Ông Lê Văn Dưỡng, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Phai Sen (Lạng Sơn), cho biết HTX đang phát triển cây giống trồng rừng và muốn tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. HTX đã kiến nghị lên cơ quan quản lý tại địa phương thì được trả lời là Nhà nước chưa giao vốn thực hiện năm 2023 nên HTX phải xem xét nghiên cứu các chính sách khác của tỉnh để được hỗ trợ nhưng cũng không phải dễ dàng vì nhiều chỉ tiêu, tiêu chí khắt khe.

Hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chính sách hỗ trợ người dân, HTX lâm nghiệp. Tuy nhiên, khi triển khai ở các địa phương lại gặp phải những khó khăn nhất định.

Nhiều HTX cần tiếp cận nguồn hỗ trợ để đầu tư cho vườn ươm cây lâm nghiệp.

Cụ thể tại điều 19, Thông tư số 12 ngày 20/9/2022 của Bộ NN&PTNT, đối tượng là hộ gia đình phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền. Nhưng vấn đề giao đất rừng ở hầu hết các địa phương thuộc vùng dân tộc, miền núi vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ vì ngay trong Luật đất đai 2013 cũng chưa có những quy định, hướng dẫn rõ ràng về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ, cộng đồng.

Đặc biệt, các HTX lâm nghiệp cho rằng mức hỗ trợ không quá 1,6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo là quá thấp so với thực tế cần đầu tư trong ngành lâm nghiệp. Mức hỗ trợ quá thấp sẽ không tạo động lực kinh tế, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, an ninh, quốc phòng.

Đó là chưa kể chính sách hỗ trợ đầu tư trong lâm nghiệp hiện còn quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau, như: quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, quyết định số 07/2012/QĐ-TTg, Nghị định số 75/2015/NĐ-CP… nên gây khó khăn cho người dân, HTX trong quá trình tiếp cận hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hữu Dương Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Hiệp Thuận (Quảng Nam), cho biết Thông tư số 12 của Bộ NN&PTNT chỉ hỗ trợ cho diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng sản xuất là đang bị bó hẹp và chưa phù hợp với thực tiễn ở nhiều tỉnh. Bởi ngoài rừng sản xuất, người dân còn phát triển các loại rừng khác.

Chính sách cần hợp thực tiễn

Có thể thấy, phát triển lâm nghiệp bền vững đã được Nhà nước quan tâm nhưng những khó khăn trong thực tiễn triển khai chính là lực cản khiến nông dân, HTX khó phát huy hết tiềm năng lợi thế về lâm nghiệp.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh mức hỗ trợ để hạn chế sự đắn đo, chậm trễ của chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách hỗ trợ, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển rừng bền vững của người dân, HTX, doanh nghiệp là cần thiết.

Ông Lê Văn Dưỡng cho biết HTX đang cần nguồn vốn lên đến hàng trăm triệu đồng để phát triển, cải tạo vườn ươm. Nhưng đối với chính sách hỗ trợ vườn ươm xây dựng mới ở những xã biên giới được hỗ trợ theo mức vốn dự án được duyệt. Còn đối với vườn ươm cải tạo, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn vườn ươm quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg, mức hỗ trợ không quá 75 triệu đồng một vườn ươm là quá thấp.

TS Nguyễn Tiến Định, Trưởng phòng kinh tế, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết trên cả nước có gần 31.000 HTX nhưng hiện mới có khoảng 200 HTX, 2 Liên hiệp HTX và 320 THT lâm nghiệp là còn rất khiêm tốn.

Điều này là do tài sản trong các HTX lâm nghiệp hiện nay còn thấp (100 triệu đồng đến 40 tỷ đồng). Các loại tài sản được coi là có giá trị của HTX chủ yếu là trụ sở, công trình hạ tầng, đường lâm nghiệp nhưng thực chất giá trị không cao. Trong đó, nhiều diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ còn bất cập, địa phương chậm hướng dẫn người dân, HTX nên không khuyến khích được các chủ rừng, HTX, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi.

Do đó, theo TS Nguyễn Tiến Định, các chính sách hỗ trợ về lâm nghiệp cần nới lỏng quy định về đối tượng, tiêu chí hưởng thụ để người dân, HTX có thể tiếp cận. Mức hỗ trợ kinh phí khoanh nuôi tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung cũng cần phù hợp nhu cầu thực tế đầu tư trong ngành mới có thể tạo động lực, thu hút người dân tham gia, từ đó thúc đẩy các chuỗi giá trị lâm nghiệp bền vững theo mô hình HTX-doanh nghiệp.

Ông Trần Nho Đạt, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp) cơ chế và chính sách chưa đủ mạnh khiến các chủ rừng khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Đi liền với đó là mức hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng thấp trong khi rủi ro với chu kỳ kinh doanh dài, thiên tai hay xảy ra khiến Việt Nam chưa phát huy được hết tiềm năng thế mạnh về lâm nghiệp.

Hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được triển khai ở giai đoạn 1 nhưng nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trồng rừng gỗ lớn nên chưa giúp các HTX lâm nghiệp nâng cao năng lực, thích ứng với chủ trương của Nhà nước.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/nhieu-rao-can-trong-phat-trien-htx-lam-nghiep-quy-mo-lon-1097239.html