Nhiều nước "chơi" theo luật của Trung Quốc

Trong khi Mỹ đang leo thang cuộc chiến với lãnh đạo Trung Quốc về giá trị thấp phi thực tế của đồng nhân dân tệ thì ngày càng có nhiều quốc gia từ bỏ những quy định về thị trường tự do vốn định hướng thương mại quốc tế trong những thập niên gần đây và bắt đầu chơi theo luật lệ của Trung Quốc.

Gần đây, Nhật và Brazil đã áp dụng các biện pháp làm giảm giá trị đồng nội tệ hoặc ít nhất là ngăn ngừa đồng tiền của mình có giá trị cao hơn so với tiền Trung Quốc, đồng nhân dân tệ. Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua điều luật đầu tiên cho phép Mỹ áp một mức thuế khổng lồ với hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không định giá đúng đồng nhân dân tệ. Đây là một cơ chế khác để làm hàng hóa Trung Quốc đắt hơn ở Mỹ và hàng xuất khẩu Mỹ có tính cạnh tranh hơn ở Trung Quốc. Tại châu Âu, các nghị sĩ đã bắt đầu khó chịu vì đồng euro hiện giờ lại tăng giá mạnh so với USD, có khả năng làm suy yếu hoạt động xuất khẩu bằng cách làm giá hàng hóa châu Âu đắt đỏ hơn. Những hoạt động xuất khẩu đó là một trong vài nguồn phát triển của châu Âu. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - sắp tới sẽ lãnh đạo nhóm các nền kinh tế lớn G20, cho biết hồi cuối tuần trước rằng ông đang thúc đẩy một hệ thống phối hợp tiền tệ toàn cầu mới như các quốc gia giàu có từng làm vào những năm 1970 trước khi thị trường tự do chính thống kiểm soát được mọi hoạt động. Hiện chưa rõ, liệu kết quả của việc này có phải là một cuộc chiến tiền tệ không hay chỉ là những phát đạn cảnh cáo được bắn ra nhằm buộc giới lãnh đạo Bắc Kinh phải làm đúng cam kết rằng họ sẽ để đồng nhân dân tệ đúng theo giá trị của nó. Đến lúc này, không rõ Trung Quốc đã sẵn sàng thực thi cam kết tới đâu. Tuy nhiên, có một thực tế rằng phần còn lại của thế giới đang bắt đầu bắt chước các phương pháp của Trung Quốc: thao túng đồng nội tệ để có lợi cho mình trong khi phản kháng sức ép chính trị của các đối tác thương mại. Gần đây, lần đầu tiên trong vòng 6 năm, Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ sau khi buộc tội Trung Quốc đẩy giá đồng yên lên mức cao nhất trong vòng 15 năm, một phần nhằm mua lại nợ của Nhật. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Nhật lo ngại, đây chỉ là một động thái ngắn hạn. "Nhật đang có cảm giác bị thua trong cuộc chiến phá giá tiền tệ đầy cạnh tranh này", Kazuo Ueda giáo sư tài chính tại trường đại học Tokyo, cựu thành viên ban chính sách ngân hàng trung ương Nhật nhận định. Brazil cũng có động thái tương tự và tuần trước đã cam kết sẽ có những hành động cần thiết để ngăn đồng tiền của nước này bị định giá quá cao. Hoài Linh (Theo NYTimes)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/201010/Them-nhieu-nuoc-choi-theo-luat-cua-Trung-Quoc-939224/