Nhiều nước đối mặt khó khăn nguồn cung lương thực

Cuộc chiến ở Ukraine đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. Nga và Ukraine, thường được coi là 'vựa lúa mỳ' của thế giới, nằm trong số những nhà sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu quan trọng nhất.

Là nạn nhân trực tiếp của sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu nông sản từ Nga và Ukraine đang phải đối mặt với những khó khăn thực sự về nguồn cung thực phẩm.

Với “Lục địa Đen”, cuộc chiến ở Ukraine đã đe dọa trực tiếp tới an ninh lương thực.

Quyết định của Moscow về việc không gia hạn thỏa thuận cho phép dỡ bỏ phong tỏa ngũ cốc từ các cảng của Ukraine (thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen) cho thấy tính chất chiến lược rõ ràng của nông nghiệp trong cuộc xung đột này. Giống như năng lượng, nông nghiệp đã trở thành vũ khí địa chính trị có tầm quan trọng hàng đầu hiện nay.

Gần một năm trước, ngày 22/7/2022, thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen được ký kết giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, cho phép xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn lúa mỳ của Ukraine vốn bị mắc kẹt tại các cảng ở Biển Đen kể từ khi chiến tranh nổ ra. Josep Borrell, người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) khi đó, đã ngợi ca đây là “bước tiến quan trọng trong nỗ lực khắc phục tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu”.

Ngoài ngũ cốc và các loại thực phẩm khác, thỏa thuận đảm bảo việc xuất khẩu phân bón, bao gồm cả amoniac, thông qua hành lang nhân đạo hàng hải an toàn từ 3 cảng của Ukraine: Chornomorsk, Odessa và Yuzhne-Pivdenn, đến phần còn lại của thế giới. Ban đầu có hiệu lực trong thời hạn 120 ngày, thỏa thuận đã được đàm phán lại nhiều lần giữa Ukraine và Nga cho đến ngày 17/7/2023, khi Nga tuyên bố chấm dứt thỏa thuận vì cho rằng cả phương Tây và Ukraine đều không tuân thủ, vi phạm lợi ích của Nga.

Vai trò đặc biệt quan trọng

Nga và Ukraine có vị trí thống lĩnh trong thị trường phân bón và nhiên liệu hóa thạch toàn cầu, điều này lý giải những lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Cả Nga và Ukraine đều thuộc nhóm những cường quốc nông nghiệp quan trọng nhất. Năm 2021, cả 2 đều nằm trong số 3 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa mỳ, lúa mạch, ngô, hạt cải và dầu hạt cải, hạt hướng dương và dầu hướng dương. 2 nước có vị trí thống lĩnh trên thị trường phân bón và nhiên liệu hóa thạch của thế giới, điều này cho thấy vì sao cuộc chiến ở Ukraine làm dấy lên những lo ngại ngày càng tăng bởi tính dai dẳng của nó.

Nhiều quốc gia ở châu Phi bắt đầu có sự chuyển dịch tiêu dùng từ lúa mỳ sang gạo.

Đối với nhiều quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực của Nga và Ukraine, cuộc chiến đang làm ảnh hưởng đến cán cân thương mại nông nghiệp nghiêm trọng. Diễn biến của các cuộc giao tranh đã tác động đáng kể đến sản xuất nông nghiệp của Ukraine: năm 2022, sản lượng lúa mỳ của nước này giảm 20% so với năm trước, trong khi hướng dương và ngô giảm 40%. Tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2023 ở Ukraine với những dự báo ban đầu về việc giảm 50% sản lượng lúa mỳ thu hoạch được.

Các hạn chế thương mại áp đặt lên Nga như các biện pháp trừng phạt chiến tranh, cũng đã góp phần khiến giá cả các mặt hàng này tăng vọt do nguồn cung đang sẵn có bỗng trở nên khan hiếm. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn và những lo ngại thiếu hụt đã khiến một số nước sản xuất ngũ cốc lớn như Ấn Độ và Trung Quốc giảm xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới để tăng dự trữ một cách quá mức.

Hậu quả là từ năm 2019 đến tháng 3/2022, chỉ số giá của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã đạt kỷ lục mới: giá ngũ cốc ở cấp độ toàn cầu tăng 48%, giá dầu diesel tăng 85% và giá nguyên liệu đầu vào (phân bón và thuốc bảo vệ thực vật) tăng 35%, vượt đáng kể so với các mốc của các năm 1970 (năm xảy ra cú sốc dầu mỏ); năm 2008 (xảy ra các vụ bạo loạn do nạn đói) và năm 2011 (Mùa xuân Arab). Nếu các mặt hàng nông sản tăng giá trên quy mô toàn cầu, thì một số quốc gia (như Pháp hoặc Tây Ban Nha) - tùy thuộc vào mức độ phụ thuộc nhập khẩu, năng lực sản xuất địa phương và các phương thức tiêu dùng - có thể có sức chống đỡ tốt hơn các quốc gia khác.

Chẳng hạn như Pháp, tuy ít bị ảnh hưởng về nguồn cung lương thực do năng lực trong nước dồi dào, nhưng lại là nước chịu sự phụ thuộc vào phân bón và nhiên liệu hóa thạch rất sâu. Lỗ hổng nghiêm trọng này, cùng với sức ép từ cuộc chiến và lạm phát, đã làm suy yếu các nhà sản xuất: chi phí sản xuất tăng 30% vào tháng 1/2023 so với năm 2022. Và sự gia tăng chi phí (nhiên liệu hóa thạch và phân bón) đối với các nhà sản xuất đã tác động đến giá tiêu dùng. Mức lạm phát lương thực sẽ đạt 25% vào mùa Hè năm 2023, mức cao đáng kể buộc nhiều hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu cho lương thực.

Đe dọa an ninh lương thực

Ở những nơi khác trên thế giới, đặc biệt là lục địa châu Phi, cuộc chiến ở Ukraine đã đe dọa trực tiếp an ninh lương thực. Đây chủ yếu là trường hợp đối với các quốc gia phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu từ Nga và Ukraine và không có các giải pháp thay thế về nguồn cung hoặc sản lượng. Chẳng hạn như Somalia và Sudan nhập khẩu 100% và 75% lúa mỳ từ Nga và Ukraine. Về lâu dài, lạm phát lương thực gây ra rủi ro thực sự đối với sự ổn định chính trị của các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các cuộc bạo loạn lương thực năm 2007 – 2008 và các sự kiện của Mùa xuân Arab năm 2011 đã minh họa cho mối tương quan trực tiếp giữa giá của các mặt hàng nông sản và sự ổn định thể chế.

Việc gia tăng chi phí đầu vào đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất nông nghiệp.

Giá năng lượng và nguyên liệu nông nghiệp tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp. Giá nguyên liệu nông nghiệp tăng vọt kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Sự lạm phát về giá đặc biệt rõ rệt đối với các sản phẩm xuất khẩu của Nga và Ukraine, nơi khoảng cách cung – cầu ngày càng lớn. Đó là trường hợp của lúa mỳ, mặt hàng mà 2 nước chiếm 30% thương mại thế giới trước chiến tranh. Tháng 9/2021, một tấn lúa mỳ được chào bán với giá khoảng 240 euro trên sàn giao dịch chứng khoán Chicago. Một năm sau, giá tăng lên 330 euro/tấn, tăng khoảng 70%. Lạm phát cũng đáng kể đối với các loại hạt có dầu như hạt cải dầu: Một tấn hạt cải dầu tăng từ 470 euro/tấn lên 615 euro/tấn, tăng 30% trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022. Đỉnh lạm phát đến nay dường như đã qua, tuy nhiên, mặt bằng giá của chúng vẫn cao hơn nhiều so với năm 2021.

Bên cạnh nguyên liệu nông nghiệp, giá năng lượng tăng cũng làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của các ngành nông nghiệp. Từ tháng 9/2021 đến tháng 9/2022, giá một thùng dầu đã tăng từ 65 USD lên 80 USD. Giá khí đốt tăng kéo theo giá phân đạm tăng, loại phân bón cần khí đốt để sản xuất. Ví dụ, giá amoni nitrat 33,5% (một trong những loại phân bón chính) đã tăng từ 400 euro/tấn vào tháng 9/2021 lên gần 1.000 euro/tấn chỉ một năm sau đó. Một lần nữa, đối với các sản phẩm nông nghiệp, xu hướng lạm phát này đang giảm dần: kể từ cuối năm 2022, giá xăng giảm và kéo theo giá phân bón giảm, tuy nhiên, vẫn chưa thể trở lại mức như trước năm 2021.

Nhìn chung, việc gia tăng chi phí đầu vào gây khó khăn cho các nhà sản xuất nông nghiệp, cho dù một số ngành nhất định được hưởng lợi từ hiệu ứng thu nhập mạnh mẽ. Theo Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), giá sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đã tăng mạnh từ 3 năm qua. Trong 10 tháng đầu năm 2022 ở Pháp, mức tăng giá đạt 45,5% đối với năng lượng, 24,6% đối với thức ăn chăn nuôi và 87,5% đối với phân bón. Do vậy, các nhà khai thác nông nghiệp có 2 lựa chọn: tăng giá bán hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận.

Lạm phát sản xuất ảnh hưởng đến giá lương thực, một xu hướng tăng trong toàn bộ các nước châu Âu. Mặt bằng giá lương thực ở Pháp đạt mức kỷ lục. Tháng 3/2023, INSEE ghi nhận giá thực phẩm tăng 15,9% so với năm trước, một mức cao đáng kể. Sự tăng giá này cũng tiếp tục trong mùa hè 2023. Các cuộc đàm phán thương mại hồi tháng 2/2023 giữa các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ lớn đã tác động đến việc tăng giá đầu vào trong giá bán của họ và cho thấy lạm phát cao nhất là 25% vào mùa hè năm nay. Tình trạng lạm phát này đang buộc các hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu cho lương thực.

Châu Phi chịu thiệt hại nặng

Bất chấp việc thiết lập hành lang hàng hải sau Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và tổ chức các tuyến đường bộ mới qua Đông Âu, xuất khẩu của Ukraine đang giảm. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Ukraine, trong năm 2022 – 2023, nước Cộng hòa Ukraine đã giao 41,9 triệu tấn ngũ cốc và đậu, so với 45 triệu tấn vào năm trước. Nguyên nhân chính là do số chuyến tàu chở hàng xuất bến giảm xuống dưới 3 chuyến/ngày. Tương tự đối với hạt hướng dương, từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023, Ukraine chỉ xuất khẩu được 69% tiềm năng xuất khẩu của họ, và ngừng cung cấp cho nhiều quốc gia. Năm 2022, người trồng trọt Ukraine chứng kiến diện tích đất canh tác của họ giảm 22%, tức 2,8 triệu ha. Cuộc chiến càng kéo dài thì tiềm năng sản xuất của Ukraine càng giảm. Việc đập Kakhovka bị phá hủy gần đây sẽ làm giảm tiềm năng nông nghiệp của khu vực trong nhiều năm tới. Một tuyên bố gần đây của Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết 10.000 ha đất trực tiếp bị ngập lụt ở hạ lưu đập và hàng nghìn ha khác ở thượng nguồn đối mặt với nguy cơ hạn hán gia tăng.

Từ năm 2018 đến năm 2020, lục địa Phi đã nhập khẩu 44% tổng lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Liên bang Nga (32%) và Ukraine (12%). Không dưới 25 quốc gia châu Phi nhập khẩu hơn 1/3 lượng lúa mỳ của họ từ 2 quốc gia này và 15 quốc gia trong số đó nhập khẩu hơn một nửa. Chẳng hạn, Somalia và Benin nhập khẩu 100% lúa mỳ từ Nga và Ukraine, trong khi Sudan nhập khẩu 75%. Đối với các quốc gia này, có rất ít lựa chọn thay thế: nguồn cung lúa mỳ trong khu vực tương đối thấp (và không ngừng giảm do biến đổi khí hậu), thương mại nội bộ châu Phi bị hạn chế và nhiều khu vực của lục địa không có cơ sở hạ tầng giao thông.

Việc hạn chế nguồn cung này lại một lần nữa đi kèm với sự gia tăng lạm phát lương thực. Từ tháng 3 đến tháng 12/2022, lạm phát lương thực trung bình hàng năm ở mức 29% ở Bắc Phi. Tỷ lệ này – cao hơn 10 điểm so với mức trung bình của thế giới trong cùng thời kỳ (17%) – được giải thích là do chế độ thực phẩm của các nước nghèo tập trung nhiều hơn vào các sản phẩm có tỷ lệ lạm phát cao (đặc biệt là lúa mỳ và hạt có dầu). Ở những khu vực bị đe dọa nhiều nhất như châu Phi cận Sahara và Bắc Phi, các hộ gia đình đã dành trung bình hơn 50% ngân sách hàng tháng của họ cho thực phẩm.

Nguồn cơn của bất ổn chính trị

Có mối liên hệ rất chặt chẽ giữa tình trạng giá lương thực tăng cao với bất ổn chính trị. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có sự liên hệ giữa giá nông sản tăng đột biến với các sự kiện chính trị lớn, chẳng hạn như cuộc bạo loạn lương thực năm 2007 – 2008 và Mùa xuân Arab năm 2011. Năm 2019, một báo cáo chung của FAO và Chương trình Lương thực thế giới (WFP) xác nhận rằng tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã làm gia tăng tỉ lệ di cư và xung đột vũ trang.

Ngoại trừ Sudan – nơi đang diễn ra cuộc nội chiến dai dẳng trong bối cảnh giá bánh mỳ tăng 50% - nhiều quốc gia có sự chuyển dịch tiêu dùng từ lúa mỳ sang gạo. Trên thực tế, gạo là một trong những loại ngũ cốc hiếm hoi mà giá chỉ tăng hạn chế: 8% từ tháng 2 đến tháng 7/2022. Do vậy, một số quốc gia châu Phi đã thay thế một phần lượng tiêu thụ lúa mỳ của họ bằng gạo, điều này giải thích cho hiện tượng giá gạo tăng gần đây và giá lúa mỳ giảm, mặc dù nguồn công ngày càng trở nên khan hiếm hơn.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nhieu-nuoc-doi-mat-kho-khan-nguon-cung-luong-thuc-i704460/