Nhiều nhà sản xuất 'đứng ngồi không yên' sau vụ sập cầu ở Mỹ

Cú đâm của tàu container khổng lồ làm cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore (Mỹ) sập xuống lòng sông, cảng của thành phố này đã phải đóng cửa, khiến hàng triệu tấn than, hàng trăm ô tô và việc vận chuyển gỗ, thạch cao bị mắc kẹt.

Thị trường tài chính phản ứng nhanh chóng với vụ sập cầu, với cổ phiếu của hãng vận tải toàn cầu Maersk giảm mạnh 2,6% tại Copenhagen vào thứ Tư (27/3).

Tuy nhiên, một nhà phân tích từ công ty môi giới trực tuyến Nordnet nói với hãng tin Reuters, về lâu dài, "sự kiện này không phải là chất xúc tác chính cho giá cổ phiếu, trừ khi có điều gì đó khó chịu xảy ra, như dấu hiệu sơ suất nghiêm trọng đằng sau vụ tai nạn”.

Sau vụ sập cầu, có ít nhất 6 người thiệt mạng, chuỗi cung ứng từ ô tô đến than đã bị gián đoạn. Các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Đức, hiện đang kiểm tra cơ sở hạ tầng của chính họ. Ảnh: DW.

Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại EY, cũng vẫn bình tĩnh. “Tôi nghĩ tác động kinh tế vĩ mô sẽ vẫn còn hạn chế”, ông nói với Bloomberg News hôm thứ Tư (27/3).

Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg cảnh báo về “tác động lớn và lâu dài đối với chuỗi cung ứng” sau khi cảng Baltimore đóng cửa. Ông nói với các phóng viên trong cuộc họp giao ban ở Baltimore hôm 26//3: “Còn quá sớm để đưa ra ước tính về những gì cần làm để thông luồng và mở lại cảng”.

Ông Buttigieg gọi Francis Scott Key là một trong những “thánh đường của cơ sở hạ tầng Mỹ”, nhấn mạnh rằng việc xây dựng lại cây cầu này sẽ mất thời gian.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả vụ sập cầu là một "tai nạn khủng khiếp" và cam kết sẽ mở cửa trở lại cảng và xây dựng lại cây cầu.

Chi phí để xây dựng lại cây cầu ước tính khoảng 500 triệu USD đến 1,2 tỷ USD (462 triệu euro - 1,1 tỷ euro), với thời gian xây dựng ít nhất là hai năm.

Cầu Francis Scott Key thuộc thành phố Baltimore. Ảnh: DW.

Cảng Baltimore đặc biệt quan trọng đối với việc xuất nhập khẩu ô tô và xe tải nhẹ. Khoảng 850.000 phương tiện được vận chuyển tới đó hàng năm, hỗ trợ khoảng 15.000 việc làm. Ngoài ra, cầu Francis Scott Key là một tuyến đường huyết mạch ở Bờ Đông, với khoảng 30.000 phương tiện qua cầu mỗi ngày.

Các nhà sản xuất ô tô châu Âu, bao gồm Mercedes, Volkswagen và BMW, duy trì cơ sở hạ tầng rộng khắp ở khu vực Baltimore để vận chuyển xe.

Người phát ngôn của nhà sản xuất ô tô cao cấp BMW (Đức) cho biết trong email gửi tới Reuters rằng công ty không mong đợi bất kỳ tác động tức thời nào ngoài tình trạng tắc nghẽn giao thông ngắn hạn. Người phát ngôn cho biết thêm, công ty sử dụng cảng Baltimore để nhập khẩu ô tô, nhưng bến ôtô nằm ở lối vào bến cảng, phía trước cầu và vẫn có thể tiếp cận được.

Tuy nhiên, gã khổng lồ ôtô Ford của Mỹ sẽ phải "chuyển các bộ phận sang các cảng khác", điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của hãng. Giám đốc tài chính của Ford John Lawler nói với Reuters trong một tuyên bố rằng "khi cần có giải pháp thay thế trong thời gian ngắn, nhóm của chúng tôi đã đảm bảo các giải pháp thay thế vận chuyển”.

Ryan Peterson, người sáng lập và Giám đốc điều hành của nền tảng hậu cần Flexport, tuyên bố vì Baltimore chỉ xử lý 1,1 triệu container vào năm 2023, nên tác động giá container và chi phí vận chuyển do sự gián đoạn sẽ ít hơn nhiều so với những sự kiện như Covid-19, khủng hoảng Biển Đỏ.

Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg: “Khối lượng vận chuyển ở Bờ Đông đang giảm và các cảng đó có khả năng linh hoạt để xử lý vấn đề này”. Tuy nhiên, ông đã cảnh báo về "ùn tắc giao thông và chậm trễ", nói rằng lưu lượng giao thông tăng đột ngột tại cảng từ 10% đến 20% sẽ tạo ra đủ loại phức tạp.

Các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Đức, hiện đang kiểm tra cơ sở hạ tầng của chính họ nhằm tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Lê Na (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-nha-san-xuat-dung-ngoi-khong-yen-sau-vu-sap-cau-o-my-post289508.html