Nhiều nước nới lỏng biện pháp phòng chống dịchTin khácĐảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường họcAnh hùng giữ chốt biên cương

Nhiều nước sẽ trở lại chế độ bình thường mới với việc dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống sự lây lan của đại dịch COVID-19.Đức sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo lộ trình 3 bước

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 16/2 cho biết nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo lộ trình 3 bước trong bối cảnh hầu hết các địa phương ở nước này đã đi qua “đỉnh” của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, ông Scholz cảnh báo đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

Theo nghị quyết đã được Thủ tướng Scholz và thủ hiến các bang thông qua ngày 16/2, trong bước đầu tiên, các cuộc gặp gỡ cá nhân với những người đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 và đã khỏi bệnh sẽ không giới hạn người tham dự. Những người chưa tiêm vẫn bị giới hạn về số lượng trong các cuộc gặp, trong đó một gia đình chỉ được gặp thêm tối đa 2 người từ một gia đình khác (không tính người dưới 14 tuổi). Các cửa hàng bán lẻ dỡ bỏ mọi kiểm soát về y tế (không cần chứng minh đã tiêm vaccine hay phải có giấy xét nghiệm âm tính), song vẫn phải đeo khẩu trang.

Trong giai đoạn thứ hai bắt đầu từ ngày 4/3, số người được tham gia các sự kiện ngoài trời tối đa tăng lên 25.000 người, trong khi các hộp đêm và các sự kiện lớn (như thể thao) sẽ mở cửa cho những người đã tiêm 3 mũi vaccine hoặc những người đã tiêm 2 mũi vaccine (hoặc đã khỏi) có xét nghiệm âm tính (2-G plus). Các sự kiện trong nhà giới hạn ở mức 60% sức chứa tối đa, song không vượt quá 6.000 người, trong khi các sự kiện ngoài trời giới hạn ở mức 75% sức chứa tối đa.

Ở giai đoạn thứ 3 từ ngày 20/3 tới, mọi biện pháp hạn chế lớn đều sẽ được dỡ bỏ nếu tình hình ở các bệnh viện cho phép. Bên cạnh đó, quy định làm việc tại nhà cũng sẽ được bãi bỏ.

Đức là một trong số nước áp đặt những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu. Đồng thời, Đức cũng là nước chậm hơn nhiều nước khác trong việc nới lỏng các hạn chế. Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết Đức không thể nới lỏng quá nhanh, bởi nước này có tỉ lệ tiêm phủ vaccine thấp hơn một số quốc gia láng giềng. Tính đến ngày 16/2, Đức đã tiêm ít nhất một mũi vaccine cho 63,319 triệu người (chiếm 76,1% dân số), trong đó 46,345 triệu người (55,73%) đã tiêm mũi tăng cường.

Theo TTXVN, trước Đức, nhiều nước châu Âu khác như Đan Mạch, Thụy Sĩ và Áo thông báo sẽ sớm dỡ bỏ hầu hết các hạn chế.

Ngày 16/2, Thủ tướng Áo Karl Nehammer thông báo nước này sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế còn lại liên quan đến đại dịch COVID-19 vào ngày 5/3 tới, bao gồm việc bỏ yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa trước nửa đêm và cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Vienna, ông Nehammer cho biết Chính phủ Áo đang thực hiện các bước một cách thận trọng khi số ca mắc mới mỗi ngày dao động dưới mốc kỷ lục và tình hình tại các bệnh viện vẫn trong tầm kiểm soát do số ca bệnh nặng trong làn sóng dịch bệnh mới, chủ yếu do nhiễm biến thể Omicron, không nhiều như trước.

Gần đây, Chính phủ Áo cũng tuyên bố từ ngày 19/2, người chưa tiêm phòng sẽ có thể sử dụng dịch vụ tại các nhà hàng và đến các cửa hàng không thiết yêu nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Theo Thủ tướng Nehammer, ngay cả những quy định về chứng nhận xét nghiệm âm tính, hồi phục hoặc tiêm phòng hay hạn chế quy mô các buổi tụ tập cũng đều sẽ được dỡ bỏ từ ngày 5/3. Chính quyền tại 9 tỉnh của Áo có thể tùy ý quyết định có duy trì những biện pháp hạn chế cao hơn so với mức chung của chính phủ liên bang hay không. Lâu nay, thủ đô Vienna vẫn giữ các quy định nghiêm ngặt hơn so với mức chung. Hiện Vienna vẫn chưa cho phép người chưa tiêm phòng đến các nhà hàng.

Yêu cầu chung với người nhập cảnh Áo cũng sẽ được hạ từ mức phải có chứng nhận tiêm mũi bổ sung (mũi 3) vaccine phòng COVID-19 xuống chỉ cần có chứng nhận đã tiêm phòng, hồi phục hoặc xét nghiệm âm tính gần đây. Về yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine, Thủ tướng Nehammer cho biết một ủy ban gồm các chuyên gia y tế và luật pháp sẽ đánh giá về mức độ phù hợp của quy định và báo cáo lên chính phủ trước ngày 15/3.

Từ ngày 17/2, Thụy Sĩ sẽ hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và trình các giấy chứng nhận liên quan đến COVID-19 tại các cửa hàng, nhà hàng, địa điểm văn hóa, nơi công cộng và tại các sự kiện. Quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc và khuyến nghị làm việc từ xa cũng được dỡ bỏ. Như vậy, người dân Thụy Sĩ sẽ chỉ còn phải tuân thủ quy định tự cách ly trong 5 ngày nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, cùng với quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, các quy định này dự kiến chỉ kéo dài đến cuối tháng 3.

Ngoài ra, Thụy Sĩ không còn yêu cầu trình giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm âm tính đối với khách nhập cảnh nước này.

Hà Lan sẽ trở lại chế độ bình thường mới với việc dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống sự lây lan của đại dịch COVID-19. Phát biểu ngày 15/2 trong một cuộc họp báo ở thành phố La Haye, Bộ trưởng Y tế, Phúc lợi và Thể thao Hà Lan Ernst Kuipers nêu rõ chính phủ sẽ mở cửa trở lại sau hơn hai năm nỗ lực bảo vệ người dân và chống chọi với đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh Hà Lan hiện đang ở trong một giai đoạn mới, phù hợp với cơ chế bình thường mới.

Theo dự kiến, Chính phủ Hà Lan sẽ dỡ bỏ các biện pháp phòng chống COVID-19 theo 3 giai đoạn. Cơ quan chức năng sẽ dỡ bỏ sớm lệnh cấm không tập trung quá 4 người trong nhà và làm việc trực tuyến. Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 18/2, tất cả các địa điểm trong nước sẽ được phép mở cửa trở lại đến 1h sáng. Từ ngày 25/2, các địa điểm này sẽ hoạt động theo giờ thông thường.

Cùng với đó, các địa điểm có sức chứa dưới 500 người sẽ không áp dụng yêu cầu giấy chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2, hủy bỏ quy định bắt buộc về việc giãn cách xã hội 1,5 m và đeo khẩu trang trong các nhà hàng và trường học. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng dịch sẽ vẫn được áp dụng như việc xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi vào các địa điểm thi đấu thể thao có sức chứa từ 500 người trở lên hay bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các sân bay.

Chính phủ Latvia đã thông qua một kế hoạch gồm 3 giai đoạn để dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp hạn chế phòng COVID-19 vào tháng 4 tới.

Các biện pháp phòng dịch sẽ được nới lỏng từng bước, có tính đến sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Giai đoạn đầu tiên của kế hoạch trên, có hiệu lực từ ngày 16/2, chủ yếu liên quan đến những trẻ em sẽ không cần chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 để được hưởng các dịch vụ hoặc tham dự một sự kiện. Với tỉ lệ mắc COVID-19 được dự báo sẽ bắt đầu giảm từ cuối tháng này, Bộ Y tế Latvia đã đề xuất nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng chống COVID-19 từ tháng 3 tới.

Tại CH Cyprus, ngày 15/2, Bộ trưởng Y tế Michalis Hadjipantelas cho biết chính phủ nước này đã quyết định dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 do số ca mắc COVID-19 hằng ngày trong những ngày gần đây không tăng thêm.

Theo Bộ trưởng Hadjipantelas, quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 21/2 tới ngày 14/3, trong đó quan trọng nhất là bỏ quy định phân biệt giữa những người đã tiêm chủng và những người chưa tiêm chủng liên quan đến việc ra/vào các khu vui chơi giải trí và tham dự các sự kiện xã hội và thể thao.

Nới lỏng hạn chế đi lại

Ngày 16/2, lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của Singapore cho biết nước này sẽ tiếp tục đơn giản hóa các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đã tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh số ca nhập cảnh không có khả năng gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình dịch bệnh trong nước và những trường hợp mắc bệnh ít chuyển biến nặng, cùng với tỉ lệ người dân được tiêm phòng vaccine cao cũng như năng lực y tế vẫn đáp ứng được yêu cầu.

MTF cho biết từ ngày 22/2, tất cả những yêu cầu về lịch sử đi lại sẽ giảm từ 14 ngày xuống còn 7 ngày; thời gian cách ly sẽ là 7 ngày được áp dụng cho tất cả các quốc gia và khu vực; những hành khách từ các nước thuộc nhóm 1 hoặc theo diện làn đi lại vaccine (VTL) sẽ không cần phải làm xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh Singapore, thay vào đó chỉ phải làm xét nghiệm ART trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh tại các trung tâm xét nghiệm trên toàn Singapore, những người có thẻ cư trú dài hạn đã tiêm đủ vaccine sẽ không cần phải xin giấy phép nhập cảnh.

Ngoài ra, để tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn nữa cho những người đã tiêm đủ vaccine, Singapore sẽ khôi phục và tăng số lượng người nhập cảnh theo chương trình VTL vốn đã giảm 50% kể từ tháng 12/2021 để đối phó với biến thể Omicron, với VTL đường hàng không sẽ có hiệu lực ngay lập tức và VTL trên bộ sẽ được khôi phục hoàn toàn từ ngày 22/2. Bộ Y tế Singapore cho biết thêm sẽ mở rộng VTL tới Hong Kong (Trung Quốc), Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 22/2 và các chuyến bay đầu tiên sẽ được thực hiện từ ngày 25/2.

Bên cạnh đó, Singapore cũng nới lỏng thêm một số hạn chế ở trong nước như các gia đình có thể được đón tiếp 5 khách đến thăm vào bất kỳ thời điểm nào, thay vì 5 người trong một ngày như trước đây; từ ngày 4/3 các hạn chế về quy mô của những sự kiện cụ thể như hành lễ tôn giáo hay đám cưới, đám tang sẽ được dỡ bỏ, tuy nhiên những sự kiện lớn có nguy cơ lây nhiễm cao vẫn bị hạn chế; tất cả các hoạt động thể thao có thể mở rộng tới 30 người…

Thủ tướng Israel Naftali Bennett dự định từ ngày 1/3 tới sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát phòng dịch COVID-19, vốn được áp dụng từ cuối năm 2021 để đối phó với biến chủng Omicron.

Dự kiến trong ngày hôm nay, 17/2, Ủy ban chống COVID-19 của Israel sẽ họp nhằm quyết định về việc dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế và giai đoạn đầu tiên có thể được áp dụng ngay tuần tới.

Các biện pháp đầu tiên sẽ là mở cửa đối với du khách nước ngoài, kể cả trẻ em – đối tượng hiện vẫn chưa được cấp phép nhập cảnh do vướng các quy định về tiêm chủng vaccine. Sau đó, các biện pháp hạn chế theo “Thẻ Xanh” (Green Pass) cũng sẽ được bãi bỏ.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế đối với các cơ sở giáo dục, như quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, vẫn tiếp tục có hiệu lực. Quy định này cũng sẽ được xem xét lại từ tuần tới.

Bộ trưởng Y tế Canada Jean-Yves Duclos ngày 15/2 cũng công bố một số điều chỉnh đối với quy định đi lại quốc tế, theo đó những người đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ sẽ không bị bắt buộc xét nghiệm PCR trước khi đến quốc gia Bắc Mỹ này.

Bộ trưởng Duclos nêu rõ hành khách sẽ vẫn phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi đến Canada, nhưng được tùy chọn xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm phân tử. Nhà chức trách sẽ tiến hành xét nghiệm PCR ngẫu nhiên đối với những người đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh nước này.

Bên cạnh đó, khuyến cáo đi lại đối với người Canada cũng thay đổi. Trước đây, Chính phủ Canada khuyến cáo người dân nước này tránh các chuyến đi với những mục đích không thiết yếu. Chính sách mới chỉ khuyến cáo người dân thận trọng. Chính sách mới nêu trên sẽ có hiệu lực vào ngày 28/2 tới.

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên trên thế giới, chính phủ các nước đã nỗ lực hết sức nhằm “xóa sổ” căn bệnh này và kiềm chế sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng ở mức thấp nhất có thể. Tuy nhiên, chuyên gia hàng đầu New Zealand – ông Bryan Betty cho rằng thế giới cần phải thay đổi tư duy về cách đối phó với đại dịch COVID-19 trong tương lai.

Tiến sĩ Bryan Betty – Giám đốc Y tế thuộc trường Cao đẳng Bác sĩ Đa khoa Hoàng gia New Zealand, cho biết: “Biến thể Omicron không phải là biến thể Delta. Khi bước vào năm thứ 3 của đại dịch, chúng ta cần chứng tỏ rằng chúng ta vẫn có thể kiểm soát những diễn biến liên quan đại dịch COVID-19, nhưng cũng cần chuẩn bị tinh thần cho việc chuyển hướng sang sống chung với dịch bệnh, thay vì chiến đấu với COVID-19 và tập trung vào các nguy cơ về sức khỏe và bệnh tật khác đang rình rập trước mắt”.

Tiến sĩ Betty cho biết: “Đại dịch có thể sẽ kết thúc trong vòng 6 đến 12 tháng tới. Nhưng điều đó không có nghĩa là COVID-19 sẽ biến mất, căn bệnh này sẽ vẫn tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta sẽ học cách sống chung với bệnh này, giống như cách chúng ta quen với cảm lạnh và cúm. Theo thời gian, tất cả chúng ta sẽ phải thích nghi. COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu trên toàn thế giới”.

Theo Baochinhphu

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/481909-nhieu-nuoc-noi-long-bien-phap-phong-chong-dich.html